Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vừa cứu sống ngoạn mục một trường hợp bệnh nhân đặc biệt nhờ sử dụng đồng thời 02 kỹ thuật cao là kỹ thuật hỗ trợ tim, phổi nhân tạo (ECMO) và can thiệp tim mạch.
Bệnh nhân là anh T.Đ. K. – 33 tuổi (Quảng Thành, TP Thanh Hóa) có tiền sử khỏe mạnh, khoảng 18h00 ngày 22/5/2022 bệnh nhân đang chơi thể thao xuất hiện đau ngực trái, 19h00 bệnh nhân trở về nhà và đột ngột xuất hiện mất ý thức, ngừng tim, ngừng thở. Người nhà bệnh nhân đã thực hiện ép tim và đưa vào Trung tâm Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng mạch 0, huyết áp 0 với chẩn đoán ngừng tuần hoàn chưa rõ nguyên nhân. Sau 30 phút cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao, bệnh nhân đã tái lập tuần hoàn, sau đó được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc trong tình trạng rất nguy kịch, suy hô hấp nặng phù phổi, bọt hồng trào qua ống nội khí quản, huyết áp phụ thuộc vào 3 loại thuốc vận mạch liều rất cao, khí máu toan chuyển hóa nặng, nồng độ oxy máu rất thấp P/F 64, SpO2 65-70%, bệnh nhân có nguy cơ ngừng tuần hoàn trở lại và tử vong rất cao.
Để kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân, các bác sĩ đã hội chẩn cấp cứu và quyết định sử dụng kỹ thuật ECMO để hỗ trợ tim phổi và hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não cho bệnh nhân. Sau 08 giờ chạy ECMO và điều trị nội khoa tích cực, tình trạng bệnh của bệnh nhân dần được cải thiện, giảm được liều các thuốc vận mạch, huyết động ổn định dần, bão hòa oxy máu đảm bảo, tình trạng toan máu cải thiện.
Bệnh nhân T.Đ.K chạy ECMO và điều trị nội khoa tích cực ngày thứ 3
Sau 3 ngày chạy ECMO, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn các chuyên khoa liên quan để tìm ra nguyên nhân ngừng tuần hoàn và quyết định vận chuyển bệnh nhân sang đơn vị can thiệp mạch để chụp động mạch vành. Khó khăn lớn nhất lúc này là bệnh nhân hiện đang chạy ECMO nên việc di chuyển và thao tác chụp động mạch vành rất khó khăn, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong quá trình di chuyển cũng như trong lúc chụp động mạch vành.
Bằng sự quyết tâm cao, kíp các y bác sĩ đã di chuyển bệnh nhân và tiến hành chụp động mạch vành an toàn, kết quả chụp phát hiện tắc hoàn toàn một nhánh động mạch vành. Ngay sau đó, bệnh nhân được can thiệp đặt stent mạch vành ngay trên nền chạy hệ thống ECMO. Sau can thiệp, bệnh nhân có huyết áp ổn định, oxy máu đảm bảo, bệnh nhân tiếp tục được thực hiện kỹ thuật ECMO và điều trị nội khoa tích cực.
Bệnh nhân T.Đ.K vừa chạy ECMO và vừa được can thiệp đặt stent động mạch vành
Sau 5 ngày điều trị, nhận thấy chức năng tim, phổi của bệnh nhân ổn định, các bác sĩ đã quyết định cho bệnh nhân cai ECMO và kết thúc sử dụng ECMO thuận lợi. Đến ngày điều trị thứ 10, bệnh nhân đã rút ống nội khí quản, chức năng tim, phổi đã hồi phục và hiện tại bệnh nhân đang trong giai đoạn hồi phục sức khỏe.
Bệnh nhân T.Đ.K hoàn toàn tỉnh táo và dần hồi phục sau 10 ngày điều trị
BSCKI. Nguyễn Phi Hùng – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1 – Chống độc, Bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T.Đ.K chia sẻ: “Trường hợp bệnh nhân T.Đ.K là ca bệnh đặc biệt được các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cứu sống một cách ngoạn mục mà đến giờ vẫn là kỳ tích in đậm trong cảm xúc gia đình người bệnh cũng như những bác sĩ tham gia điều trị. Kỳ tích bởi cùng một lúc các bác sĩ các chuyên khoa kết nối liên hoàn có hệ thống và có tổ chức của các kíp Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Tim mạch can thiệp…của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Bệnh nhân đã được các bác sĩ kiên trì, nỗ lực cứu sống bằng tất cả các trang thiết bị tối tân, hiện đại nhất, dồn nhiều trí lực nhất. Hình ảnh bệnh nhân dần hồi phục sức khỏe, chuẩn bị được ra viện trở về với cuộc sống thường ngày không chỉ là niềm vui mừng khôn xiết của gia đình mà còn là sự động viên tinh thần lớn lao đối với đội ngũ y, bác sĩ, là động lực để chúng tôi tiếp tục ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ mang nụ cười trở lại cho gia đình bệnh nhân”.
Bệnh nhân T.Đ.K hồi phục và chờ ngày ra viện
Thầy thuốc nhân dân, BsCKII Lê Văn Sỹ – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết “ECMO là kỹ thuật phức tạp, cần 1 ekip y bác sĩ hết sức chuyên nghiệp để vận hành, do vậy, kỹ thuật này hiện mới chỉ được áp dụng ở Trung tâm Y tế lớn. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, trước khi triển khai kỹ thuật, năm 2020 Ban Lãnh đạo Bệnh viện đã cử 02 kíp gồm các bác sĩ và điều dưỡng tham gia đào tạo tại Bệnh viện Chợ Rẫy và các Bệnh viện tuyến Trung ương khác. Đến nay, sau 02 năm đưa hệ thống ECMO vào hoạt động, đã có 12 trường hợp bệnh nhân sử dụng kỹ thuật ECMO, trong đó có 06 ca bệnh khó, phức tạp được cứu sống nhờ kỹ thuật này. Đây được xem là một bước đột phá lớn trong lĩnh vực hồi sức tích cực của Bệnh viện nói riêng, ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa nói chung, thành công này mở ra thêm nhiều cơ hội sống cho người bệnh, đồng thời cho thấy sự sáng tạo, tận tâm vì người bệnh của đội ngũ thầy thuốc áo trắng của một Bệnh viện tuyến tỉnh, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương”.
Bài và ảnh: Phòng CTXH