Vụ gian lận thi cử năm 2018 là “vết nhơ”, là vụ tham nhũng tồi tệ nhất lịch sử ngành giáo dục nước nhà kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập.
Nghị quyết số 29-NQ/TW (Nghị quyết 29) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…” trong phần “Nhiệm vụ, giải pháp” nêu:
“Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, giải quyết dứt điểm các hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”.
Nghị quyết cũng chỉ rõ:
“Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.
Nghị quyết 29 ban hành ngày 04/11/2013, đến nay đã được hơn 05 năm, đó là khoảng thời gian đủ dài để tổng kết những gì làm được, những gì còn khiếm khuyết đòi hỏi từng bộ phận trong hệ thống chính trị phải nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm của mình.
Thực trạng gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình cho thấy “hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo” chưa được cải thiện mà có chiều hướng tồi tệ hơn trước.
Đây là “vết nhơ”, là vụ tham nhũng tồi tệ nhất lịch sử ngành giáo dục nước nhà kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập.
Trong hoàn cảnh đó, nếu không chỉ mặt vạch tên những cán bộ, phụ huynh tham gia đường dây chạy điểm cho thí sinh, nếu còn viện dẫn các lý do thiếu thuyết phục để không xem xét kỷ luật các phụ huynh chạy điểm sẽ là đi ngược lại Nghị quyết của Đảng, chủ trương của Nhà nước.
Trong vụ gian lận điểm thi, cán bộ Ban chỉ đạo ba tỉnh nêu trên có kẻ trục lợi, có kẻ thu lợi bất chính hơn nửa tỷ đồng. Gần hai chục cán bộ từ cấp nhân viên đến Phó Giám đốc sở và một số công an đã bị khởi tố.
Từ thông tin trên truyền thông, có thể thấy phụ huynh các thí sinh được nâng điểm gồm đủ các thành phần xã hội, từ người buôn bán đến Bí thư tỉnh ủy.
Riêng những phụ huynh là cán bộ, công chức có thể điểm danh khá nhiều cơ quan, ban ngành nơi họ công tác như: Giáo dục, Công an, Thuế vụ, Ngân hàng, Văn phòng Tỉnh ủy,…
Báo Tienphong.vn viết: “Theo thông tin từ báo Lao Động, trong số thí sinh bị giảm điểm sau chấm thẩm định, có thí sinh M – con gái của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh.
Cụ thể, điểm thi của thí sinh được công bố lần thứ nhất lần lượt là: Toán: 9,4; Văn: 7,5; Tiếng Anh: 10 điểm.
Tuy nhiên, sau khi chấm thẩm định, điểm thi của thí sinh này chỉ còn là Toán: 6; Văn 7,5; Tiếng Anh: 8. Như vậy tổng điểm đã sụt giảm đến 5,4 điểm”.
Báo Thanhnien.vn cho hay:
“Trong số 44 thí sinh Sơn La có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm đã công bố hồi tháng 7.2018, có nhiều thí sinh là con em cán bộ các ngành công an (7 trường hợp) và giáo dục (12 trường hợp). Một số khác là con em các cán bộ có chức sắc ở địa phương”.
Người làm nghề buôn bán, được gọi là tiểu thương hoặc doanh nhân, riêng bọn lừa đảo, buôn gian bán lận, kiếm lời bất chấp thủ đoạn người ta gọi là “con buôn”.
Con buôn chạy điểm cho con chắc chắn không thể “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, vậy họ dùng cái gì nếu không phải là tiền?
Việc cho đến nay cơ quan điều tra chưa công bố danh tính cha mẹ thí sinh được nâng điểm cho thấy có sự không công bằng với Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh bởi nhiều bài báo nhắc tên ông (con ông Vinh được nâng thêm tổng cộng 5,4 điểm) song lại né nêu tên những phụ huynh khác, trong đó có người buôn bán lớn tại thành phố Sơn La.
Con người này thi ba môn được 0,45 điểm, gia đình này đã “mua” thêm được 26,45 điểm nâng tổng điểm ba môn của con thành 27.
Bản thân Bí thư Vinh đã thanh minh, ông không biết việc con ông được nâng điểm mà “Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng”.
Nếu quả thật có người định “đưa con lãnh đạo vào tròng” thì càng phải làm cho ra nhẽ vì hành vi hãm hại các cháu học sinh là trọng tội, phải trừng trị đến nơi đến chốn.
Giả sử các cuộc điều tra kết thúc ở mức 222 thí sinh được nâng điểm (Hà Giang – 114, Hòa Bình – 64, Sơn La – 44) thì nghĩa là sẽ có 222 cặp bố mẹ có liên quan trực tiếp.
Có thể có người thông cảm với người bị oan như ông Triệu Tài Vinh bởi ở vị trí lãnh đạo cao nhất tỉnh mà không biết cấp dưới làm việc vô pháp, khiến ông và gia đình mang tiếng thì đa số thực sự bức xúc vì không ít kẻ dẫu biết việc làm của mình trái pháp luật, vô đạo đức nhưng vẫn im lặng, họ hy vọng sẽ được pháp luật “thông cảm”.
Biến điểm Toán từ 0 thành 9 quả đúng với cụm từ “Biến không thành có”, và sẽ thật khiếm khuyết nếu tổ chức Guinness không đưa sự việc này vào danh mục kỷ lục thế giới.
Người thi ba môn được 0,45 điểm gọi là học dốt, tuy nhiên những người nhúng tay sửa điểm từ 0 thành 9, từ 0,45 (ba môn) thành 27 không thể nói là “dốt”, cũng không thể nói là “liều”, vậy gọi họ là gì?
Việc xuất hiện trong hàng ngũ Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh cả một đường dây gian lận điểm thi có phải là trường hợp “đột biến” riêng năm 2018 hay đã tồn tại nhiều năm trước là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Điều chắc chắn là trong một khoảng thời gian khá dài đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, kỷ cương bị buông lỏng, luật dành cho dân, lệ là dành cho cán bộ khiến cho hàng loạt cán bộ công chức phạm tội.
Chỉ trong vòng 03 năm gần đây, khoảng 60 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, cấp cao nhất trong số đó là Ủy viên Bộ Chính trị.
Dám chữa điểm từ 0 thành 9 chỉ có thể là những người kết hợp đầy đủ ba đặc tính “tham lam – liều lĩnh – ngu đần” bởi chỉ cần có một chút liêm sỉ không ai dám làm việc đó.
Với ba đặc tính đó, nhờ đâu mà họ lại là cán bộ, công chức, thậm chí còn là lãnh đạo cấp phòng, cấp sở, ai đã đặt họ vào chiếc ghế quyền lực đó?
Liên quan đến việc sửa điểm, số lượng đông đảo nhất là phụ huynh của 222 thí sinh, số người này có thể phân thành ba trường hợp:
Thứ nhất, có thể có phụ huynh rơi vào trường hợp con em họ “bị nâng điểm” với mưu đồ đưa các cháu hoặc bố mẹ các cháu “vào tròng” – như ý kiến của ông Triệu Tài Vinh;
Thứ hai, do cấp dưới “nịnh” cấp trên, do quan hệ họ hàng, thân quen;
Thứ ba, dùng lợi ích vật chất để “mua” điểm.
Dù rơi vào bất kỳ trường hợp nào thì việc mở rộng vụ án gian lận điểm thi với các đối tượng là cha mẹ, người thân của thí sinh cũng là cần thiết, đặc biệt là với những người giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.
Vấn đề là cần xác định những phụ huynh liên quan đến việc chạy điểm có phạm tội đến mức phải xử lý hình sự không?
Khoản 1 điều 358 Bộ Luật Hình sự 2015 “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” quy định:
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ 01 đến 06 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất”…
Hành vi chữa bài thi, nâng điểm cho thí sinh mang lại lợi ích cho những phụ huynh liên can là con em họ đủ điểm vào học đại học, đây là “Lợi ích phi vật chất”.
Như vậy “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian…”để thu được “Lợi ích phi vật chất”sẽ bị phạt tù từ 01 đến 06 năm.
Điều gì sẽ xảy ra nếu các đối tượng này không bị pháp luật trừng trị?
Hậu quả rõ nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TW, một Nghị quyết hết sức quan trọng với tương lai dân tộc bị bỏ qua, chính xác là “nói mà không làm, làm không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi” bởi như trích dẫn trong Nghị quyết, cả hệ thống chính trị phải “giải quyết dứt điểm các hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”.
Hậu quả tiếp theo là chủ trương xây dựng một “Chính phủ liêm chính, kiến tạo” bị giáng một đòn mạnh ở lĩnh vực “liêm chính”.
Xây dựng một “Chính phủ liêm chính, kiến tạo” không phải là một khẩu hiệu, đó là sứ mạng mà Chính phủ tự khẳng định trước nhân dân.
Bản thân từ “Liêm chính” được hiểu là “liêm khiết, chính trực”, nhưng cũng bao hàm trong đó minh bạch, công tâm, trách nhiệm,…
Một Chính phủ liêm chính thì mỗi thành viên, từ cấp phường, xã đến cấp bộ và thành viên Chính phủ phải thượng tôn pháp luật.
Nếu có thành viên phạm pháp thì Chính phủ phải bằng mọi cách loại họ ra khỏi hệ thống.
Nếu mấy trăm cán bộ công chức là phụ huynh liên can đến việc nâng điểm bài thi không bị xử lý thì mục tiêu xây dựng “Chính phủ liêm chính” sẽ thế nào?
Hậu quả thứ ba là làm suy giảm thêm niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng và đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước.
Đảng đã yêu cầu “giải quyết dứt điểm các hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”, Chính phủ đã quyết tâm xây dựng một “Chính phủ liêm chính” vậy vì sao chưa (hoặc không) xử lý những cá nhân sai phạm rất rõ ràng?
Hậu quả thứ tư là làm trầm trọng thêm sự mất công bằng xã hội.
Người có chức, có quyền hoặc có tiền là có thể mua được “suất đại học” cho con cháu họ bất kể đó là kẻ dốt nát thi ba môn chỉ được 0,45 điểm.
Nếu những kẻ được nâng điểm không bị phát hiện, vài năm sau trở thành sĩ quan quân đội, công an, luật sư, nhà kinh tế,… thì chúng sẽ coi luật pháp là gì?
Phải chăng chính nền giáo dục hiện nay đang góp phần cung cấp một số lượng không nhỏ những người vô pháp cho các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống?
Nghị quyết 29 nêu mục tiêu của giáo dục Việt Nam là “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”.
Với thực trạng giáo dục như hiện nay, với cách xử lý tiêu cực, gian lận như hiện nay, liệu mục tiêu nêu trên có trở thành hiện thực?
Theo GDVN