Bên dòng sông thi ca

19:27 | 01/02/2022

Chúng tôi đi dọc sông Nhuệ trong một buổi sáng nắng dịu dàng với đàn cò bay chấp chới trên cánh đồng vàng ươm. Những làng ven sông luôn tỏa ngát hương sen. Nước trong xanh và đoàn thuyền bươn bả chở hàng xuôi dòng đưa về chợ Đại. Người dẫn đường cho chúng tôi là nghệ nhân làm đàn Đào Văn Soạn ở xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa-Hà Nội). Những ký ức tràn về một thuở “Thủ đô kháng chiến”. Hiện còn di tích Bảo tàng Khu Cháy tại xã Đồng Tân (cách trung tâm chừng 40 cây số về phía nam Hà Nội).

Mọt góc chợ Đại (Nhật Tựu).

CHỢ PHIÊN VÀ NHỮNG BẢN TÌNH CA

Dòng sông Nhuệ chảy tới cống làng Thần, nằm trên đường 428 từ Cầu Giẽ dẫn đi Vân Đình thì chia đôi ngả nhập vào sông Châu Giang. Nghệ nhân Đào Văn Soạn kể từ ngã ba công Thần người ta cho đào một con kênh (sông Nhuệ kéo dài) đi thẳng tiếp tới chợ Đại (thuộc xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng, Hà Nam). Gọi là kênh nhưng được đào rộng như sông lớn và đi qua mấy xã nằm trong ATK “Thủ đô kháng chiến” (1946-1954). Dòng nước kênh đào cũng nhập vào sông Đáy. Chợ Đại nằm ngay ngã ba sông là đầu mối cho khắp nơi về đón hàng bằng thuyền và tàu bè. Nghệ nhân Soạn kể chuyện hồi đó giặc Pháp không có đủ quân số quản tới đây. Vùng mươi xã chung quanh huyện Ứng Hòa và Phú Xuyên được coi là vùng tự do. Khi được lệnh “Toàn quốc kháng chiến” (19-12-1946) dân Hà Nội đổ về đây làm ăn và dựng chợ buôn bán. Dần dần các quán hàng mọc lên tạo thành một chợ trời dọc hai bên bờ kênh đào, kéo dài từ chợ Đại tới cống Thần. Mọi người thường gọi tên ghép là Chợ Đại-Cống Thần.

Nghệ nhân Soạn nhớ từ ngày bé ông luôn được mẹ đưa ra chợ này vào chiều tối. Bởi vào các buổi sáng thỉnh thoảng tàu bay Pháp lượn lờ bắn vu vơ vào chợ. Hoặc đôi khi đạn pháo “mooc chê” cũng câu ì oàng bên sông. Do đó chợ thường tấp nập từ trưa tới tối đêm. Chợ trời với đúng nghĩa vừa là chợ đầu mối từ bến chợ Đại vừa là chợ phố bán hàng tạp trăm thứ bà rằn bên sông. Chợ Đại-Cống Thần kéo dài tới 5 cây số. Cách chợ Đại chừng vài ba cây số về tây còn có chợ Dầu cũng là nơi nhiều người Hà Nội tản cư về làm ăn. Nhất là khi những quán bar mở sàn nhảy đầm hoạt động, tài tử giai nhân dập dìu suốt đêm. Gọi là chợ trời kháng chiến nhưng không khác phố là mấy vì các quán hàng mọc lên san sát và tàu thuyền đi lại tấp nập vào bờ lấy hàng và tiện ăn chơi. Nghệ nhân Soạn chợt nhớ tới quán phở Thăng Long của gia đình nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ở vùng chợ Dầu. Nói là hàng phở nhưng quán bán cả giải khát, cà phê và rượu. Riêng ông bà chủ Phạm Đình Phụng (thân sinh nhạc sĩ Phạm Đình Chương) lại là dân chơi đàn nguyệt, đàn tranh nên anh em văn nghệ sĩ thường đi đâu cũng về đây hội tụ. Nhiều lúc nổi cơn hứng ông bà Phụng dẹp quán để mọi người hòa tấu và ca hát. Nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) có thời gian còn đến hát cho quán với chất giọng “Tenor” cao vút.

Đường đê sông Đáy. Nơi một thời là góc Chợ Đại-Cống Thần. Phố văn nghệ sĩ kháng chiến.

Sau đó chúng tôi đi quanh chợ Đại để tìm dấu tích những quán xá còn lưu dấu hình bóng văn nghệ sĩ kháng chiến. Nghệ nhân Đào Văn Soạn kể không ít chuyện yêu đương đã nảy sinh và những bản tình ca đã ra đời ở đây. Đặc biệt ông rất nhớ tới bài “Cô hàng cà phê” của nhạc sĩ Canh Thân (1920-1953). Chàng nhạc sĩ lãng tử Canh Thân đem lòng si mê cô con gái lớn của ông Phụng. Cô tên là Phạm Thị Thái, chính là ca sĩ Thái Hằng chị ruột nhạc sĩ Phạm Đình Chương sau này. Nhưng ngày đó cô còn ở độ tuổi hai mươi và có đôi mắt u sầu mơ mộng. Gương mặt trái xoan của cô hiền dịu với mái tóc mềm mại thướt tha. Cô tiếp khách rất ngọt ngào, niềm nở nhưng đôi mắt luôn phảng phất nỗi buồn ẩn giấu. Không ít chàng trai đã ngó nghiêng ngưỡng mộ. Riêng nhạc sĩ Canh Thân thầm yêu trộm nhớ chứ không dám bày tỏ. Anh chàng si tình chỉ biết ngồi nhâm nhi cà phê và ngắm người đẹp từ xa. Lòng chàng biết bao mong nhớ và quyến luyến mơ mộng. Và rồi sau đó trong một đêm thức trắng chàng thả lòng bay bổng với tình yêu lãng mạn bằng những câu ca vọng lên từ trái tim. Chàng hát suốt đêm và ôm bản nhạc lên ngực tựa như báu vật thiêng liêng. Bản tình ca “Cô hàng cà phê” ra đời từ phiên chợ trời kháng chiến thật sự kỳ thú. Bài hát được truyền miệng trên những con đò và máy hát vang lên khắp phố chợ. Không ai không thuộc câu: “Lơ thơ tơ liễu buông mành. Cho hay cái sắc khuynh thành. Làm cho bao chàng chết mê mệt…”. Theo như nghệ nhân Soạn nói “Cô hàng cà phê” của Canh Thân nằm trong bộ tứ bình âm nhạc cùng với “Cô lái đò” (Nguyễn Đình Phúc), “Cô hàng nước” (Vũ Minh) và “Cô láng giềng” (Hoàng Phú) góp phần cho dòng nhạc tiền chiến thêm phong phú và sống mãi với thời gian.
Rời phố chợ Đại chúng tôi đứng bến cầu sắt nhìn dọc kênh đào sông Đáy chạy về phía Cống Thần xa hút. Chợ Đại vẫn còn đó nhưng phố chợ trên đê chỉ đọng lại những lưu ảnh xa xưa trong lòng người. Nghệ nhân Soạn rất nhớ bến chợ còn lưu dấu hình bóng một vũ nữ xinh đẹp tên là Hiếu. Cô chính là người mà nhạc sĩ Phạm Duy luôn cặp kè trên sông nước. Ông tậu hẳn một con đò có mái che đưa cô Hiếu đi chơi đó đây. Chàng nhạc sĩ phiêu du luôn ôm đàn ca hát và chèo thuyền cho người đẹp đi chợ ăn quà. Mỗi phiên chợ hoa quả về đầy bến sông. Quán nào được người đẹp đến nếm thử bao giờ cũng đắt hàng. Nhạc sĩ Phạm Duy thường thả thuyền trôi theo sóng nước. Tình yêu làm ông rung động cất lên lời hát tha thiết. Đó chính là bản tình ca “Tiếng đàn tôi” (viết 1948). Lãng mạn và đắm đuối cung tình mơ hoang. Nghệ nhân Đào Văn Soạn kể có lần ông đã chơi nhạc bản này qua cây đàn bàu nghe rất phê. Bất ngờ ông cất tiếng hát. Giọng ông khê nồng trong những nốt thăng giáng rất sến sẩm: “Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt. Với bao tiếng tơ xót thương đời. Vì cuộc tình đã chết một đem nao. Lúc trăng hãy còn thơ ấu…. Mênh mông lả lơi. Thuyền về tới bến mê rồi…”.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (trái) và nhà thơ Quang Dũng.

Nghệ nhân làm đàn Đào Văn Soạn ở Đào Xá Đông Lỗ.

KHÚC QUÂN HÀNH “TIẾN VỀ HÀ NỘI”

Lão nghệ nhân Đào Văn Soạn còn nhớ như in những cảnh bắn phá càn quét của giặc Pháp vào quê hương mình. Chợ Đại được coi là trung tâm của Văn nghệ Liên khu III nên họ thường về đây trú ngụ và hoạt động cách mạng. Chợ Đại-Cống Thần lại gần Hà Nội nên có phần phảng phất không khí Hà thành hoa lệ. Không ít những thành phần bất hảo hoặc gian tế từ thành lẻn vào hoạt động. Chúng một phần đóng giả những người bán hàng lậu như rượu, thuốc lá tây, thuốc phiện để kiếm tiền và thăm dò tin tức hoạt động Việt Minh. Kể cả những ông chủ Pháp còn cho người nhà mang đồ cũ vào đây bán như máy hát quay đĩa, đồng hồ đeo tay, kính bút ngoại…Họ luôn có niềm vui đi chợ kháng chiến cho biết. Khu chợ giáp ranh giữa vùng tề và vùng tự do trở thành điểm thu hút cực kỳ lý thú. Riêng lực lượng trinh sát cảnh vệ của lực lượng kháng chiến cũng hoạt động thường xuyên ở chợ. Thỉnh thoảng hai bên có sự đụng độ dao búa, súng nổ nhưng bao giờ những kẻ thám báo của Pháp cũng chạy mất dép. Bởi dân thương hồ thường vây bắt rồi dìm chúng xuống sông.

Bản nhạc của Canh Thân.

Khi đưa chúng tôi về gần tới làng Đào Xá bên kênh đào sông Đáy nghệ nhân Đào Văn Soạn sực nhớ đến dẫy quán xưa mà các nghệ sĩ cũng thường tìm tới. Đó là quán cà phê Thủy Tiên, quán Cafe Lan, quán Sem Sem…đều có chơi nhạc sống và ca cải lương. Hầu hết những nghệ sĩ nhạc sĩ nổi danh đều tìm đến các quán hàng lấy chỗ hoạt động và sáng tác. Nghệ nhân vẫn còn nhớ những cái tên như Đinh Hùng, Huyền Kiêu, Lê Đại Thanh, Bùi Xuân Phái hay Tạ Tỵ…Ông nhớ đến mấy cái tên họa sĩ vì thời đó vào năm 1949 hai họa sĩ Tạ Tỵ và Bùi Xuân Phái còn mang tranh từ Việt Bắc về chợ Đại mở triển lãm. Phải chăng đó có lẽ là cuộc triển lãm tranh đầu tiên trong kháng chiến. Kể đến đây nghệ nhân nhắc tới nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995), người đã sinh sống ở khu Chợ Đại-Cống Thần từ những ngày đầu tiên.

Đặc biệt chùa Viên Đình tại làng Đào Xá, Đông Lỗ đã từng hát bài ca “Tiến về Hà Nội” do nhạc sĩ Văn Cao viết tại chợ Đại vào năm 1949. Được lệnh từ trên chiến khu Việt Bắc, nhạc sĩ Văn Cao nhận nhiệm vụ sáng tác một bài hát về Hà Nội chuẩn bị cho sự kiện giải phóng thủ đô trong tương lai. Khi đó chiến dịch biên giới và Điện Biên Phủ đang bí mật triển khai. Nhiệm vụ sáng tác một bài hát cho chiến thắng cuối cùng quả là kỳ lạ. Những hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội rộn ràng trùng điệp hiện lên đúng như tiên đoán. Đó là kết quả của những đêm thức trắng sáng tác và sửa chữa sau hai tuần lễ bản nhạc mới hoàn thành. Nhạc sĩ Văn Cao lập tức gửi tác phẩm lên chiến khu Việt Bắc. Bản nhạc đã được công bố in trên tờ báo “Thủ đô” và tổ chức dàn dựng rất hoành tráng. Bài ca “Tiến về Hà Nội” được viết với cảm xúc hào hùng bay bổng bên cạnh “Trường ca sông Lô” (Văn Cao); “Chiến thắng Điện Biên” (Đỗ Nhuận)…

Tượng đài Khu Cháy. ATK Thủ đô kháng chiến.

Tác giả bên đường vào chợ Đại (Nhật Tựu, Kim Bảng, Hà Nam).

ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY

Chúng tôi chậm rãi bước lên cầu mới xã Đông Lỗ ngắm ngược lại chợ Đại. Dòng nước nhẹ nhàng trôi bên bờ sông Đáy. Một đàn chim bay vút về phương Nam. Nghệ nhân Đào Văn Soạn xúc động nhớ đến một bài hát nữa xuất phát từ bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” của thi sĩ Quang Dũng (1921-1988). Câu chuyện tình huyễn mộng của Quang Dũng trùng hợp với ký ức của mọi người cùng đi. Bởi ai nấy đều nhớ thi phẩm tuyệt diệu này. Lão nghệ nhân bồi hồi kể chuyện ngày đó nhà thơ Quang Dũng được nghỉ phép trở về quê Đan Phượng (1949). Ông đã ghé tới Chợ Đại-Cống Thần để gặp lại người đẹp Sơn Tây một thời mà ông quen biết và yêu mến. Trước đó nhà thơ đã nổi tiếng qua bài Tây Tiến. Cô gái người Sơn Tây ấy tên là Nhật và đã từng có nghệ danh Akimi khi còn làm vũ nữ cho một sàn nhảy. Do loạn lạc Akimi đã theo mẹ tản cư về Chợ Đại-Cống Thần mở quán cà phê. Thi sĩ Quang Dũng bồi hồi mong gặp lại người đẹp Sơn Tây. Ông đã từng cảm xúc với sắc đẹp của nàng thơ khi viết: “Tóc như mây cuốn, mắt như huyền. Khuấy nước Kinh Đào, sóng nổi lên. Ý nhị mẹ cười sau nếp áo. Non sông cùng đắm giấc mơ tiên”. Nhưng rồi mọi chuyện chỉ là trong giấc mơ. Cuộc vui ngắn tựa tày gang. Bởi sau đó người đẹp đã bỏ vào thành rồi hành phương nam để lại tình cảm nhớ thương khôn nguôi trong lòng thi nhân. Bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” ra đời trong nỗi bâng khuâng mong nhớ.

Sau này bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc. Bài hát càng được vang dội sâu rộng và trở thành tác phẩm sống mãi với thời gian. Nghệ nhân Đào Văn Soạn bất ngờ nhẩm hát mấy câu mở đầu. Ở tuổi 80, nghệ nhân vẫn còn nhớ từng câu trong những phân đoạn khúc thức của bản nhạc. Hình ảnh trong từng câu thơ hiện lên: “Đôi mắt người Sơn Tây. U uẩn chiều lưu lạc. Buồn viễn xứ không khuây…”. Cuối cùng lão nghệ nhân lim dim mắt ngâm nga: “Bao giờ tôi gặp em lần nữa. Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa. Đã hết sắc màu chinh chiến cũ. Còn có bao giờ em nhớ ta”

Báo Văn nghệ số 24 (12/16-6-2021)
Bút ký Vương Tâm

Vương Tâm


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ