Thời điểm này, phụ huynh tại TP.HCM đang bắt đầu tìm kiếm thông tin về tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2019 – 2020, đặc biệt trường lâu nay là điểm nóng.
Về hình thức tuyển sinh, ông Nguyễn Thành Trung, Phó chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay Sở đã trình UBND TP kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2019 – 2020. Theo đó, với lớp 6, Sở quy định, tất cả học sinh (HS) đã hoàn thành chương trình bậc tiểu học trên địa bàn quận, huyện nào vào học lớp 6 ở các loại hình trên địa bàn đó, ưu tiên cho HS thường trú trên địa bàn.
Tùy tình hình thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và dân cư mỗi địa phương, phòng giáo dục phối hợp UBND xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường trên cơ sở đảm bảo chỗ học, gần nơi cư trú để thuận lợi và giảm áp lực giao thông. Đặc biệt, Sở nghiêm cấm các trường vận động, quyên góp và thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Chỉ một trường tổ chức khảo sát đầu vào
Ông Trung cũng cho hay, tại TP.HCM có duy nhất Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thực hiện việc tuyển HS vào lớp 6 kết hợp xét tuyển và khảo sát năng lực bằng tiếng Anh. Cụ thể, ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường Trần Đại Nghĩa, thông tin: Dự kiến trường sẽ tuyển 15 lớp 6 (khoảng 525 HS) với điều kiện có điểm kiểm tra định kỳ học kỳ 2 lớp 5 môn toán và tiếng Anh đạt từ 9 điểm mỗi môn trở lên. HS sau đó tham gia bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh với thời gian 90 phút, dự kiến tổ chức trong tháng 6.
Riêng về nội dung đề bài khảo sát, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng GD trung học Sở GD, thông tin bài khảo sát gồm 2 phần với 24 câu hỏi trắc nghiệm và 8 câu hỏi tự luận, thí sinh sẽ lần lượt làm từng phần. Nội dung các câu hỏi đề cập đầy đủ lĩnh vực toán học tư duy, toán thực tiễn, năng lực tiếng Anh, hiểu biết tự nhiên, khoa học thường thức… Để trả lời câu hỏi, học sinh phải thể hiện kiến thức, khả năng tư duy logic và kiến thức thực tế.
Vào trường “điểm”: tổng 2 môn từ 20 điểm kèm điều kiện khác
Nhiều năm nay, những trường “điểm” như THCS Nguyễn Du (Q.1), Nguyễn Văn Tố (Q.10), Lê Quý Đôn (Q.3), Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình), Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh)… luôn được sự quan tâm của phụ huynh.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục Q.Tân Bình thông tin, căn cứ vào điều kiện phòng học do các trường THCS báo cáo và số lượng HS hoàn thành bậc tiểu học, phòng đang xây dựng kế hoạch tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 cho năm học mới không phân biệt KT3 hay hộ khẩu thường trú để trình với UBND quận trước khi ban hành vào khoảng tháng 5. Trong đó, 2 trường được nhiều phụ huynh quan tâm là Nguyễn Gia Thiều, Trường Chinh, dự kiến tuyển sinh phối hợp theo địa bàn phường và trường tiểu học.
Chẳng hạn, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều có thể sẽ tuyển HS đã học tại Trường tiểu học Đống Đa và Chi Lăng đóng trên địa bàn phường 6. Còn Trường THCS Trường Chinh nhận HS Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn, một phần HS Trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám, một phần HS phường 15.
Ở Q.10, ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng phòng Giáo dục, cũng cho hay dự kiến năm học mới Trường THCS Nguyễn Văn Tố sẽ tuyển khoảng 300 HS. Theo ông Văn, để trúng tuyển vào trường này, thông thường học sinh phải đạt kết quả 2 môn toán, tiếng Việt ở học kỳ 2 lớp 5 là 20 điểm cùng các điều kiện như chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, các giải thưởng cấp TP, quốc gia… Trường Nguyễn Văn Tố nhận hồ sơ xét tuyển với tất cả HS trong quận, không phân biệt địa bàn phường cư trú. Nếu không trúng tuyển thì HS sẽ nhập học theo đúng tuyến đã được phân bổ.
Trường được nhiều phụ huynh quan tâm ở Q.1 là THCS Nguyễn Du. Dự kiến trường tuyển khoảng 320 HS. Do trường đóng trên địa bàn P.Bến Thành nên thông thường Ban Tuyển sinh Q.1 ưu tiên khoảng 50% chỉ tiêu cho HS của phường này với số điểm toán và tiếng Việt, hằng năm dao động trong khoảng 19 đến 20. Còn khoảng 50% chỉ tiêu dành cho HS những phường khác trong quận đạt điểm xét tuyển là 20 kèm thêm các tiêu chí như thành tích học tập, tham gia các hoạt động phong trào, hộ khẩu…
Theo Thanhnien