Nhiều chuyên gia cho rằng bảo hiểm xã hội cần tuyên truyền rộng rãi trước, thay vì chỉ đăng tải thông tin trên tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội và thông báo từ app khi người dùng thao tác lấy lại mật khẩu.
Ra mắt giữa tháng 11-2020, VssID là ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh, liên kết tài khoản giao dịch điện tử của người dùng với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH). Qua đó, người dùng sẽ nhận được thông tin thông báo khi thẻ bảo hiểm y tế sắp hết hạn, đến kỳ đóng tiền tham gia bảo hiểm tự nguyện, các chính sách bảo hiểm mới.
Hiện nay, nhiều người dùng ứng dụng VssID phàn nàn việc phải mất phí 1.000 đồng khi gửi tin nhắn yêu cầu lấy lại mật khẩu trên ứng dụng, đồng thời việc thu phí này không được tuyên truyền rộng rãi.
Sẽ miễn phí hoặc cắt giảm phí tin nhắn
Ngày 8-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết đơn vị sẽ họp xem xét và đưa ra phương án làm việc với nhà mạng để miễn phí hoặc cắt giảm mức cước này.
Người dân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám bệnh. Ảnh: V.LONG
Trước đây, người dùng đăng nhập ứng dụng VssID, nếu quên mật khẩu sẽ được cấp lại mật khẩu mới miễn phí qua tin nhắn điện thoại đã đăng ký với cơ quan BHXH.
Tuy nhiên, từ ngày 22-10, người dùng phải nhắn tin đến số 8079 để lấy lại mật khẩu với mức phí 1.000 đồng/lần. Mức phí này không phải ngành bảo hiểm nhận mà trả cho nhà mạng. Thông tin thu phí được công khai nên không có chuyện người dùng không biết. Ngay khi triển khai việc thu phí, ngành bảo hiểm đã đăng tải thông tin trên tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội. Song song đó, người dùng cũng nhận được thông báo từ app trước khi thực hiện thao tác lấy lại mật khẩu.
Để tránh quên mật khẩu, BHXH Việt Nam khuyến cáo người dùng khi được cấp mật khẩu miễn phí lần đầu thì đăng nhập vào ứng dụng VssID để thay đổi mật khẩu cho dễ nhớ. Đồng thời, người dùng còn có thể sử dụng chức năng đăng nhập ứng dụng bằng vân tay hoặc nhận dạng khuôn mặt để tránh quên mật khẩu.
Về lâu dài, ngành bảo hiểm sẽ điều chỉnh ứng dụng VssID để người dùng có thể thực hiện thao tác cấp lại mật khẩu đăng nhập miễn phí qua email, thông qua ứng dụng VssID hoặc cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam…
Ông Đào Việt Ánh cho biết: Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến 14 giờ ngày 18-10, lượng tin nhắn quên mật khẩu (gồm một tin nhắn OTP để xác thực số điện thoại và một tin nhắn thông báo mật khẩu mới) là trên 11,3 triệu tin nhắn. Với hơn 21,6 triệu tài khoản VssID được phê duyệt, ngành bảo hiểm ghi nhận có khoảng 5,7 triệu lượt người sử dụng chức năng quên mật khẩu.
Đáng chú ý, từ ngày 29-9 đến ngày 15-10, số người quên mật khẩu là gần 1,8 triệu người, đặc biệt có những người trong một tháng báo quên mật khẩu hơn 40 lần. Do đó, việc triển khai cấp lại mật khẩu có thu phí là giải pháp hữu hiệu để giảm tải cho hệ thống bảo hiểm, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người dùng ứng dụng VssID…
Đưa người dùng vào thế bị động
Trao đổi cùng Pháp Luật TP.HCM, ThS Mai Nguyễn Dũng, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận xét vấn đề thu phí tin nhắn đối với yêu cầu lấy lại mật khẩu ứng dụng VssID cần được xem xét kỹ lưỡng ở hai góc độ.
Đầu tiên, tuy 1.000 đồng là không lớn nhưng việc triển khai thu phí không được thông báo tới người sử dụng thông qua email hay tin nhắn.
Thứ hai là khi đăng ký sử dụng ứng dụng VssID, người dùng cũng không thấy mục điều khoản và điều kiện ghi rõ thông tin về việc thu phí khi quên mật khẩu ứng dụng.
Trong ứng dụng VssID có mục Hướng dẫn sử dụng và Câu hỏi thường gặp cũng không nêu việc sẽ thu phí tin nhắn khi quên mật khẩu, mà chỉ trả lời: “Bạn có thể chọn chức năng “Quên mật khẩu” trên ứng dụng VssID hoặc trên cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam (https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn), điền các thông tin theo yêu cầu để lấy lại mật khẩu”.
“Nếu xét đây là một quan hệ hợp đồng giữa người tham gia BHXH và BHXH thì những điều như trên không phù hợp với quy định pháp luật dân sự và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về trách nhiệm thông báo của một bên trong hợp đồng cũng như điều kiện giao dịch chung. Điều này đã đẩy người tham gia BHXH vào thế bị động” – ThS Mai Nguyễn Dũng phân tích.
ThS Mai Nguyễn Dũng đưa ra giải pháp “đẹp lòng”cả hai trong vấn đề thu phí khi người dùng quên mật khẩu ứng dụng:
Thứ nhất, khoản thu này nên được thông báo thông qua tin nhắn hay email, cũng như ghi rõ vào điều khoản và điều kiện của ứng dụng và cảnh báo người dùng khi quên mật khẩu.
Thứ hai, nếu BHXH cho rằng đây là một khoản phí tin nhắn thì BHXH có thể cho phép người dùng lựa chọn những phương án xác thực khác khi quên mật khẩu. Lúc này người dùng có thể lựa chọn email, vốn không tốn phí.
Thứ ba, BHXH có thể giới hạn số lần tối đa quên mật khẩu mà người dùng không phải trả phí (nếu BHXH cho rằng đây là vấn đề ý thức), nhất là khi người dùng không cố ý quên mật khẩu của ứng dụng.
Về phía người dùng, nên lựa chọn hình thức xác thực bằng gương mặt/vân tay trên ứng dụng, cũng như ghi chú lại mật khẩu ở một nơi bí mật nhằm tránh những bất tiện phát sinh trong quá trình sử dụng ứng dụng VssID.
Cần thông báo rõ ràng khi áp dụng chính sách mới Hầu hết ứng dụng được người dân sử dụng như Gmail, Facebook… đều miễn phí khi lấy lại mật khẩu. Do đó, việc thu phí tin nhắn đối với yêu cầu lấy lại mật khẩu ứng dụng VssID dễ gây ra sự phàn nàn từ phía người dùng. Đặc biệt, khi chúng ta áp dụng chính sách mới, cần thông báo công khai, minh bạch đến người dân, tránh tình trạng chính sách thực thi người dân mới biết. Ông PHẠM MINH HUÂN, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Dừng tạo “cú sốc tính phí” cho người dùng Đối với việc kích hoạt mật khẩu của ứng dụng và thu phí khi kích hoạt, tôi cho rằng việc thu phí là phù hợp. Bởi khoản tiền này là cước phí do nhà mạng di động thu khi cung cấp tin nhắn chứa mã mật khẩu mới. Việc nhắn tin qua tổng đài di động cũng giúp người dân chủ động lấy lại mật khẩu và giải tỏa áp lực cho nhà quản lý ứng dụng. Có thể trong giai đoạn đầu mới chuyển đổi, để người dân chuyển sang xài ứng dụng VssID, BHXH Việt Nam sẽ “bao” phí nhắn tin và cũng có thể nhà mạng sẽ hỗ trợ cho chi phí ấy. Nhưng khi số lượng người dùng lên đến hàng triệu thì chi phí phải phát sinh. Khoản phí 1.000 đồng là một khoản tiền không lớn. Người dùng trả phí cho việc này là hợp lý. Điều đáng bàn ở đây là cách triển khai việc thu phí. Cái mà mọi người bức xúc, đó là họ đang mặc định toàn bộ những gì liên quan đến ứng dụng VssID là miễn phí. Nên chuyện thu phí, cho dù chỉ là 1.000 đồng/tin nhắn cũng tạo nên sự khó chịu nhất định. Sẽ hay hơn nếu BHXH thực hiện việc truyền thông rộng rãi trước, thay vì chỉ đăng tải thông tin trên tạp chí Bảo Hiểm Xã Hội và thông báo từ app cho người dùng trước khi họ thực hiện thao tác lấy lại mật khẩu. TS-LS PHẠM HOÀI HUẤN, Đoàn Luật sư TP.HCM |
(theo PLO)