Cuộc ra mắt bộ sách Bình Dương vùng đất anh hùng và Vườn mẹ của Hội Nhà Văn Việt Nam và Hội đồng hương Thăng Bình tại Đà Nẵng đã diễn ra rất xúc động sáng nay tại Hà Nội. Một xã Bình Dương huyền thoại của chiến tranh nhân dân trong chống Mỹ với những con số kinh hoàng: 4000 trong số 7000 người dân bị giết hại, gần 1300 liệt sĩ, 400 bà mẹ Việt Nam Anh Hùng.
Tuy vậy, phải nói trong chống Mỹ, ở khu 5, không chỉ có Bình Dương ở Thăng Bình, Quảng Nam mà còn có Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi và Hoài Châu, Hoài Nhơn, Bình Định cũng cùng chịu đau thương và anh hùng như vậy. Hai xã trên cũng đều được ba lần nhận danh hiệu anh hùng như Bình Dương. Thậm chí, số liệt sĩ và bà mẹ VNAH ở Hoài Châu còn hơn Bình Dương khá nhiều.
Cảm giác của những người lính chống Mỹ chúng tôi sau chiến tranh khi nhớ tới các vùng đất đau thương và anh hùng này là cảm giác mình là người vô ơn, bất lực bởi mình chưa làm được gì để trả ơn những người dân đã từng nuôi nấng mình, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ mình lúc nguy nan. Nhân dân ở các vùng đất ấy vẫn còn gian khổ quá. Và những câu chuyện thần kỳ nhưng có thật của lòng yêu nước và tình người đang dần bị lãng quên.
Cám ơn những người đã làm hai cuốn sách. Nhưng cần làm sao cho dự án Vườn mẹ tưởng nhớ và tri ân các bà mẹ và những người con đã ngã xuống vì quê hương được thực hiện. Dù được sự ủng hộ của nhiều cựu lãnh đạo Đảng, Quân đội, Công an, các lão thành cách mạng và người dân nhưng chưa thuyết phục được lãnh đạo Quảng Nam hiện tại. Dự án chỉ vài ha đó vẫn nằm trên giấy và trong tim những người yêu Bình Dương. Đất dành cho nó vẫn chưa thấy đâu. Vừa rồi, từ Quảng Ngãi về, nhà văn Thái Bá Lợi đưa chúng tôi đi đường ven biển qua Bình Dương. Sau khi đường ven biển thông, đất cát ở Bình Dương giờ đã thành vàng và dễ chừng hàng ngàn ha cát trắng rừng dương ở đây giờ đã có chủ, không còn đâu chỗ cho dự án Vườn mẹ lính thiêng.
Chỉ mong điều dự cảm ấy không là sự thật để rồi đây một Vườn mẹ thực sự hiện hình lộng lẫy giữa rừng dương cát trắng vùng đất anh hùng.
Bạn bè khu 5
Và từ Vườn mẹ Bình Dương sẽ là Vườn mẹ Phổ Cường, Vườn mẹ Hoài Châu…để ta không bao giờ là người vô ơn với các thế hệ đi trước trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc…
P/S: Một niềm vui sáng nay là được gặp mặt các bạn cùng chiến đấu ở chiến trường k5. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên mình được gặp chị Phương Liên, người yêu của nhà văn anh hùng Chu Cẩm Phong. Ở tuổi 82, người bác sĩ rất tài năng, xinh đẹp ấy vẫn tỏa ra ánh sáng của sự nhân hậu. Chúc chị luôn khỏe vui.
Nguyễn Thế Khoa (VHVN)