Di chuyển theo hướng Tây, bão Bebinca được dự báo mạnh cấp 9 khi đổ bộ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An.
Sau nhiều lần đổi hướng di chuyển, chiều 15/8 bão Bebinca (cơn bão số 4 trong năm nay) đang đi theo hướng Tây. Bão đã tăng cường độ từ cấp 8 lên cấp 9, phạm vi ảnh hưởng cũng rộng hơn từ Quảng Ninh đến Nghệ An.
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Hoàng Xuân Cường. Ảnh: Ngọc Thành.
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Hoàng Xuân Cường cho hay, dự báo của đài thủy văn các nước đều chung nhận định, bão sẽ duy trì theo hướng Tây. Khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp từ nam đồng bằng Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ.
Lúc 15h bão đang cách Móng Cái 370 km, Thái Bình 550 km và TP Vinh 650 km. Với tốc độ hiện nay (15 km/h), dự báo ngày 16/8 bão sẽ vào Vịnh Bắc Bộ và rạng sáng 17/8 đổ bộ đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Khi vào bờ, bão đạt cấp 9 hoặc suy yếu cấp 8, tâm bão từ Hải Phòng đến – Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh). Ven biển Quảng Ninh cũng có gió bão giật cấp 8-9.
Ông Cường thông tin, bão Bebinca sẽ gây mưa lớn diện rộng cả trước từ chiều 16 đến hết ngày 17/8. Phía đông bắc, trung du Bắc Bộ, nam Sơn La, Hoà Bình, Nghệ An tập trung mưa với lưu lượng khoảng 250-300 mm.
“Nằm trong khu vực trọng điểm mưa lớn, lũ lưu vực sông Bùi huyện Chương Mỹ, Hà Nội có thể lên báo động 2, 3 và gây ngập lụt. Tuy nhiên, mức độ ngập lụt không bằng tháng 7 vừa qua”, ông Cường nói.
Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cơn bão có hướng đi dị thường và rất nguy hiểm khi càng gần bờ thì càng mạnh hơn. Ngoài ra, Quảng Ninh, Hải Phòng… là những vùng kinh tế biển vô cùng sôi động.
Bộ trưởng Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Ngọc Thành.
Để giảm thiểu thiệt hại, ông Cường yêu cầu các tỉnh chủ động phương án ứng phó, cấm biển, kiểm soát chặt tàu thuyền qua lại các đảo, khu du lịch. Ở đất liền, cơ quan chức năng cần lên phương án chằng chống nhà cửa, công trình công cộng, di dân khỏi vùng nguy hiểm.
Bộ trưởng Cường yêu cầu các đơn vị liên quan theo sát diễn biến cơn bão, tính toán chính xác để vận hành hợp lý các hồ thuỷ điện lớn Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang.
Ban chỉ đạo cũng thành lập ba đoàn công tác đi kiểm tra các địa phương ứng phó với bão và mưa lũ sau bão.
Còn 4-6 cơn bão vào Biển Đông năm nay
Từ tháng 6 đến nửa đầu tháng 8, Biển Đông xuất hiện 2 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, đáng chú ý là bão số ba (tên quốc tế là Sơn Tinh) đã đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa, Nghệ An đêm 18/7 gây mưa lụt nhiều nơi.
Dự báo, từ tháng 9 đến hết năm 2018, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện khoảng 4-6 cơn, trong đó 2-3 cơn vào đất liền, tập trung ở khu vực Trung Bộ. Những tháng cuối năm 2018 nhiều khả năng hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía nam Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực phía nam nước ta không nhiều như năm 2016 và 2017.
Theo VnExpress