Bàn về lương tâm và trách nhiệm của người làm báo

12:12 | 29/08/2021

Mỗi một phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp phải luôn ý thức thực hiện tốt quy định đạo đức nghề nghiệp, giữ ngòi bút cho trong sạch, khách quan trong việc viết bài, đưa tin, và luôn đề cao trách nhiệm xã hội cũng như nghĩa vụ công dân của nhà báo.

Chắc hẳn nhìn nòng súng qua ống kính sẽ bớt sợ đi nhiều. Súng đạn cũng không là gì cả, vì ảnh đẹp anh có thể vứt bỏ sợ hãi, bất chấp hiểm nguy để tác nghiệp báo chí – Ảnh: Adek Berry

Người làm báo để thành công luôn luôn phải ý thức đầy đủ trách nhiệm trong ngòi bút của mình, không chỉ với lương tâm trong sáng mà về mặt chuyên môn còn phải vững vàng.

Gần đây, không ít tờ báo và một số phóng viên đã tỏ ra thiếu bản lĩnh cũng như trách nhiệm chính trị thể hiện qua sự thiếu cẩn trọng trong việc khai thác, xử lý thông tin, trước khi quyết định xuất bản. Nhiều nguồn tin không đúng bản chất sự việc, vấn đề, đã ít nhiều gây nhũng nhiễu phiền toái, làm cho người đọc, người nghe, người xem bị phân tâm, mất niềm tin. Cá biệt còn có hơn một số phóng viên đã lợi dụng quyền hạn để vụ lợi cá nhân, đánh mất bản thân và làm méo mó hình ảnh người làm báo cách mạng Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Một số họ đã lợi dụng uy tín của cơ quan báo chí để “vòi” tiền các cá nhân, tổ chức , doanh nghiệp,  để rồi phải trả giá bằng những hình phạt khác.

Theo báo Người Lao Động đưa tin: Hồi 17 giờ ngày 2-9-2020 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với VKSND tỉnh Quảng Ninh đã bắt quả tang một đối tượng đang nhận 250 triệu đồng của doanh nghiệp tại khu vực bãi xe chợ Hạ Long I. Đối tượng được xác định là Nguyễn Văn Điệp (tên gọi khác là Nguyễn Tuấn Điệp, SN 1979) là phóng viên của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.

Cũng theo Báo điện tử VnExpress, vào khoảng 15h30 ngày 27-08-2021, Công an thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh)  bắt quả tang hành vi cưỡng đoạt tài sản tại quán cà phê ở phường Đông Ngàn của Vũ Thị Oanh và Nguyễn Thị Loan trong khi hai người này đang nhận 25 triệu đồng của chủ một thẩm mỹ viện để không đăng bài về sai phạm. Được biết, Oanh 29 tuổi, là phóng viên tạp chí điện tử Người đưa tin pháp luật (thuộc Tạp chí Đời sống và Pháp luật), còn Loan, 33 tuổi, công tác tại tạp chí điện tử Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam.

Theo điều tra ban đầu của Công an thị xã Từ Sơn, đầu tháng 8-2021, Oanh sử dụng dịch vụ tại Viện thẩm mỹ MB ở đường Nguyễn Trãi, thành phố Bắc Ninh và chụp lại cảnh hoạt động không đảm bảo công tác phòng chống dịch tại cơ sở này. Oanh cùng Loan liên lạc với chủ viện thẩm mỹ yêu cầu đưa 40 triệu đồng để xoá “tư liệu” và không đưa lên báo, không báo chính quyền địa phương. Chủ thẩm mỹ viện lo sợ bị phạt và ảnh hưởng đến hoạt động của tiệm nên đã thương lượng đưa giá 25 triệu đồng. Sau nhiều lần thay đổi địa điểm, cuối cùng Oanh và Loan gặp để nhận số tiền nêu trên và bị Công an ập tới.

Trước đó không lâu, theo nguồn tin của báo Tuổi Trẻ ngày 12-08, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội, đã ra quyết định khởi tố vụ án điều tra một nhóm tự xưng là phóng viên, cộng tác viên, trong đó có 2 người đang là cộng tác viên tại một ấn phẩm điện tử thuộc báo Pháp Luật Việt Nam để làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản. Những người bị khởi tố gồm Nguyễn Đức Phương là cộng tác viên ấn phẩm điện tử thuộc báo Pháp Luật Việt Nam, Nguyễn Tiến Quang (trú tại Thái Nguyên), Nguyễn Thùy Linh (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) và Nguyễn Công Tuấn (trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội). Họ dàn cảnh quay clip về việc xin học cho con trái tuyến để làm tư liệu tống tiền hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thượng ( Hà Nội).

Các phóng viên không quản ngại khó khăn, vất vả để có được hình ảnh chân thực, sống động chuyển tải tới độc giả.

Lâu nay Hội Nhà báo Việt Nam đã có quy định rõ, cặn kẽ về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Vấn đề đạo đức nghề báo cũng đã được quy định rõ ràng trong Luật Báo chí. Người làm nghề báo mà vi phạm quy định đạo đức được coi là một tội nghiêm trọng, không chỉ làm mất uy tín của báo giới mà còn xúc phạm đến lòng tự trọng của bản thân và những người làm báo chân chính. Quy tắc nghề nghiệp đòi hỏi người làm báo phải công tâm, hết lòng vì lẽ phải và sự công bằng. Không được nói dối, không được nói sai. Không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi cá nhân. Không được để cho cá nhân hay nhóm lợi ích nào lợi dụng báo chí để vụ lợi hoặc làm những điều vi phạm pháp luật, ảnh hưởng uy tín danh dự người làm báo.

Luật Báo chí 2016 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 đã bổ sung những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Luật cũng quy định Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Thực hiện quy định của Luật Báo chí 2016, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành “10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”. Thế nhưng vẫn còn những nhà báo, cộng tác viên là “con sâu làm rầu nồi canh” đã lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi cá nhân, đồng thời làm sứt mẻ niềm tin của công chúng vào giới báo chí cách mạng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Và Người cũng dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Tài và đức ở đây được hiểu là hai mặt bổ sung chặt chẽ cho nhau và chỉ khi có đủ cả hai yếu tố này thì con người mới trở nên hoàn thiện được; trong đó, đức là yếu tố quyết định hơn cả. Nếu nhìn vào nghề báo, cùng với nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cần được khẳng định như xương sống, rường cột bảo đảm cho sự phát triển của một cơ quan báo chí nói riêng của cả một nền báo chí nói chung. Thực tế cho thấy, người làm báo có thể học tập, rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm về nghiệp vụ nhưng đạo đức nghề nghiệp của người làm báo lại thuộc về tư chất cá nhân, với nét đặc trưng là lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng. Điều đáng nói là những yếu tố này chỉ có thể hình thành trên cơ sở nhận thức đúng về vai trò quan trọng và trách nhiệm cao của người làm báo.

Đạo đức vốn là những tiêu chuẩn nguyên tắc được xã hội thừa nhận, qui định hành vi của con người đối với nhau, đối với xã hội. Các nguyên tắc đạo đức được hiểu như những chiếc máy điều chỉnh hành vi của con người, nhưng không mang tính chất cưỡng chế mà mang tính tự giác. Trên cơ sở lý tưởng và trách nhiệm đạo đức đã hình thành nên quan niệm về lương tâm và lòng tự trọng của người làm báo chuyên nghiệp. Căn cứ vào những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, người làm báo phải biết xấu hổ, tự lên án những hành vi trái đạo đức, lạm dụng hoạt động báo chí vì lợi ích riêng.

Cũng vì thế, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khi nói về đạo đức báo chí đã cho rằng: Đạo đức nghề nghiệp là điều cốt lõi đối với hoạt động báo chí. Bởi nếu thiếu đạo đức, báo chí sẽ mất phương hướng, không đủ sức mạnh và độ tin cậy để có thể thực hiện đúng chức trách, sứ mệnh thiêng liêng của mình đối với xã hội; đó là chống lại những thói xấu, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.

 Lý luận và thực tế cho thấy rằng một tác phẩm báo chí của phóng viên, nhà báo không có đạo đức sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội, ít nhất có thể tác động xấu đến một cá nhân, một gia đình, đơn vị, tổ chức, cao hơn nữa là ảnh hưởng tác động đến nước nhà. Mỗi nhà báo phải tự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để giữ gìn phẩm giá của người làm báo trước sự tác động, mua chuộc, cám dỗ của những lợi ích tầm thường nhằm vào những mục tiêu không trong sáng.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạo tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam như hiện nay, đội ngũ phóng viên, nhà báo nhất là những nhà báo chuyên trách công tác tuyên truyền về lĩnh vực y tế sức khỏe cần phải tự giác nâng cao trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm có mặt tại các điểm cách ly, phong tỏa để thực hiện các phóng sự, tin bài cập nhật, chính xác, đầy đủ và minh bạch, từ đó định hướng thông tin tới công chúng, góp phần cùng với các lực lượng y bác sĩ tuyến đầu trong việc phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh để sớm đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.

 

 

                                                         Phan Hữu – Lương Cường

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo