Chèo là một thể loại trong loại hình nghệ thuật sân khấu tổng hợp, tổng hòa các yếu tố dân ca, dân vũ, dân nhạc, diễn xướng dân gian… trở thành đặc sản văn hóa đặc trưng của Bắc Bộ. Xuất phát từ âm hưởng của giai điệu dân ca dần dần hình thành các tố chất buồn, vui, trong sáng, trầm tư, dí dỏm, trào lộng… được thể hiện ở từng câu, từng đoạn trong mỗi hoàn cảnh, nhân vật cụ thể. Trong sự phát triển thăng hoa của lối nói, hát (nói vần, nói điệu, nói lối, nói thơ…), những trò diễn dân gian ở lễ hội xưa ở vùng châu thổ sông Hồng đã xướng lên, ngân nga thành làn, thành điệu. Những khúc nhạc này được các nghệ nhân, nghệ sĩ hát khi biểu hiện phù hợp với tình huống, kết hợp cùng với nghệ thuật khác (múa, diễn, mỹ thuật…) thể hiện sâu sắc tính cách nhân vật trong chèo.
Trong chèo truyền thống có nhiều loại nhân vật: nam thư sinh, nam lệch, nữ chín, nữ lệch, nữ pha, hề áo ngắn, hề áo dài, mụ thiện, mụ ác, lão thiện, lão ác… Tương hòa với các nhân vật có các làn điệu chèo cũng được phân chia theo từng thể loại (theo tác giả Hoàng Kiều) gọi là hệ thống làn điệu. Ví dụ như có điệu dùng cho nhân vật hề (Hề mồi thắt lưng xanh, Hề mồi đồn rằng, Hề mồi sư cụ, Hề canh điếm, Hề bát môn, Hề xuôi nghè, Hề cu sứt…) hay các điệu dành cho nhân vật nữ pha (Đào Huế, trong vở Chu mãi Thần) có các điệu: Xuông hời, Dậm chân, Thiếp trả cho chàng… Các điệu dành cho nhân vật nữ lệch (Thị Màu trong Quan Âm Thị Kính, Thiệt Thê trong vở Chu Mãi Thần) như: Nói lệch, Cấm giá, Bình thảo… Tính chất mỗi hệ thống làn điệu kể trên có liên quan chặt chẽ đến nhân vật, nên từ chất giọng, hơi thở, khẩu hình và các kỹ thuật hát đều có đặc điểm và đặc trưng riêng biệt.
1. Giọng hát
Hát chèo là yếu tố quan trọng trong biểu diễn chèo, nên mới có câu “nhất thanh, nhì sắc” cũng là để chỉ vai trò quan trọng của hát chèo trong biểu diễn chèo. Khảo sát từ các nghệ nhân hát chèo cao tuổi và dựa trên các tư liệu trong luận án của PGS, TS Hà Hoa (1) đã tổng hợp và phân loại giọng hát chèo theo quan niệm âm dương ngũ hành để chỉ ra giọng hát chèo có tính chất và đặc điểm: Giọng nữ có giọng kim, được phân thành kim mùi và kim vắt. Kim mùi là giọng êm dịu, ngọt vang và cao, thường dùng cho nữ chín. Kim vắt là giọng vang, to nhưng hơi chói, thường dùng cho nữ lệch. Giọng nam: có giọng thổ được phân thành thổ bùn và thổ đồng. Thổ đồng dùng cho kép nền (thư sinh). Thổ bùn dùng cho các vai ông già và hề (2).
2. Hơi thở trong hát chèo
Hơi thở là một thành tố quan trọng giúp thể hiện tốt khi hát. Chất lượng âm thanh cũng như hiệu quả thể hiện kỹ thuật phát âm – nhả chữ sao cho “tròn vành – rõ chữ”, sắc thái tình cảm của bài hát. Khi hát chèo đòi hỏi hơi thở của nghệ nhân, nghệ sĩ vừa phải đầy đặn, khỏe khoắn, mà còn phải vang và mượt. Bởi xưa, các nghệ nhân trình diễn chưa có phóng thanh, nên giọng không đẹp, hơi không khỏe thì không thể biểu diễn trước quảng đại quần chúng ở không gian sân đình rộng lớn và không khí vui nhộn náo nhiệt của lễ hội. Chưa kể, khi người có hơi thở tốt, còn có cách vận hơi, nén hơi, điều tiết hơi… mới có thể xử lý được các kỹ thuật khi hát, khi nói, khi ngâm… cùng kết hợp múa và diễn chèo để thể hiện tốt cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của nhân vật trong chèo.
Để làm tốt các cách nói, hát, ngân nga… cùng với diễn, múa của chèo truyền thống, thì hơi thở cần có các thủ pháp: lấy hơi, nuôi hơi, giữ hơi, nén hơi, nhả hơi… đều rất tự nhiên, gần gũi, dung dị nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao mới có thể thực hiện được. Và chắc chắn kiểu hơi thở hổn hển, hoặc lộ hơi, đuối hơi hay ào ạt hơi… trong hát chèo là khó chấp nhận. Tuy nhiên, đôi khi do đòi hỏi của tâm lý nhân vật (như hề) khi diễn – hát chèo lại đòi hỏi người nghệ nhân, nghệ sĩ phải diễn lối hơi thở nghe như “hổn hển” hoặc “gấp gẫy” hay “nấc nghẹn”… làm cho người xem tiếp nhận và khâm phục tài “diễn” xử lý hơi thở của nhân vật mà cảm như oan khuất không thể nói thành lời… Hay thể hiện rượt đuổi đến mệt nhọc “đứt cả hơi tai” (của Tuần Tuy bị Đào Huế đánh ghen trong trích đoạn Tuần Tuy và Đào Huế), hoặc lúc hồ hởi, phóng khoáng, bay bổng tung tăng như đi hội (trích đoạn ra trò của Thị Màu)…
Hát chèo cũng như các thể loại hát khác, đều theo một chu trình khép kín: lấy hơi, nén/ giữ hơi và nhả hơi để phát ra âm thanh. Tuy thế, hơi thở trong hát chèo truyền thống vừa phải giải quyết xử lý theo đúng chu trình, vừa phải diễn cái chu trình ấy. Ví dụ nhân vật hề, khi hài hước hóa nội dung câu chuyện, vừa phải cho hơi thở phóng ra âm thanh mạnh, đồng thời còn khoa trương, cách điệu, vẹo vò hơn… cả âm thanh và khẩu hình làm cho khán giả tưởng như hơi thở phát ra ồ ạt, hổn hển… mà vẫn đạt được “tròn vành rõ chữ”; hay vai lý trưởng khi hắn sàm sỡ với mẹ Mõ, nhưng không được đáp lại, hắn lo lắng trong làng nghe thấy, “hắn” bị bẽ mặt, nên hơi thở nói trong hát của lý trưởng vừa phải tròn vành, rõ ý, hơi thở phải đầy, nhưng lại thoát ra (biểu diễn) thật nhỏ nhẹ, thì thầm… để cho khán giả thấy được cái hơi thở của “hắn” yếu ớt, sợ sệt và hèn nhát… khi “hắn” rỉ tai với mẹ mõ: “nói be bé cái mồm thôi, không làng biết bây giờ… Thôi! nín đi, hôm nào sang, tao đền thúng thóc”. Và tất nhiên, muốn làm được như vậy, thì hơi thở phải tự nhiên khán giả mới hòa và cảm vào tâm lý nhân vật, mà thán phục tài diễn của diễn viên.
Đôi khi, “Chèo vận dụng sức đẩy ở hoành cách mô để đưa hơi còn ít nên lấy hơi chưa được sâu và đầy, phải dùng sức ở ngực nhiều” (3). Như vậy, hơi thở trong chèo rất đa dạng, hầu như tiếp thu lối giữ hơi, nhả hơi… của các thể loại ca hát cổ truyền, đồng thời lại chắt lọc cách nói, sinh hoạt, ứng xử trong cuộc sống của người dân để phối hợp nhuần nhuyễn giữa nói và hát, hát với diễn, diễn với múa, múa với hành động… lột tả tính cách nhân vật sâu sắc.
3. Khẩu hình trong hát chèo
Khẩu hình khi hát chèo có vai trò, kỹ thuật khá đặc biệt. Khi hát chèo, khẩu hình sẽ tạo cho hơi thở không ồ ạt hoặc thều thào hay bí bách khi kết hợp các kỹ thuật hơi thở để hát. Khẩu hình trong hát chèo truyền thống vừa phải tạo được thẩm mỹ của nhân vật vừa phải đạt thẩm mỹ thanh nhạc dân tộc. Đó chính là nét độc đáo và khó nhất trong hát chèo. Khẩu hình trong kỹ thuật thanh nhạc châu Âu thiên về mở dọc, lối thanh nhạc cổ truyền của ta phần lớn thiên về mở ngang. Các lối hát như: hát ca trù, hát quan họ, hát then, hát xoan, hát ghẹo… tuy có những khác nhau về khẩu hình, ví dụ như ca trù thì khẩu hình mở hẹp, lối ém hơi khá phổ biến; hát quan họ khẩu hình mở rộng hơn, những vẫn giữ được nét duyên dáng, đằm thắm… chèo tiếp thu các lối hát đó để sử dụng cho một số nhân vật như: nam thư sinh, nữ chín hay mụ thiện, còn các nhân vật khác như hề, nam ngang, mụ ác, lão ác lại không hoàn toàn như vậy.
Ở nhân vật trong chèo truyền thống tính cách thế nào thì trang phục, đạo cụ, lối hát (hơi thở, khẩu hình, kỹ thuật…) như thế ấy. Vì tính cách đa dạng của nhân vật trong chèo, nên khẩu hình hát chèo cũng phong phú, đa dạng, có thể phân loại như sau:
Khẩu hình dùng cho nữ chín, mụ thiện, nam thư sinh: miệng mở nhỏ, tạo sự cân đối cả chiều ngang và dọc, thiên theo tự nhiên của ngôn ngữ, luôn tạo âm thanh tròn, đầy, vang, sáng và ấm áp (gần với khẩu hình các thể loại: quan họ, xoan, ghẹo, then…).
Khẩu hình dùng cho nam lệch và lão ác, mụ ác: miệng mở ngang, không cân đối (lúc lệch trái, lúc lệch phải). Hàm dưới đưa ra phía trước, môi trề xuống; hàm trên đưa vào phía trong, môi lúc tạo hở răng, lúc lại chụm lại nhòn nhọn; Với những mụ ác, lão ác hai hàm răng thường sin sít với nhau, tạo khẩu hình bất thường (lúc hẹp, lúc rộng), khi diễn (nói và hát) âm thanh nghe rin rít, nhìn thấy dáng vẻ của khẩu hình ác ý và thâm độc…
Khẩu hình dùng cho nữ lệch: thiên về mở ngang và rộng, có lúc không cân đối (lúc lệch trái, lúc lệch phải), hai hàm thả lỏng, khoáng đạt, môi trên xu hướng mở lên nhiều (giống như cười), nhưng vẫn giữ được vẻ tự nhiên, môi dưới trề xuống, có xu hướng không ổn định, đưa đi đưa lại sang trái, sang phải, trề, dãn về trước… nhìn cảm giác miệng, mắt, môi, hàm, cổ… như đưa đi đưa lại, thoắt nói, thoắt cười, không ổn định…
Khẩu hình dùng cho nữ pha: khẩu hình cho nữ pha khi hát và diễn chèo được tiết chế trung hòa giữa nữ chín và nữ lệch.
Khẩu hình dùng cho hề chính diện (áo ngắn) thường được khoa trương, khuếch đại quá mức. Khi khẩu hình mở chiều dọc thường kéo dài, môi hình tròn nhưng hơi nhọn về phía trước, khẩu hình mở ngang thì hai hàm bành ra; môi dưới trề xuống, môi trên linh hoạt, lúc trùm hết cả hàm răng, lúc lại khoe ra cả lợi… Hai hàm luôn mở rộng, môi trên có lúc mở dọc tạo chữ ô nhiều hơn là chữ o (các chữ có âm tiết dấu o, u, ô…); Môi dưới trề xuống, mở rộng, tạo hình gần giống hình chữ nhật hoặc hình thoi nằm ngang (những âm tiết có chữ a), tuy nhiên có một số âm tiết khác khẩu hình mở tự nhiên như nói, nhưng khuếch đại, cách điệu hơn nhiều (các âm i, â, ới, hỡi…). Nói chung hề khi hát, diễn thì mắt mũi, miệng đều kết hợp rất linh hoạt, nhìn cảm giác hài hước, đôi khi ngoa ngoắt và lạ.
Khẩu hình hề áo dài (hề phản diện, nói theo cách gọi của Hoàng Kiều) thể hiện gần giống với nam lệch và mụ lệch, tuy nhiên có đôi lúc khoa trương, cách điệu tạo tính hài hước, cùng với tâm lý, hành động nhân vật (đểu cáng, nham hiểm, tham lam…) nên khẩu hình cũng tùy mỗi nhân vật mà nghệ nhân thể hiện tạo phong cách độc đáo. Ví dụ nhân vật lý trưởng trong Quan Âm Thị Kính có khẩu hình miệng hơi ngáp ngáp, cứng hàm, vẹo vò bất thường, lại thêm hóa trang mắt trắng, môi thâm, râu quặp, nốt ruồi cạnh khóe miệng… nên nhìn rất nham hiểm, lố bịch.
Nhìn chung, khẩu hình khi hát chèo đều tiếp thu hầu như tất cả lối nói, lối hát của dân ca và đời sống sinh hoạt người dân Bắc Bộ, nhưng được khoa trương, cách điệu, tả ý, tả thần làm sâu sắc nhân vật.
4. Một số kỹ thuật trong hát chèo
Hát chèo (theo nhân vật), có nhiều kỹ thuật khác nhau: khi thì nói vần, nói điệu, lúc lại nói thường, lúc hát, lúc ngâm, lúc cười, lúc khóc… chưa kể khi hát còn được cách điệu hóa, tả ý, tả thần, nên thấy hát chèo như nói trong hát, hát trong nói, điều này cũng làm nên sự độc đáo của kỹ thuật hát chèo.
Phần lớn các điệu hát của chèo đều có nói, vỉa, ngâm, vịnh ở thể ngâm nga, nhịp điệu tự do… để bắc cầu vào hát những điệu hát rõ nhịp điệu hơn, các nghệ nhân thường gọi là nhịp tự do. Còn nhịp trường canh (có thể ký âm thành nhịp 2/4, 1/4, 4/4, 2/2), là các điệu hát đã đi vào tiết tấu, nhịp điệu ổn định (mà một số nghệ sĩ, nhạc sĩ thường nói là vào hát).
Kỹ thuật hát chèo khá độc đáo, vừa khác lại vừa giống với cách hát của các thể loại ca hát cổ truyền kể trên. Lối “tròn vành rõ chữ”, “vang, rền, nền nẩy”, rung, nhấn, ngắt, lẳng, êm, ngân, luyến, láy… trong chèo đều có. Bởi lẽ, trong hát chèo luôn gắn với số phận nhân vật, tính cách, tâm lý, hành động, trang phục, ngôn ngữ… khác nhau, nên nói hát trong chèo là cả biển trời phong phú và độc đáo. Từ hơi thở, đến khẩu hình nó vừa chi phối, vừa đắp đổi cho các kỹ thuật hát chèo tạo nên lối hát đặc biệt, chưa kể các nghệ nhân chèo còn có phương ngữ khác nhau, các nhân vật khác nhau để đưa vào sân khấu làm cho kỹ thuật hát chèo vừa khó ở cách khoa trương, điệu đà, bay bổng, lại vừa gần gũi với hiện thực.
Kỹ thuật luyến
Trong hát chèo, không thể thiếu luyến. Luyến thường được sử dụng ở những quãng hẹp trong dân ca, còn trong chèo có cả luyến ở những quãng rộng (khi hề hát). Tuy nhiên, luyến để làm cho lời ca mượt mà, tạo nên sự đằm thắm thiết tha nên hay dùng vai Nữ chín, Nam thư sinh, còn luyến đi với ngắt âm, vắt chữ, lẳng từ, nhấn âm… hay dùng cho các vai hề, mụ, lão, nam lệch, nữ lệch. Cách luyến từ âm này sang âm kia, có đi kèm âm tô điểm giúp âm thanh được hòa quyện, ca từ trở nên mềm mại, câu hát được khắc họa ý thơ và thường đạt tới đỉnh cao của sự tinh tế. Theo tác giả Trần Ngọc Lan, “Luyến thường đi liền với thanh điệu, làm rõ thanh điệu. Luyến có thể nhanh hoặc chậm tùy vào thanh điệu và nghệ thuật hát” (4).
Kỹ thuật luyến thường có tác dụng tạo nét giai điệu mềm mại, uyển chuyển và giúp câu hát rõ nghĩa, rõ tính chất của điệu, của thơ/ lời ca hơn. Đây chính là nét đặc sắc trong ca hát truyền thống nói chung mà chèo đã tiếp thu khéo léo. Để luyến liên tục trong câu hát như trên đòi hỏi người hát phải có kỹ thuật tốt, điều tiết hơi hợp lý để âm thanh đều đặn, không bị ngắt quãng và hụt hơi khi luyến chuyển từ âm thấp tới âm cao âm thanh vẫn giữ được độ vang, sáng. Đặc biệt, ở chèo còn có cách luyến độc đáo là kết hợp với ngắt, vắt âm, lẳng từ (trên cao xuống thấp) làm cho tính hài hước, dí dỏm, lạc quan… mà các thể hát khác khó có được. Ví dụ câu hát của Hề Cu sứt: “Chiếu í/ vua ra cấm/ con gái hóa không được/ đi lấy/ chồng/”.
Kỹ thuật rung
Rung giọng là kỹ thuật cần thiết của nhiều thể loại ca hát, giúp âm thanh của giọng hát không bị thẳng đuỗn và bị gắt như tiếng còi, từ đây người hát dễ dàng biểu hiện cảm xúc trong câu hát. Luận bàn về cách hát chèo phải kể đến ý kiến của tác giả Bùi Đức Hạnh, ông cho rằng: “Hát chèo không gây chấn động lớn như cách hát châu Âu mà chỉ như những làn sóng lăn tăn, không rung giọng ở chính ca từ mà thường ngân rung giọng ở nguyên âm i tạo ra lối rung hơi mũi gọi là hơi nảy, hơi hột” (5). Tác giả Đặng Thị Lan có nhận định: “Kỹ thuật hát rung giọng thường thấy xuất hiện nhiều ở những làn điệu không nhịp hoặc nhịp tự do như vỉa, ngâm, sử, kể hạnh, rỉ vong. Ngoài ra, rung giọng còn được biểu hiện ở các điệu chèo có tính chất trữ tình, nội tâm sâu lắng. Yêu cầu của rung giọng là thực hiện ở giai đoạn sau đóng chữ/ đóng tiếng hát, theo kiểu láy đuôi chữ; rung uốn lượn như kiểu rung gẫy khúc” (6).
Tóm lại, kỹ thuật hát rung là kỹ thuật đặc trưng và khó trong ca hát cổ truyền Việt Nam nói chung, trong hát chèo nói riêng, yêu cầu người hát phải làm chủ hơi thở linh hoạt để đạt được âm thanh to, nhỏ, vang, đầy, đều đặn, thanh thoát và sắc nét.
Kỹ thuật hát dứt, ngắt, nhấn
Kỹ thuật dứt, ngắt thường gặp ở những câu sau đó có dấu lặng tự do, đôi khi trong chèo lại hát dứt ở những chỗ có tiết tấu đảo phách, nghịch phách mà các nhân vật Hề hay sử dụng. Còn kỹ thuật ngắt, vẫn nằm liền mạch hơi của câu hát, giúp câu hát nghe da diết, tình cảm hơn, cũng có đôi khi nhân vật Hề hát cường điệu hóa lại sử dụng kỹ thuật này để tăng thêm tâm lý, tính kịch cho nhân vật. Hai kỹ thuật này được sử dụng khá phổ biến khi có đảo phách, nghịch phách và kiểu tiết tấu này phủ khắp các điệu hát. Ví dụ, trích điệu Hề mồi sư cụ: “Hay đèn là đèn/ ông sư cụ (Xt3) Hay đèn là đèn/ ông sư cụ đầu/ trọc lông lốc đầu/trụi thui lủi râu/ ria chẳng có tay/ cầm dùi mõ tay/ gõ tiu cúng tiu cúng là ta riu riu cúng miệng niệm kinh cầu á à là cầu / kinh cầu cứu khổ/ cho ai ấy mấy đèn ai…”
Khi hát chèo truyền thống, những âm hát ngắt, người hát cần lấy hơi sâu để khi ngắt âm không bị hụt hơi, đồng thời lựa khi lấy hơi không lộ, tạo âm thanh để người nghe/ xem chèo không biết được mình lấy hơi khi nào… Thực tế hát chèo rất tinh tế, nên trong khi hát, lấy hơi, nhả chữ thường có cả nhấn (nhấn mạnh, nhấn nhẹ), ngắt, dứt cũng nhiều… kể cả nhấn những âm thanh có cung bậc trầm), vẫn cần tạo độ vang của âm thanh, rõ chữ của lời ca… như vậy, mới góp thêm việc khắc họa tâm lý nhân vật. Mặc dầu ngày nay có nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ hát chơi hoặc hát những điệu phổ biến như mấy điệu: Lới lơ, Đào liễu, Tò vò, Luyện năm cung, Quân tử vu dịch, Đường trường thu không… vẫn có thể dùng kỹ thuật dứt và ngắt. Nhưng dẫu sao kiểu kỹ thuật dứt và ngắt hay dùng nhiều cho hoàn cảnh tâm lý nhân vật có chất hài hước hay khổ đau, còn duyên dáng, trữ tình tuy có dùng nhưng ít hơn. Còn hàng trăm điệu khác (ở hệ thống hát chèo khác nhau, nhân vật khác nhau…), mỗi điệu hát đôi khi lại dành riêng cho nhân vật này hoặc nhân vật khác, nên nó chi phối kỹ thuật cũng rất khác nhau…
Trong lối hát thông thường, hát nhấn chữ thường rơi vào phách mạnh nhưng cũng có khi nhấn cả câu. Ở hát chèo truyền thống, khi nào sử dụng kỹ thuật hát nhấn hay kỹ thuật hát khác là phụ thuộc hoàn toàn vào tính cách, tâm lý và ngữ cảnh nhân vật. Tuy nhiên, những kỹ thuật đó có phổ biến ở nhân vật này, khi lại mờ nhạt ít dùng ở nhân vật khác hoặc ở ngữ cảnh này hay ngữ cảnh khác. Khi nhấn trong chèo thường nhấn vào ý thơ, nghĩa câu và tâm lý tính cách nhân vật, chứ không hoàn toàn nhấn vào đầu ô nhịp như quan niệm âm nhạc phương Tây. Đồng thời nên ít dùng nhấn vào tiếng đệm (i, a, ơi…). Về nhịp điệu thường nhấn vào tiết nhịp đảo phách, nghịch phách. Ví dụ, trích điệu Cách cú: “Trèo lên trên í non í i ì i ỉ ì i Trèo lên trên í/ non bắt con chim í/ nhạn con đương ăn i/ trái tên ta khéo/ lái con đương bay/ liệng con lại í ì tha mồi tình tính/tinh tình tình…”.
Như trên đã trình bày, lối đảo phách, nghịch phách trong hát chèo khá phổ biến, mà kỹ thuật nhấn nhá khi hát chèo truyền thống lại thường được sử dụng ở những tiết tấu đảo phách, nghịch phách, đồng thời hát nhấn cũng khá phù hợp khi thể hiện cảm xúc mạnh tả một ý nào đó, có khi còn khoa trương, cách điệu bóng gió xa xôi, hay ngoa ngoắt châm biếm. Mục đích của kỹ thuật này nhằm nhấn mạnh ý tứ trong câu hát, tâm lý trong nhân vật, đồng thời kết hợp với tiết tấu đảo phách, nghịch phách và kỹ thuật hát ngắt để thể hiện rõ ràng, sâu sắc hơn tính cách nhân vật.
Láy rền
Kỹ thuật hát rền chính là rung ở nốt nào, láy ở nốt đó, rền được thực hiện trong từng lời ca và cả tiếng đệm, nghe âm thanh rung đều đặn, tăm tắp như một, không gợn sóng rung lúc to, lúc nhỏ, kiểu như “cơm chín rền” mà dân gian thường nói. Lối hát dùng kỹ thuật “rền” của chèo gần giống với “rền” của quan họ. Tuy nhiên, hát rền của chèo luôn kết hợp với các kỹ thuật khác như nhấn nhá, rung và bắt âm sắc nét, khéo léo, tinh tế, có khi cường điệu lên chút, chứ không đơn điệu chỉ dùng một kỹ thuật này. Trong chèo rất hay dùng kỹ thuật rền kết hợp với ngân ở cuối bài. Một số điệu có khi kết bằng cách hát chậm dần lại rồi láy kết hợp với “rền” kéo dài (từ chậm đến nhanh và nhỏ dần) ở những nốt/ âm cuối cùng. Ví dụ, trích điệu Trần tình (Võ Lăng): “Chàng/ Trương Viên ơi chàng có biết đến/ nông nỗi này …/ mà cho … i í ì chăng…”.
5. Băn khoăn về một số cách hát chèo hiện nay
Ở trên chúng tôi trình bày về một số kỹ năng của hát chèo mà bản thân chúng tôi quan sát và trải nghiệm thấy được. Nay một số nghệ sĩ có cách hát khác nên rất băn khoăn, chúng tôi luận bàn có tính chất trao đổi để mọi người cùng ngẫm.
Lối hát âm thật (các cụ biểu diễn chèo cổ xưa hay gọi là hơi thật) thường thấy các nghệ nhân xưa sử dụng khá nhiều. Kiểu hát hơi thật này tạo âm thanh vang, đầy, rõ và tròn, nhất là ở những khu âm trung. Tuy nhiên, khi lên cao người hát nếu không có tầm cữ giọng tốt, kỹ thuật không khéo thì âm thanh hát lên sẽ thô, dễ chênh, phô, ráp và rè âm. Hơi thở không thanh thoát, khi hát tốn sức, nếu hát – diễn – nói nhiều dễ tổn thương thanh đới… Lối này ngày nay vẫn thấy các nghệ sĩ, nghệ nhân sử dụng.
Lối hát giả thanh: lối hát này xưa thấy các cụ rất ít sử dụng, hoặc nếu có cũng chỉ dùng khi hát lên những âm ở nốt cao. Và tất nhiên các nghệ nhân sử dụng khéo léo, không để lộ, người nghe khó biết được khi nào họ chuyển hơi đặc biệt âm thanh vẫn rất êm, thanh thoát, không chói, chua…
Lối hát giả thanh có lợi khi hát, người thể hiện đỡ tốn sức, đỡ mệt và giữ được sức bền của thanh đới (không bị dập giọng, khàn giọng, méo âm, rè âm…), nhưng điểm yếu của lối hát này nếu người hát không rèn luyện hơi thở tốt, thì giọng khó vang, hơi thở yếu, âm thanh khó tròn đầy, sung sức…
Hiện nay, thấy có một số nghệ sĩ sử dụng lối nói/ hát/ diễn chèo giả thanh một cách lạm dụng. Có lẽ họ ỷ lại vào kỹ thuật phóng âm đã kích âm thanh và tăng lượng âm lên nhiều so với âm thực của họ. Chưa kể, không chỉ khi hát mà cả trong khi nói bắc cầu vào hát họ cũng lạm dụng giả thanh, đưa âm hát/ nói lên cao vun vút, đến mức nghe không rõ lời, âm lượng vừa bị nhỏ, khé, âm sắc nghe chua và với… nên, cho ra một kết quả âm thanh làm người nghe tức tai, nhức óc, mà lạ tai, mệt mỏi và tạo nên chất cảm không gần gũi, không đằm thắm như vốn có của chèo truyền thống.
Trên đây là một vài nhận định thông qua trải nghiệm mà chúng tôi muốn bàn về ứng dụng, tiếp thu phương pháp hát chèo truyền thống của cố nhân xưa. Thiết nghĩ, hôm nay chúng ta muốn hát chèo hay, phải hiểu thế nào là hát chèo, không lẫn lộn hát chèo với các thể loại khác (hát xẩm, hát ca trù, quan họ, hát văn…), đặc biệt nếu sử dụng lạm dụng lối hát giả thanh mà lại không “khổ luyện” các kỹ năng, kỹ xảo của hát chèo truyền thống, của tính cách từng nhân vật… sẽ làm mất đi vẻ đẹp vốn có của hát chèo truyền thống.
Theo Tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật
http://vanhoanghethuat.vn/ban-ve-cach-hat-cheo-truyen-thong.htm