Với các bài viết, câu nói, nhận xét, quan điểm của mình, đôi lúc GS Ngô Bảo Châu bị “ném đá” phản đối. Tôi cho rằng cũng là lẽ thường, là thói đời, và đương nhiên.
Mấy ngày qua trên mạng xã hội quá nhiều ý kiến về thông tin tôi nghe thấy lạ, liên quan tới GS Ngô Bảo Châu, người được giải Fields – Giải danh giá nhất thế giới về toán học. Giải Fields cũng được giới khoa học quốc tế đánh giá như giải Nobel của các lĩnh vực khác, bởi không có giải Nobel cho toán.
Tôi quen biết và khá thân thiết với GS Châu từ năm 2008 tới nay. Mỗi lần Ngô Bảo Châu về nước là điện thoại hỏi thăm trò chuyện; khi ngồi cùng nhau tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, lúc thì ở nhà GS tại Vinhomes Bà Triệu, lúc ở Viện Nghiên cứu cao cấp về toán, hoặc ngồi nhâm nhi ly rượu vang tại My Way…
Tôi rất quý trọng Ngô Bảo Châu về khoa học, về lối sống, đạo đức, tác phong và khả năng thích ứng, cũng như sự truyền cảm hứng cho mọi người, nhất là giới trẻ… Có thể đôi lúc Châu có những phát ngôn, câu nói, bài viết về chính trị, lịch sử, xã hội hơi… khó nghe, khó chịu. Tôi nghĩ cũng như Châu, không ít bạn trẻ được đào tạo và sinh sống làm việc tại các nước phương Tây rơi vào trường hợp ấy. Với các bài viết, câu nói, nhận xét, quan điểm của mình, đôi lúc GS Châu bị “ném đá” phản đối. Tôi cho rằng cũng là lẽ thường, là thói đời, và đương nhiên. Đó là bài học cho Châu và một số người. Mọi thứ cứ để xã hội, cộng đồng và lịch sử làm rõ, minh chứng và phán xét.
Dù gì đi nữa, không thể nào phủ nhận những thành tích học tập, nghiên cứu, giảng dạy, cống hiến cho khoa học Việt Nam và thế giới của Ngô Bảo Châu. Đất nước, nhân dân ta tự hào về GS toán học Ngô Bảo Châu. Và Ngô Bảo Châu cũng tự hào, biết ơn gia đình, nhân dân, đất nước mình, nhất là các trường, các thày cô, đã sinh thành, nuôi dưỡng, đào tạo, để có một GS Ngô Bảo Châu lừng danh thế giới.
Hơn 10 năm trước, Ngô Bảo Châu cũng đã nói và cho tôi xem thư mời của Đại học Cáp Nhĩ Tân mời GS thỉnh giảng, mời sang Trung Quốc tham gia lãnh đạo Viện Toán của họ với các đặc ân về vật chất và nhiều quyền lợi khác. Nhưng Ngô Bảo Châu cho biết không đồng ý nhận lời. Khi đó tôi và mấy nhà toán học cũng phân tích lẽ thiệt hơn của việc này với Châu. Tôi nghĩ thế giới không chỉ Trung Quốc quý trọng chất xám, mà nhiều quốc gia mời người tài về cho họ. Có lúc đã ra đời chính sách “Săn đầu người”, được coi là quốc sách hiệu quả nhất, kinh tế nhất mà các cường quốc áp dụng thành công. Tôi từng có bài viết khá dài hồi năm 2009 về chính sách khoa học – công nghệ của Trung Quốc, trong đó đề cập tới vấn đề không mới trên thế giới nhưng lại rất mới ở nước Việt Nam mình.
Sau những ồn ào dân mạng bày tỏ ý kiến khác nhau việc “GS Ngô Bảo Châu đầu quân về Đại học Cáp Nhĩ Tân”, không thể im lặng trước các thông tin không chính xác, cuối cùng GS Ngô Bảo Châu đã lên tiếng. GS đã thẳng thắn khẳng định không có chuyện đó, cho biết ông chỉ là giảng viên thỉnh giảng của Đại học Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc). Đó là chuyện hằng ngày của thế giới. Ai còn hồ nghi hoặc chưa nắm rõ thực chất chuyện này, hãy tìm đọc các báo (in và điện tử) đã đăng bài trả lời rất rõ ràng của GS Ngô Bảo Châu!
Hoan hô GS Ngô Bảo Châu đã phản hồi nhanh chóng, cụ thể, chân thành, thuyết phục!
Chúc GS Ngô Bảo Châu luôn mạnh khỏe, sáng tạo và thành công hơn nữa trong sự nghiệp khoa học.
Ngô Bảo Châu cũng hứa với tôi là khi về nước sẽ sắp xếp lịch đi Tây Nguyên, thăm nơi tôi đã gian khổ làm việc, cống hiến hơn 30 năm; thăm Trường chuyên Nguyễn Chí Thanh (Đắk Nông) hoặc Trường chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk) để được trò chuyện với các thầy cô giáo và học sinh nơi này.
Hẹn gặp lại nhau trong thời gian gần nhất, người bạn tôi, GS-TS toán học Ngô Bảo Châu.
TS Nguyễn Văn Lạng – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắk
Nguyễn Văn Lạng
Nguồn 1thegioi.vn