“Bán mạng” – tràn đầy hơi thở đương đại

13:52 | 03/10/2024

Có ai lại nghĩ rằng một lúc nào đó mình chán sống, rồi quyết định bán cái mạng sống của mình đi, bán cho bất cứ ai cần có người hy sinh cho họ. Đấy là tình huống giả định trong tiểu thuyết “Bán mạng” của nhà văn Nhật Bản Yukio Mishima.

Tiểu thuyết “Bán mạng” của nhà văn Nhật Bản Yukio Mishima.
Tiểu thuyết “Bán mạng” của nhà văn Nhật Bản Yukio Mishima.

Bối cảnh là xã hội Nhật Bản thập niên 1960. Người đàn ông “đột ngột nghĩ về việc tự tử như thể đang lên kế hoạch cho một chuyến dã ngoại. Nếu buộc phải đưa ra lý do, anh chỉ có thể nghĩ được rằng bởi mình hoàn toàn chẳng có lý do gì để tự tử nên mới tự tử” (trang 7).

Anh ta đăng tin quảng cáo lên một tờ báo: “Tôi bán mạng. Cứ dùng nó như bạn muốn. Tôi là một người đàn ông 27 tuổi. Tôi sẽ giữ bí mật tuyệt đối và không gây phiền hà gì” (trang 13).

Người khách mua đầu tiên là một ông chồng già. Cô vợ ba mới hơn hai mươi tuổi của ông ta có nhân tình. Ông ta muốn người bán mạng này đến quyến rũ cô ta, rồi để cho người tình mới của cô ta bắt được tại trận và giết chết, tất nhiên là gã tình nhân cũng giết cả cô vợ trẻ kia.

Nhưng sự việc xoay chuyển đến mức người tình của cô ta không giết ai cả. Vậy mà sau đó cô gái vẫn chết. Lý do làm sao mà gã người tình không giết, và lý do gì mà cô gái vẫn chết?

Người khách mua thứ hai là một cô gái già, thủ thư, ăn cắp của thư viện một cuốn sách cổ có giá trị, trong đó có công thức điều chế thuốc độc từ một loại côn trùng hiếm. Loại thuốc độc này nếu uống phải sẽ gây ra cảm hứng tự sát. Cô ta đem bán cuốn sách quý cho một bọn người nước ngoài, bọn này điều chế thuốc và muốn thử nghiệm trên thân thể một người nào đó. Cô ta dắt mối cho anh chàng bán mạng đến gặp bọn người này. Anh ta chấp nhận dùng thử thuốc để chết, còn cô ta được nhận tiền thù lao môi giới từ anh.

Anh chàng bán mạng uống loại thuốc đó, nhưng thuốc chưa kịp ngấm và anh ta chưa kịp tự sát thì chính cô gái đã chết. “Anh kinh ngạc với tình cảnh của mình, khi cả hai lần bán mạng nhưng đều cướp đi sinh mạng của người khác” (trang 101).

Người mua thứ ba là một chú học sinh cấp ba. Mẹ chú là một dạng ma cà rồng hút máu người. Các người tình của cô ta sau một thời gian đều xanh xao thiếu máu và bỏ đi biệt tích. Không còn ai để hút máu, người mẹ sau đó cũng bị bệnh thiếu máu ác tính, phải nằm liệt giường. Quá yêu mẹ, chú ta đến mua mạng của anh chàng muốn tự sát. Việc của anh là đến sống với người đàn bà xinh đẹp đó, hằng ngày đi dạo với cô ta, rồi để cô ta hút máu dần dần cho đến chết.

Thần sắc người đàn bà được phục hồi, cô ta trở lại xinh đẹp đầy sức sống. Bản thân người bán mạng thì suy kiệt dần, sắc mặt xấu xí. Nhưng kết cuộc dường như lật ngược vấn đề. Rồi câu chuyện chuyển hướng sang việc người bán mạng tham dự vào việc giải mật mã cho những bức điện mật của đại sứ quán A (một công việc có thể khiến anh ta phải chết), nhờ đó mà sứ quán A có đòn phản kích đối với đại sứ quán B của một nước đối địch.

Thành công này khiến người bán mạng vẫn chưa chết được. Điều đó khiến anh phải bán mạng thêm lần nữa cho một cô gái lập dị. Cô ta nhờ môi giới để cho thuê một căn nhà phụ cũ kỹ với tiền thuê rất cao và một khoản tiền to để đặt cọc thật, lại thêm điều kiện người thuê phải là đàn ông trẻ độc thân. Người bán mạng chấp nhận, và phải giả vờ sống như vợ chồng với cô gái già nọ. Công việc này lại cũng có thể nguy hiểm và mất mạng.

Nhưng khi anh không định bán mạng mà cô gái có ý định giết anh, anh nói thẳng quan điểm của mình: “Nếu có ý định bán mạng mình, anh sẽ chuẩn bị tâm lý đầy đủ rồi mới bán. Anh không muốn làm bất cứ điều gì do tác động bởi ý định của người khác, hay bị người ta hạ độc trong lúc không biết” (trang 260).

Bán mạng, tiểu thuyết của Yukio Mishima (Nhật Bản), Mai Đỗ dịch, Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn 2022.
Bán mạng, tiểu thuyết của Yukio Mishima (Nhật Bản), Mai Đỗ dịch, Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn 2022.

Bán mạng, tiểu thuyết của Yukio Mishima (Nhật Bản), Mai Đỗ dịch, Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn 2022.

Tình thế xoay chuyển ngược lại: từ chỗ là người sẵn sàng bán mạng, bây giờ anh phải chạy trốn, chuyển hết từ khách sạn này sang khách sạn khác. Một thế lực nào đó liên tục bám theo anh cho đến khi họ thực sự xuất đầu lộ diện. Thì ra tất cả các khách hàng lâu nay anh bán mạng đều ở trong kế hoạch tinh vi của một nhóm người. Tức là tất cả đều được lập trình xoay quanh việc anh tự đứng ra quảng cáo bán đi mạng sống.

Diễn biến câu chuyện phức tạp với những khúc ngoặt thật bất ngờ, khó lường trước. Những vấn đề ngổn ngang của một xã hội đang vận động với tốc độ nhanh đến mức con người chán chường tuyệt vọng mà dường như không có lý do. Nội dung kể lại ở trên chỉ hé lộ một phần nhỏ của cuốn tiểu thuyết dày đặc chi tiết và thật sự lôi cuốn. Người ta phải tự mình đọc để thưởng thức những cái hay và lạ ở trong đó.

Yukio Mishima thể hiện một sức tưởng tượng thật phi thường, sáng tạo ra những câu chuyện và tình huống lạ lùng. Cốt truyện đi từ hiện thực, có lúc chuyển sang giả tưởng kỳ ảo, rồi cuối cùng lại khép lại trong hiện thực. Từ chỗ là chuyện đời thường của những con người bình thường, cho đến chuyện mật mã đại sự của những quốc gia… Tác phẩm viết từ thập niên 1960 nhưng hiện đại như thể của nhà văn của ngày hôm nay viết. Đó chính là sức sống lâu bền của “Bán mạng” và chắc tác phẩm sẽ còn đi cùng nhiều thế hệ người đọc khác nữa.

Tác phẩm của Yukio Mishima được giới thiệu ở Việt Nam chưa nhiều. Mới chỉ có bản dịch tiểu thuyết “Ngôi đền vàng” (dịch từ tiếng Nga), gần đây được dịch lại thẳng từ tiếng Nhật là “Kim các tự”. Thêm một tuyển tập truyện ngắn là “Chết giữa mùa hè” và tiểu thuyết “Bán mạng”. Ông là một nhà văn lớn của Nhật Bản với phong cách độc đáo và mạnh mẽ, trong văn chương cũng như trong đời sống. Sinh thời, ông nhiều lần được đề cử cho giải Nobel văn học, cùng lúc với Kawabata, nhưng rốt cuộc Kawabata là người đoạt giải. Người yêu thích chất văn khỏe khoắn và dữ dội sẽ tâm đắc hơn với Yukio Mishima. Ông đã viết những truyện rùng rợn về tập quán mổ bụng tự sát theo tình thần samurai. Và chính nhà văn, khi không thuyết phục được đồng đội trong một cuộc binh biến mà ông tin là “vì nghĩa lớn”, đã thực hiện hành động tự sát như những người samurai thuở xưa.

Về ấn phẩm, một tác phẩm đầy sức sống hiện đại như thế, nhưng bìa sách lại sử dụng bức tranh theo phong cách dân gian Nhật Bản nên có thể khiến người ta nhầm tưởng là đề tài cổ điển.

Hồ Anh Thái – https://tapchisonglam.vn


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà văn hoá lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924-20/12/2024)

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà văn hoá lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924-20/12/2024)

“Giải oan” Kịch Lưu Trọng Văn

“Giải oan” Kịch Lưu Trọng Văn

Mấy cảm nhận về cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” của Vũ Bình Lục

Mấy cảm nhận về cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” của Vũ Bình Lục

Truyện ngắn: Đèn lồng đỏ trong mưa rơi

Truyện ngắn: Đèn lồng đỏ trong mưa rơi

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ – Thả mình trong cõi vô niệm

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ – Thả mình trong cõi vô niệm

11 cá nhân, 2 tập thể, 5 vở diễn được vinh danh tại Giải thưởng Đào Tấn

11 cá nhân, 2 tập thể, 5 vở diễn được vinh danh tại Giải thưởng Đào Tấn

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh –  Một tài năng tương lai!

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh – Một tài năng tương lai!

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Sáng mãi ánh Sao Khuê – Chùm thơ nhiều tác giả

Sáng mãi ánh Sao Khuê – Chùm thơ nhiều tác giả