Ông Nguyễn Văn Ngang, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Đức, mặc dù đã gây dư luận xấu ở cơ sở nhưng lại thăng tiến nhanh bất thường. Đáng nói là đường đi từ một anh cán bộ thôn đến chức vụ Phó Chủ tịch xã đầy quyền uy lại có lúc không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
>> Gia Bình, Bắc Ninh: Chính quyền xã ‘bảo kê’ cho thôn thuê đất tràn lan?
>> Tiếp bài chính quyền xã “bảo kê” cho sai phạm. Bài 3: Nhiều cán bộ xã Cao Đức có ‘lý lịch đen’
Như Vanhienplus.vn đã thông tin, nhiều cán bộ xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh có “lý lịch đen”, từng vi phạm pháp luật, bị kết án tù hoặc bị kỷ luật, hoặc liên quan đến những sự việc gây dư luận không tốt nhưng nay vẫn giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng của xã…
Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Cao Đức huyện Gia Bình làm việc với PV ngày 11/6/2019
Trong số những cán bộ xã hiện tại, nổi lên một gương mặt vốn đã nhiều tai tiếng: Ông Nguyễn Văn Ngang, Phó Chủ tịch UBND xã – người mà báo chí đã đặt cho biệt danh là “ma làng” khi ông này còn là trưởng thôn Kênh Phố.
Năm 2001, khi giữ chức trách trưởng thôn Kênh Phố, ông Nguyễn Văn Ngang đã góp phần đắc lực cho một số đối tượng hủy hoại hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp của thôn, khiến việc canh tác của nhân dân tại khu vực bãi Nguyệt Bàn không thể thực hiện được nữa.
Những tưởng với việc làm tai tiếng như trên, ông Ngang sẽ bị kỷ luật do có liên đới trách nhiệm hoặc chí ít là con đường quan lộ sẽ dừng lại… Nhưng không, đến tháng 11/2004, ông Ngang lại được rút lên xã làm Phó trưởng Công an xã rồi Chủ tịch Hội Nông dân xã và sau đó tiếp tục chuyển ngang sang chức danh công chức địa chính của xã Cao Đức theo một quy trình “lạ”, không theo các quy định của pháp luật.
Ngày 11/6, PV đã tiếp cận về hồ sơ quá trình công tác của ông Ngang lưu trữ tại Phòng Nội vụ huyện Gia Bình. Hồ sơ thể hiện, ông Ngang sinh ngày 6/6/1966; từ tháng 1/2000 đến tháng 10/2004, ông Ngang làm trưởng thôn Kênh Phố; từ tháng 11/2004 đến tháng 4/2012 làm Phó trưởng Công an xã (chức danh bán chuyên trách). Từ tháng 5/2012 đến tháng 2/2013, ông Ngang làm Chủ tịch Hội Nông dân xã; từ tháng 3/2013 đến tháng 7/2015 là cán bộ địa chính xã (công chức) và từ tháng 8/2015 đến nay là Phó Chủ tịch UBND xã. Như vậy khi trở thành công chức xã, ông Ngang đã bước sang tuổi 47.
Chúng tôi đề nghị được làm rõ, việc “chuyển ngang” ông Ngang từ chức vụ “cán bộ xã” (Chủ tịch Hội Nông dân) sang chức danh “công chức xã” hồi tháng 3/2013 dựa trên quy định nào của pháp luật?
Đem câu hỏi này đến với Đảng ủy, UBND xã Cao Đức, chúng tôi được ông Âu Dương Chữ, Bí thư Đảng ủy xã trả lời rằng, trường hợp ông Ngang là căn cứ vào nhu cầu và tình hình thực tế, đã được Đảng ủy, UBND xã vận dụng để chuyển ngang khi ông Ngang đang làm cán bộ xã sang công chức địa chính. Hơn nữa thời điểm đó, UBND xã Cao Đức đang khuyết chân cán bộ địa chính. Cán bộ địa chính thời điểm đó lá ông Nguyễn Bá Lựa mới bị tòa tuyên án 18 tháng tù, cho hưởng treo và thử thách 36 tháng.
Khi được chúng tôi cho rằng việc “chuyển ngang” như vậy phải được pháp luật cho phép và ông Ngang có đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của ngạch công chức vào thời điểm được tuyển dụng hay không thì Đảng ủy, UBND xã Cao Đức không có câu trả lời.
Ông Nguyễn Văn Ngang, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Đức- người được báo chí mệnh danh là ‘ma làng”
Còn về phía Phòng Nội vụ huyện Gia Bình, sau khi nghiên cứu, tìm hồ sơ, lãnh đạo Phòng Nội vụ đã đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau, tuy nhiên, tất cả những câu trả lời đó chưa thực sự thuyết phục. Bởi theo lãnh đạo Phòng Nội vụ, việc Đảng ủy, UBND xã Cao Đức bố trí cho ông Ngang từ Chủ tịch Hội Nông dân sang chức danh cán bộ địa chính xã là do “nhu cầu” và thực tế là ông Ngang không qua thi tuyển, cũng chẳng qua xét tuyển (hiểu nôm na đó là việc “thích là chuyển”, bất chấp các quy định của pháp luật). Trong khi đó, việc tuyển dụng công chức vào các cơ quan Nhà nước bắt buộc phải qua hai con đường thi tuyển hoặc xét tuyển. Về quy định tuyển dụng công chức, Chính phủ đã có quy định rất rõ từ năm 2003 với Nghị định 117/2003/NĐ-CP ban hành ngày 10/10/2003.
Dường như thấy câu trả lời đó không thỏa đáng, lãnh đạo Phòng Nội vụ lại đưa ra Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ để giải thích. Tuy nhiên, Nghị định này lại chỉ quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã chứ không có điều khoản nào cho phép chuyển ngang người từ chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân sang công chức cấp xã!
Cuối cùng, lãnh đạo Phòng Nội vụ cũng tìm ra Thông tư số 06/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn. Theo lý giải của vị lãnh đạo Phòng Nội vụ, quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 16 Thông tư này thì Chủ tịch UBND cấp huyện không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch đối với các trường hợp được xem xét tiếp nhận vào công chức cấp xã không qua thi tuyển, trong đó có đối tượng “cán bộ cấp xã thôi đảm nhiệm chức vụ mà có đủ các tiêu chuẩn và đáp ứng được ngay các nhiệm vụ của chức danh công chức cấp xã cần tuyển dụng”.
Tuy nhiên, phân tích về khía cạnh pháp lý của vụ việc, luật sư Nguyễn Quang Tâm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, chính tại điều khoản mà lãnh đạo Phòng Nội vụ Gia Bình trích dẫn đã bắt buộc người được tuyển dụng phải có đủ các tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn đó là gì? Theo luật sư Tâm, tại Thông tư 06 và Nghị định 112/2011/NĐ-CP đều bắt buộc công chức cấp xã phải có tiêu chuẩn chung là “Có trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, có đủ năng lực và sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Cụ thể hơn, Thông tư 06/2012/TT-BNV còn quy định, công chức cấp xã phải có tiêu chuẩn cụ thể về trình độ chuyên môn “Tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của chức danh công chức được đảm nhiệm” và “hiện đang công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển; có thời gian từ đủ 60 tháng trở lên làm công việc phù hợp với yêu cầu của chức danh công chức cấp xã cần tuyển dụng”.
Đối chiếu với quy định này thì tại thời điểm “chuyển ngang”, ông Ngang mới có bằng cao nhất là đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, không phù hợp với vị trí tuyển dụng là “công chức Địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường” và trước đó ông Ngang cũng chưa từng công tác tại lĩnh vực địa chính, xây dựng. Như vậy có thể hiểu, ông Ngang không có đủ tiêu chuẩn để trở thành ứng viên xét tuyển vào ngạch công chức địa chính xã, do đó, hồ sơ của ông Ngang rõ ràng sẽ không thể lọt được vào vòng trong để tham gia xét tuyển và đương nhiên không thể áp dụng quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 16 Thông tư 06 nói trên vào trường hợp của ông Ngang – luật sư Nguyễn Quang Tâm nhấn mạnh.
Như vậy, mặc dù đã cố tìm tòi, chúng tôi đã không thể có được một lý giải thỏa đáng, đủ sức thuyết phục cho trường hợp chuyển ông Ngang từ chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân sang công chức địa chính xã Cao Đức. Do đó, có thể thấy rằng, bất luận trong trường hợp nào cũng không thể áp dụng quy định về tiếp nhận công chức cấp xã không qua thi tuyển hay xét tuyển đối với trường hợp của ông Ngang.
Còn luật sư Nguyễn Quang Tâm cho rằng, việc đưa ông Ngang “chuyển ngang” sang ngạch công chức mà không theo một quy định nào là việc làm hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
“Rõ ràng ngay từ đầu, ông Ngang không thuộc diện đặc cách không qua thi tuyển, rồi việc rà soát, xem xét ông Ngang có được ở trong diện đặc cách hay không cũng không được làm. Ấy vậy nhưng tất cả những việc làm sai trái đó vẫn “lọt lưới” và hậu quả là cơ quan Nhà nước có thêm một công chức không đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn bắt buộc phải có. Đó là chưa kể việc ông Ngang có liên quan đến những vụ việc “lình xình”, gây dư luận xấu khi còn làm trưởng thôn. Do đó cơ quan chức năng cần xem xét đánh giá toàn diện, khách quan, đúng quy định pháp luật đối với giai đoạn ông Ngang nắm giữ vị trí công chức địa chính và hướng giải quyết các hậu quả phát sinh (nếu có). Trong trường hợp cấn thiết, có thể xem xét đưa ông Ngang ra khỏi vị trí công chức xã” – luật sư Nguyễn Quang Tâm nói.
Hiện nay, toàn Ðảng đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, cả hệ thống chính trị đang nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý. Do đó, UBND huyện Gia Bình cần sớm kiểm tra, làm rõ, có biện pháp xử lý nghiêm minh những người liên quan đến các trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, miễn nhiệm chức danh lãnh đạo đối với các công chức không đáp ứng trình độ chuyên môn; các trường hợp không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh được bổ nhiệm; hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định về tuyển dụng không qua thi tuyển và xét tuyển sai đối tượng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên!
Theo Kiểm sát