Vụ việc có dấu hiệu ngang nhiên xây dựng trái phép tại chùa Bửu Quang (nằm trong lõi quần thể khu Di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia núi Chứa Chan huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) diễn ra trong một thời gian dài đã làm dấy lên nhiều luồng dư luận trái chiều. Bởi điều này đã trực tiếp xâm phạm cảnh quan di tích lịch sử danh thắng được bảo vệ nghiêm ngặt và là một trong những hành vi vi phạm pháp luật cần phải được ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm.
Chùa Bửu Quang (hay còn được gọi là chùa Gia Lào) nằm trong lõi Khu di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia núi Chứa Chan thuộc xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Địa danh này không chỉ là một cơ sở thờ tự tôn giáo mà còn là một chứng nhân lịch sử quan trọng của quân và dân huyện Xuân Lộc nói riêng và của tỉnh Đồng Nai nói chung trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cứu nước.
Quần thể khu du lịch núi Chứa Chan đã được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2009 và đã được giao cho UBND huyện Xuân Lộc quản lý. Đến ngày 29/3/2012 quần thể này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia theo quyết định số 1204/QĐ-BVHTTDL.
Đây cũng là khu vực được Ban quản lý Di tích – Danh thắng tỉnh Đồng Nai xếp vào khu vực I: Khu vực bất khả xâm phạm. Tại Biên bản quy định khu vực bảo vệ Di tích lịch sử – danh thắng núi Chứa Chan ngày 10/3/2009 của Ban quản lý Di tích – Danh thắng tỉnh Đồng Nai nêu rõ: khu vực chùa Bửu Quang “phải được bảo tồn nguyên trạng mọi yếu tố gốc còn lại, nghiêm cấm bất cứ mọi sự thay đổi, bổ sung mới nào dù là nhỏ nhất. Trường hợp trùng tu, tôn tạo, sửa chữa di tích phải theo đúng nguyên trạng kiến trúc cũ”.
Tuy nhiên, hiện nay tại khuôn viên chùa Bửu Quang đã và đang xảy ra tình trạng cơi nới, xây dựng mới nhiều hạng mục làm thay đổi hiện trạng bảo tồn của di tích. Điều đáng nói là chính quyền địa phương từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và các cơ quan thuộc giáo hội Phật giáo huyện Xuân Lộc gần như không hề hay biết? Đứng ra chủ trì việc xây dựng này là ông Nguyễn Văn Đỉnh, pháp danh Thích Quảng Đạo, người được giao nhiệm vụ tạm thời quản lý chùa Bửu Quang (cùng với Ni cô Thích Nữ Diệu Tâm) trong thời gian chờ bổ nhiệm trụ trì mới sau khi sư trụ trì là Hòa thượng (HT) Thích Thiện Tấn viên tịch năm 2011.
Theo Di chúc do HT Thích Thiện Tấn để lại cho Ni cô Thích Nữ Diệu Tâm năm 2011, chùa Bửu Quang có diện tích xây dựng là 400m2; 1 nhà mái tole diện tích 80m2 tại chân núi Chứa Chan… Tuy nhiên, ngày 2/1/2020 theo ghi nhận của chúng tôi, chùa Bửu Quang hiện tại đã và đang xây dựng, cơi nới nhiều hạng mục mới có dấu hiệu trái phép như: bậc tam cấp, điện thờ, phòng ốc, nhà cửa, các công trình phụ trợ… bằng bê tông cốt thép. Điều này đã trực tiếp phá vỡ cảnh quan ban đầu và xâm phạm nghiêm trọng đến di tích đã được tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và bảo vệ từ nhiều năm nay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thích Quảng Đạo, quản lý chùa Bửu Quang cho biết: “Tôi bỏ tiền túi ra xây dựng nhưng không có xin phép chính quyền địa phương. Vì tôi biết nếu có xin phép cũng không được chấp nhận. Tôi biết xây dựng như vậy là sai nhưng lỡ làm rồi nên tôi phải tiếp tục xây dựng. Bởi nếu để được phép tôn tạo, xây dựng mới phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý phê duyệt”.
Được biết, ngày 5/12/2019 cán bộ phụ trách địa chính của UBND xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc đã tiến hành lập biên bản đình chỉ hoàn toàn việc xây dựng đang diễn ra tại chùa Bửu Quang nhưng ông Thích Quảng Đạo vẫn không chấp hành. Như vậy, có thể khẳng định việc tôn tạo, xây dựng tại chùa Bửu Quang là hoàn toàn trái phép. Đây là hành động ngang nhiên xâm phạm di tích, coi thường pháp luật của ông Thích Quảng Đạo. Cũng cần phải nói thêm, hiện nay Ni cô Thích Nữ Diệu Tâm do tuổi cao sức yếu và đang lâm bệnh nặng nên mọi việc tại chùa Bửu Quang đều do ông Thích Quảng Đạo quản lý điều hành.
Theo thông tin của phóng viên có được ông Nguyễn Văn Đỉnh, pháp danh Thích Quảng Đạo đã 14 lần bị lập biên bản nhắc nhở, xử phạt về các hành vi vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực như: xây dựng cơ sở thờ tự trái phép trên phần đất 327 do Hạt Kiểm lâm huyện Xuân Lộc quản lý, thành lập cơ sở tôn giáo và hoạt động tôn giáo trái phép như: bói toán, mê tín dị đoan, xem xăm, gieo quẻ… Lần gần nhất ông Nguyễn Văn Đỉnh bị UBND xã Xuân Thọ xử phạt Vi phạm hành chính là về hành vi phá hoại rừng phòng hộ tại khu vực núi Chứa Chan số 48/QĐ-UBND ngày 8/8/2018 với tổng số tiền 8.750.000 đ.
Vụ việc xây dựng trái phép (nếu có) đã trực tiếp xâm phạm đến di tích danh lam thắng cảnh tại chùa Bửu Quang đã vi phạm Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung 2009; Bộ Luật Hình sự năm 2015; Nghị định 158/2013/NÐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa…
Tại Điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng như sau: “Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Điều 178 cũng quy định hình phạt cao nhất đến 20 năm tù cho tội hủy hoại những tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại; tài sản bảo vật quốc gia…
Bên cạnh đó, Điều 13 của Luật Đi sản văn hóa cũng nêu rõ nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hoá;
2. Huỷ hoại hoặc gây nguy cơ huỷ hoại di sản văn hoá;
3. Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh;
4. Mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài;
5. Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá để thực hiện những hành vi trái pháp luật….
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến quý độc giả diễn biến vụ việc trong kỳ báo tiếp theo./.
Nhóm PV