Bắc Giang: Người đàn ông cả cuộc đời dành tình yêu với “nữ hoàng trà”

13:45 | 24/08/2023

Trà hoa vàng hay với các tên gọi khác: Trà rừng, kim hoa trà, trà trường thọ, ngoài ra còn được mệnh danh là “nữ hoàng trà”, một dược liệu quý rất tốt đối với sức khỏe của con người. Loại cây này mọc hoang dã nay đã được trồng phổ biến tại một số địa phương trong cả nước, điển hình như mô hình trồng trà hoa vàng dùng phân hữu cơ của HTX sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Dãy núi Tây Yên Tử không chỉ là địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang mà nơi đây còn được biết đến với nhiều cây trồng, dược liệu như: các loại nấm, sâm nam, ba kích, hoài sơn, sả, gừng, dổi xanh,… trong đó phải kể đến là cây trà hoa vàng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề gia truyền bốc thuốc nam ở xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Lựu không còn lạ lẫm gì với cỏ cây núi rừng Tây Yên Tử, trong đó có cây trà hoa vàng.

Theo như ông Lựu, ban đầu trà hoa vàng được biết tới với mục đích lấy lá đun nước để tắm cho trẻ nhỏ, ngoài ra còn được trồng để làm cảnh và tạo ra bóng mát. Thế nhưng, vào đầu những năm 2000, nhiều thương lái người Trung Quốc đã đến Lục Nam tìm mua với giá cao bởi những tác dụng mà “thần dược” này đem lại.

Theo Y học cổ truyền Trung Quốc và những nghiên cứu gần đây của Y học phương Tây đã tổng kết được các tác dụng của trà hoa vàng như: Ức chế các khối u ung thư, chống và chữa tiểu đường, diệt vi khuẩn, kháng viêm, trị mỡ máu, mỡ gan, hạ huyết áp, điều hòa tốt đường huyết, kháng dị ứng, chống ô xy hóa, chống lão hóa, lợi tiểu, giải độc, chống trầm cảm…,dùng làm mỹ phẩm cao cấp, chất tạo màu thực phẩm, thực phẩm chức năng…

Tại Việt Nam, đến nay đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu và tổng kết tài liệu về các dược tính của trà hoa vàng như: GS Nguyễn Hoài Châu; GS, TS Ngô Quang Đê; PGS, TS Trần Ninh; TS Đỗ Văn Tuân; Thạc sĩ Ngô Thị Minh Duyên. Đề tài do PGS, TS Trần Văn Ơn, Đại học Dược Hà Nội làm chủ nhiệm là “Nghiên cứu một số thành phần hóa học, tác dụng sinh học và phát triển sản phẩm từ cây trà hoa vàng tại Ba Chẽ, Quảng Ninh”… cũng khẳng định những dược tính quý của loại cây này.

Nhận thấy những tác dụng của trà hoa vàng với giá trị cuộc sống của con người, nhiều lần ông Nguyễn Văn Lựu trăn trở làm sao để phát triển và nhân rộng phát triển cây trồng này thay vì để mọc hoang dã trong tự nhiên, đặc biệt lại với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu, thiên nhiên ôn hòa, rất thích hợp để trà hoa vàng phát triển.

Ban đầu, khi mới bắt tay vào trồng, gia đình ông Nguyễn Văn Lựu gặp không ít những khó khăn vì không có kinh nghiệm kỹ thuật, công tác ươm trồng và nhân giống, cách thức chăm sóc, rồi vốn liếng để đầu tư, công tác tiếp cận khách hàng, phát triển thị trường,… Đặc biệt là tuyên truyền ra sao để bà con trong khu vực biết được giá trị của loại trà quý này để cùng trồng, bảo tồn và phát triển, biến thành đặc sản quê hương.

Kỷ niệm khiến ông Lựu vẫn còn nhớ mãi, đó là trong thời gian đầu trồng và nhân giống trà hoa vàng, đó là trong nhà có bao nhiêu vốn liếng ông đều dốc hết vào đầu tư. “Đến giờ nhìn những cây trà phát triển, những mầm xanh đang nhú lên từng ngày, tôi hạnh phúc như chăm cho những đứa trẻ”, “Cùng có những khi cây đã phát triển được 3,4 năm, tối hôm trước vẫn còn xanh tốt mà hôm sau đã héo rũ rồi chết”, ông Lựu bộc bạch.

Không nản chí, ông Lựu và gia đình hạ quyết tâm phải trồng bằng được giống trà bản địa này trên chính vùng đất Tây Yên Tử này. Ngày qua ngày, tình yêu đối với cây trà hoa vàng càng lớn. Khi những cây trà do chính bàn tay mình chăm chút chuẩn bị ra những chồi non, những nụ hoa mập mạp đều tăm tắp, cái cảm giác hạnh phúc thật khó tả, ông Lựu vui mừng cho biết.

Trên nền tảng và kinh nghiệm qua quá trình trồng và chăm sóc, năm 2017 ông Nguyễn Văn Lựu bắt đầu thành lập Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh (tại thôn Nhân Lý, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam). Ban đầu thành lập, Hợp tác xã chỉ có vỏn vẹn 9 thành viên, đều là những người có tình yêu trà hoa vàng. Vừa làm, vừa mầy mò học hỏi kinh nghiệm, đến nay Hợp tác xã đã kết nối khoảng vài trăm hộ dân trong khu vực để cùng trồng và phát triển mang lại những giá trị kinh tế thiết thực.

Trà hoa vàng của HTX trong hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm

Đặc biệt, trong 02 năm trở lại đây, cây trà hoa vàng đã được Hợp tác xã sử dụng phân hữu cơ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa vào sản xuất. Cho đến nay, cây trà đã cho ra hoa đều bông, chất lượng cây trồng và sản phẩm được nâng cao giá trị hơn so với trà sử dụng phân bón thông thường như trước.

Kho lạnh bảo quản trà hoa vàng của HTX sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh

Sản phẩm trà hoa vàng của Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh hiện gồm có trà túi lọc và trà hoa vàng đã sấy khô đóng hộp, đây cũng là sản phẩm trong năm 2021 đã được Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Hiện tại, trà hoa vàng được HTX bán trên thị trường là 7-8 triệu đồng/kg, trà túi lọc đóng hộp là 360 nghìn đồng/hộp. Trà hoa vàng không chỉ khoe sắc nơi núi rừng Tây Yên Tử mà đã tự tin bước lên hành trình chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước, có mặt trên sàn thương mại điện tử shopee, lazada, thương hiệu trà hoa vàng Tây Yên Tử đang vươn ra thế giới, khẳng định giá trị và tỏa hương xa.

Du khách nước ngoài đến thăm quan và thưởng thức trà hoa vàng tại điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm của HTX.

Theo đánh giá tổng quan của GS Nguyễn Hoài Châu – Nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện ở Việt Nam sau gần 15 năm triển khai giống trà này, đến nay cả nước mới có khoảng 200 héc ta. Bởi vì, trà hoa vàng cần những dinh dưỡng đặc biệt, nếu thành phần dinh dưỡng trong đất không đáp ứng được thì cây sẽ không thể ra hoa. Vì thế, để cây trà này được phát triển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã nghiên cứu, ứng dụng và triển khai loại phân bón hữu cơ dùng để phun lên lá, cho điều kiện tốt để cây phát triển trên những vùng đồi thích hợp ở Việt Nam.

Hiện Dự án phát triển cây trà hoa vàng của HTX  sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh đã được GS Nguyễn Hoài Châu cùng các cộng sự nghiên cứu hoàn thiện đề tài và đang chờ Sở Khoa học Công nghệ Bắc Giang lựa chọn xét duyệt. Hy vọng, cây trà hoa vàng sẽ được cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Bắc Giang, các cấp, các ngành quan tâm và tạo điều kiện để cây trồng chủ lực này mang lại những giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

Thế Hiếu – Nguyễn Thao/TCVHVN

 

Video hay

Cùng chuyên mục

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng