Có câu “nhất đảm nhị lực tam công phu” (thứ nhất gan dạ, thứ nhì nỗ lực thứ ba bản lĩnh), ý muốn nói muốn làm nên đại sự thì trước hết phải dám bước bước đầu tiên đã.
1. Sĩ diện
Muốn kiếm được nhiều tiền, vấn đề đầu tiên cần giải quyết chính là vấn đề sỹ diện. Bạn có thể nào không màng sỹ diện, đi làm những việc mà người khác không xem trọng, thậm chí là có chút coi thường?
Tôi có quen biết một đôi vợ chồng, hai người không được học hành đàng hoàng, từ hai bàn tay trắng giờ đã mua được ba ngôi nhà ở trung tâm thành phố. Thực ra hai người họ chỉ đi buôn bán rau quả thôi.
Có phải bạn cảm thấy rất là ngạc nhiên không? Bán rau quả thôi mà có thể mua được ba ngôi nhà?
Đáp án đương nhiên là có thể. Hai vợ chồng họ ngày nào cũng dậy từ 4 giờ sáng, đi lấy đủ các loại rau củ quả về bán, 6h hơn mang ra chợ bán, buổi chiều lại đẩy xe hàng đi ra khu vực tập trung đông dân ở xung quanh bán bên lề đường.
Ở họ không có những tố chất khiến ta cảm thấy là họ sẽ có thể trở thành những người giàu có, thứ mà những người bên cạnh nhìn thấy chỉ là một đôi vợ chồng thật thà, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, không sợ vất vả, ngày ngày vẫn luôn nở nụ cười với mọi người.
Vì vậy, muốn kiếm tiền không khó, khó là ở chỗ bạn đi kiếm những đồng tiền mà người ta không coi trọng.
Lấy ví dụ đơn giản như vậy là vì muốn nói với các bạn rằng đừng coi thường bất kì ai, có thể xung quanh có rất nhiều người bạn không coi ra gì nhưng lại kiếm được nhiều tiền hơn bạn. Bạn ngồi trong văn phòng, uống trà chiều, nhưng lại cứ phải trông chờ vào đồng lương gửi vào thẻ tín dụng hàng tháng, người ta làm những công việc mà có khi bạn nghĩ rằng mình chẳng bao giờ phải làm những việc đó nhưng lại có thể ngày ngày hái ra tiền, đường đường chính chính trở thành những phú ông, phú bà.
2. Gan dạ
Rất nhiều người muốn kiếm thật nhiều tiền nhưng lại không dám nhận trách nhiệm, không dám liều.
Có câu “nhất đảm nhị lực tam công phu” (dịch: thứ nhất gan dạ, thứ nhì nỗ lực thứ ba bản lĩnh), ý muốn nói muốn làm nên đại sự thì trước hết phải dám bước bước đầu tiên đã.
Jack Ma khi lập nghiệp đã từ bỏ chức vị giáo sư ở trường đại học, nhất quyết đâm đầu vào mạng Internet, thậm chí bên cạnh còn không có ai ủng hộ, nếu là bạn, bạn có dám làm như vậy không?
Rất nhiều người ôm mộng lập nghiệp, nhưng cũng không ít người chẳng thể thành công nổi, tại sao? Không phải đều nói do các nhân tố khách quan bên ngoài như năng lực không đủ, vốn không đủ, quan hệ không rộng… hạn chế ư! Thực ra trong số họ có khá nhiều người có điều kiện tốt, nhưng tư tưởng lập nghiệp từ đầu đến cuối vẫn chỉ là sự ảo tưởng chứ không phải giấc mơ thực sự, và rồi cuối cùng để giấc mơ đó biến thành suy nghĩ viển vông.
Thực ra cái họ thiếu là cái gan.
Tất nhiên ai ai lập nghiệp họ cũng đều có những sự lo lắng nhất định, sợ cái này cái nọ, nhưng chẳng phải là người đến được đích với người mãi ôm mộng lập nghiệp cũng chỉ hơn kém nhau ở cái độ gan dạ thôi hay sao?
Lập nghiệp cần đến cái gan, cần sự mạo hiểm. Tinh thần mạo hiểm là một bộ phận vô cùng quan trọng tạo nên tinh thần của một nhà lập nghiệp.
3. Năng lực
Muốn kiếm được nhiều tiền, phải có bản lĩnh tương xứng với số tiền đó.
Năng lực không phải bẩm sinh, nó có thể thông qua học hỏi, rèn luyện mà có được.
Chỉ có điều rất nhiều người căn bản là không muốn bồi dưỡng năng lực và thực lực của bản thân mà chỉ lúc nào cũng nghĩ đến tiền, ngày ngày tụng đi tụng lại một câu “mình phải nỗ lực kiếm tiền”, thấy người ta làm việc gì kiếm được tiền là liền lao theo, nhưng không nhận ra được rằng mình không có cái bản lĩnh đó hoặc là lúc nào cũng sống trong mộng tưởng, lúc nào cũng chỉ chăm chăm nghĩ rằng mình làm được nhưng mặt khác lại không muốn đi học hỏi, rèn giũa, để rồi kết quả lúc nào cũng là hai chữ “thất bại”.
Có một nghịch lý đó là những người đã ưu tú rồi, họ lại càng biết thông qua nhiều cách khác nhau để không ngừng nâng cao và rèn luyện giá trị bản thân, nâng cao tri thức và kĩ năng; còn những người tầm thường lại chỉ làm những công việc lao động mang tính chất đơn giản, không những không được sống một cuộc sống sung sướng, có ý nghĩa mà lại còn bị thời đại bỏ lại phía sau. Vì vậy, có một câu nói vô cùng có đạo lý: thời đại ngày nay, đừng chỉ cúi đầu kéo xe mà cần phải học cách ngẩng đầu nhìn đường.
Vì vậy, hãy tự hỏi bản thân mình: tiếp theo bạn nên làm thế nào? Tương lai 5 năm, 10 năm, 30 năm nữa nên có kế hoạch ra sao?
Tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực. Tôi đoán là bạn sẽ hỏi: tại sao có những người năng lực thì cũng bình thường nhưng lại đạt được thành công rất lớn?
Bởi năng lực không chỉ là kĩ năng chuyên môn mà nó còn bao hàm rất nhiều nhân tố khác ví dụ như tầm ảnh hưởng, khả năng lĩnh hội, khả năng hành động, khả năng suy nghĩ, sự nhẫn nại…
Tất nhiên, quan hệ xã giao tốt cũng là một loại năng lực.
Nên nhớ, ở thời đại này, muốn làm kẻ mạnh, muốn chạy nhanh hơn, chạy xa hơn người khác thì việc bạn cần làm đó là không ngừng nâng cao năng lực và giá trị của bản thân.
Theo Như Quỳnh (Trí Thức Trẻ)