Áp lực học tập trong những bộ phim xứ Trung khiến người xem rơi lệ

11:20 | 05/04/2022

Áp lực học tập là nỗi niềm chung của những đứa trẻ khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Trong thế giới phim ảnh Trung Quốc, vấn đề này được diễn tả chân thực, đáng sợ và đau lòng khôn nguôi.


“Cha mẹ làm như vậy là vì muốn tốt cho con”

Đó là câu thoại tưởng như không thể thiếu trong các bộ phim học đường xứ Trung. Các bậc cha mẹ thúc ép con cái học hành, muốn để con thi đỗ những trường học danh tiếng mà không màng cảm xúc của con.

Áp lực học tập từ cha mẹ đè nặng lên con cái khiến định nghĩa “gia đình” trở nên đáng sợ. Ảnh: Tiểu Hoan Hỷ
Người mẹ luôn quan tâm, lo lắng cho tương lai con nhưng lại chọn sai cách. Ảnh: Internet
Đứa trẻ bị áp lực học tập làm cho tâm lí bất ổn, đau khổ và bế tắc. Ảnh: Tiểu Hoan Hỷ

Con trẻ học ngày học đêm, cuộc sống chỉ quanh quẩn hết lớp học thêm này đến lớp học thêm khác, không bạn bè, không người tâm sự, chia sẻ. Những gì chúng nhận lại sau cùng là sự thôi thúc không ngừng của phụ huynh, là sự chỉ trích mỗi khi bị điểm kém, là áp lực vô hình đè nặng lên đôi vai vốn đã trĩu đi vì sách vở. Đến cuối, cha mẹ nghĩ rằng họ đang làm tất cả là vì con.

Trong bộ phim “Tiểu Ly Biệt”, bà mẹ Văn Khiết luôn muốn tốt cho đứa con Đóa Đóa của mình. Cô bắt ép con phải học đủ điều, không cho con làm những việc mình thích, nói những thứ mình muốn khiến Đóa Đóa luôn bị kìm hãm.

Văn Khiết muốn con học thật giỏi để có tương lai xán lạn nên cố ý đăng kí thật nhiều lớp học thêm. Cô chính là điển hình của một người mẹ coi thành tích học tập lên trên tâm tư, tình cảm của con mình. Cô luôn cho rằng mình đúng, mình đang giúp con mà bỏ qua suy nghĩ, mong muốn cũng tư nguyện vọng của con gái mình.

“Mẹ đang hại con sao? Mẹ chỉ là muốn tốt cho con thôi”.

“Mẹ ép con học là vì muốn tốt cho con, muốn con tiến bộ”.

“Em đã làm gì sai sao? Em chỉ muốn con chúng ta học giỏi, có tương lai hơn thôi mà!”

Văn Khiết đã nói như vậy, đến khi con gái bị ép đến gần như nổ tung, phẫn nộ mà chỉ trích cô, Văn Khiết vẫn nghĩ mình đang giúp con.

Người mẹ hết mực yêu con ấy giờ tưởng như trở thành “kẻ thù” của Đóa Đóa. Tình thương họ dành cho nhau bỗng chốc trở thành ngòi nổ cho những cuộc cãi vã và sự mệt mỏi đằng đẵng trong chính gia đình mình.

Trong “Tiểu Hoan Hỷ”, ta lại bắt gặp hai người mẹ cũng giống như vậy. Đó là cô Tống Thiến nuôi con một mình, đánh đổ ước mơ của con, ép con chỉ được học tập, phũ phàng gạt đi mọi nguyện vọng của con, đến khi nhận ra lại chỉ có thể gào khóc nhìn con nhảy từ trên cầu xuống tự vẫn. Đó là bà mẹ Đổng Văn Khiết luôn so sánh con trai mình, cố chấp muốn con học tập thi đỗ trường bà mong muốn.

Họ đều không sai khi dành những điều tốt nhất cho con, nhưng họ cũng không đúng khi thể hiện tình yêu ấy, áp đặt nguyện vọng của mình vào những đứa trẻ mà quên mất chúng vẫn còn quá nhỏ, non nớt và yếu mềm. Chúng có ước mơ, có hoài bão, có năng lực riêng, chúng muốn được phát triển điều mình yêu thích chứ không phải bị ép đi trên con đường mẹ cha vạch sẵn.

Thật may mắn rằng, đến cuối phim họ cũng hiểu ra rằng để trẻ đi trên con đường chúng đam mê mới thực sự là cách tốt nhất. “Chuyện thi cử, điểm số, rốt cuộc là chúng ta đang nhìn từ góc nhìn của con cái hay của cha mẹ? Từ trước đến nay chúng ta luôn nhìn từ góc độ trên xuống, người trưởng thành hay áp đặt tâm tư của họ lên con cái của mình. Hãy cứ để đứa bé tự đi và phát triển theo đúng những gì chúng muốn, đó mới là phương pháp yêu con đúng nhất”, Người bố trong “Tiểu Hoan Hỷ” đã nói như vậy để những người mẹ kia nhận ra phương pháp của họ áp lực đến nhường nào.

Sự bùng nổ trong kìm kẹp

“Vì sao khi lên lớp con lại ngủ gật? Vì con quá mệt khi mẹ đăng kí cho con cả đống lớp học thêm. Vì sao con lại đi chơi điện tử? Vì con đến một người bạn ở ngoài đời cũng không có. Vì sao con lại trốn học? Vì con dù cố gắng đến đâu mẹ cũng không nhìn thấy, trong mắt mẹ con lúc nào cũng kém cỏi, cũng cần cố thêm. Mẹ đã bao giờ khen con chưa?”, cậu bé trong “Tiểu Biệt Ly” đã vừa khóc vừa bộc bạch hết với mẹ của mình. Áp lực học tập của mẹ, của bạn bè đồng trang lứa khiến cậu bé gần như ngạt thở, vùng vẫy tự thoát ra nhưng lại không hề được thấu hiểu.

Những đứa trẻ trong phim “Tiểu Hoan Hỷ” cũng bùng nổ bao uất ức, chúng khóc lóc gào khóc trong màn mưa, chỉ trích cha mẹ. Chúng bất lực muốn xé tan mọi thứ, thậm chí muốn đi thật xa, đi mãi mãi.

“Con học tốt thì mẹ gọi con là con yêu. Con học không tốt mẹ bắt con học thuộc từ vựng, ép con làm bài tập, lại còn ép con học lớp học thêm ngoài giờ. Mẹ không hề yêu con! Con chỉ là một đứa trẻ bình thường, nhưng mẹ lại không muốn một đứa con gái bình thường, mẹ chỉ muốn một đứa con gái học giỏi xuất sắc thôi. Nếu con biến mất, mẹ có nhớ con không?”.

“Mẹ sẽ không bao giờ nhìn thấy con tốt, mẹ không nhìn thấy điểm tốt nào ở con cả. Con cố gắng từ cuối lớp lên đứng giữa lớp, nhưng mẹ không thấy, mẹ chỉ nhìn vào điểm chưa được của con rồi đem ra so sánh với người khác”.

“Con chỉ là muốn đi học xa chút, để không phải ở gần mẹ. Con đã 3,4 ngày nay không có một giấc ngủ ngon rồi, giờ con chỉ muốn chạy trốn thôi. Con xin lỗi!”.

Những nhân vật non trẻ ấy đã nói vậy với cha mẹ. Quá bế tắc đã dẫn chúng đến sự bùng nổ ấy. Có lẽ những đứa trẻ hiểu được đó là do cha mẹ yêu thương, mong mỏi và tương lai tươi sáng nhưng áp lực mạnh khiến sự ngoan ngoãn bị vỡ tung, họ hoảng loạn chạy trốn, thậm chí có cả những ý nghĩ muốn biến mất mãi mãi khỏi cuộc đời.

Nếu thực tiễn là những câu chuyện đau thương chẳng thể cứu vãn thì phim ảnh lại do con người tạo ra và người ta mong muốn đến cuối cùng mọi thứ vẫn vẹn toàn. Trong cả hai bộ phim xứ Trung kể trên, đến cuối cùng phụ huynh cũng hiểu cho con cái và con cũng thấu cảm tấm lòng mẹ cha. Họ chia sẻ những khó khăn với nhau, cùng nhau vượt qua, xây dựng lại đúng ý nghĩa của gia đình.

“Tiểu Biệt Ly” và “Tiểu Hoan Hỷ” là hai trong số nhiều phim Hoa ngữ xoáy sâu vào áp lực thi cử, áp lực học đường. Đây là hai bộ phim xuất sắc để gửi thông điệp thấu cảm và yêu thương con cái đến bậc làm mẹ, làm cha.

Đừng áp đặt quá nhiều, đừng cố gắng ép con đi theo con đường mình chọn mà hãy luôn cảm thông, chia sẻ và đồng hành. Bởi suy cho cùng, người lớn đã từng là trẻ con nhưng trẻ con lại chưa từng là người lớn. Trẻ em thơ ngây, non dại và bé nhỏ, chúng cần được phát triển tự nhiên, hạnh phúc và vui vẻ nhất.

Theo Công luận


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG