Bệnh viện Thành phố Thủ Đức đang hỏa tốc triển khai các phương án để chuyển đổi công năng 300 giường sang Hồi sức, nâng công suất đáp ứng của thành phố lên 1.500 giường điều trị các trường hợp mắc COVID-19 nặng.
Tính đến sáng 15/7 trên địa bàn đã có 19.724 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 18.394 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện, 251 ca đang phải thở máy, 7 ca đang chạy ECMO.
Báo cáo của Sở Y tế TPHCM ngày 15/7 cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có 24 bệnh viện đang điều trị COVID-19 với quy mô gần 45.000 giường. Để chủ động điều trị, ngăn chặn nguy cơ tử vong cho các trường hợp bệnh nặng, ngành y tế đang huy động nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tăng thêm số giường bệnh Hồi sức cho các trường hợp mắc COVID-19 nặng và nguy kịch.
Sau khi chuyển đổi công năng của Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 với quy mô 1.000 giường trở thành Trung tâm Hồi sức COVID-19, hôm nay 15/7, Sở Y tế cho biết sẽ tiếp tục chuyển công năng một phần của Bệnh viện Thành phố Thủ Đức sang điều trị các ca bệnh nặng và nguy kịch.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong sáng 15/7, BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho biết: “Chúng tôi đang triển khai các phương án sắp xếp để chuyển tòa nhà 7 tầng trong bệnh viện sang khu điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng. Trong thời gian tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 bệnh viện sẽ tổ chức phân luồng chặt chẽ để tiếp tục khám chữa bệnh cho bà con nhân dân mắc các bệnh lý thông thường”.
Cũng theo BS Minh Quân, bệnh viện sẽ sử dụng những trang thiết bị và nguồn nhân lực chuyên môn hiện có vào điều trị bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ được Sở Y tế bổ sung thêm trang thiết bị và nhân sự trong trường hợp cần thiết để đảm bảo tốt nhất cho việc chăm sóc điều trị, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong. Dự kiến, ngày 16/7 Sở Y tế sẽ có quyết định chính thức đưa khu điều trị COVID-19 của Bệnh viện Thành phố Thủ Đức vào hoạt động.
Hiện trên địa bàn TPHCM đã có 1.200 giường hồi sức cho bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nặng, nguy kịch gồm Bệnh viện Chợ Rẫy (100 giường), Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (100 giường), Trung tâm Hồi sức COVID-19 (Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 quy mô 1.000 giường). Với sự tham gia của Bệnh viện Thành Phố Thủ Đức, phân tầng điều trị cho các ca bệnh năng và nguy kịch sẽ tăng lên 1.500 giường.
Ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy được Bộ Y tế điều động, Sở Y tế đã phân công nhiệm vụ chuyên môn chịu trách nhiệm điều trị tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 cho các bệnh viện Nhân Dân Gia Định; Nhân Dân 115. Thời gian tới, các y bác sĩ có chuyên môn giỏi từ Bệnh viện Đa khoa hạng 1 của thành phố và các y bác sĩ từ những tỉnh thành do Bộ Y tế điều động sẽ luân phiên điều trị bệnh nhân.
Hiện đội ngũ y tế của Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện khác đang khẩn trương để sớm đưa thêm 100 giường tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 đi vào hoạt động trong ngày 15/7, kịp thời đáp ứng tình hình còn nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng được chuyển đến từ các bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 trên địa bàn.
Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, để đáp ứng tốt nhất điều trị ca bệnh nặng các thiết bị y tế chuyên dùng như máy thở, máy lọc máu, ECMO, máy theo dõi bệnh nhân sẽ được huy động nguồn lực sẵn có từ bệnh viện của thành phố. Ngoài ra, ngành y tế sẽ ưu tiên phân bổ các trang thiết bị được tài trợ và Bộ Y tế chi viện do Mặt trận Tổ quốc thành phố chuyển đến phục vụ điều trị các ca bệnh nặng và nguy kịch.
Theo Tiền Phong