Bát canh cá – sản vật đồng quê là thương hiệu đặc sản của người dân Quỳnh Côi, trở thành thức quà đặc trưng để người dân Thái Bình thết đãi người thân, bạn bè mỗi dịp về chơi quê lúa.
Cách trung tâm thành phố Thái Bình 25km, thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, vẫn thường được nhớ đến với món canh cá, thức quà sáng rất đỗi giản dị, quen thuộc với người dân nơi đây.
Canh cá truyền thống ở Quỳnh Côi khác so với canh cá của nhiều vùng miền. Bởi, canh cá này chỉ gồm có bánh đa, cá rim, nước dùng và được ăn kèm với rau thơm, ớt chưng, dấm tỏi chứ không ăn cùng rau sống giống như nhiều nơi khác.
Nét độc đáo của canh cá Quỳnh Côi chính bởi hương vị và sợi bánh đa riêng có nơi mảnh đất này.
Nét độc đáo của canh cá Quỳnh Côi chính bởi hương vị và sợi bánh đa riêng có nơi mảnh đất này. Người nấu thường sử dụng cá rô và cá quả để nấu canh. Muốn có bát canh ngon, phải gỡ cá sao cho thịt không bị nát mà vẫn sạch xương, đảm bảo già trẻ lớn bé đều sử dụng được.
Bà Nguyễn Thị Minh, chủ quán canh cá Quỳnh Côi, thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ cho biết: “Nhà tôi làm nghề đã lâu, từ ông bà truyền lại bao đời nay. Cá rô đồng giờ rất hiếm, nên vào thời điểm không có cá rô thì gia đình lựa chọn cá quả, cá trôi. Cá mua tươi sống, được luộc qua và để nguội khoảng 15, 20 phút, sau đó được gỡ phần thịt cá. Phần đầu, xương cá được để riêng vào 1 túi lưới và cùng gừng tươi, xương cục và ninh nhừ từ khoảng 10h trưa đến 4h rạng sáng hôm sau, để tạo ra nước dùng ngon ngọt. Cá được chao qua dầu cho đến khi có màu vàng nhạt thì chuyển qua giai đoạn rim cá. khoảng 3 tiếng đồng hồ cùng các gia vị như gừng, ớt, hạt tiêu, hạt nêm”.
Phần thịt cá sau khi gỡ xong sẽ được rim cùng với nước mỡ hành phi, nước mắm, gừng, hạt nêm và nước kẹo đắng để tạo màu vàng cho miếng cá rim.
Bước quan trọng nhất trong quá trình nấu canh đó chính là rim cá. Phần thịt cá sau khi gỡ xong sẽ được rim cùng với nước mỡ hành phi, nước mắm, gừng, hạt nêm và nước kẹo đắng để tạo màu vàng cho miếng cá rim.
Công đoạn nấu nước dùng chính là điều quyết định chất lượng của bát canh cá. Phần xương và đầu cá được đem ninh nhừ cùng xương lợn, tạo vị ngọt cho nước dùng. Xương được ninh khoảng 16 tiếng để có độ ngọt tự nhiên.
Canh cá Quỳnh Côi có vị ngọt đậm đà từ nước hầm xương hoà cùng chút trứng cá vàng ươm, mùi thơm, cay nồng của gừng, rất thích hợp cho những bữa sáng với tiết trời se lạnh của mùa thu. Tuỳ khẩu vị người ăn, bạn có thể vắt thêm chanh, quất hoặc chút ớt chưng, giấm tỏi và rau thơm.
Du khách thập phương về đây, ai cũng muốn được thưởng thức món ngon này
Ông Phạm Hữu Cường, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Lâu lâu ở Hà Nội tôi vẫn thèm được ăn một bát canh cá đúng vị quê hương. Trên thủ đô không thiếu hàng quán nhưng không đâu ra được hương vị nguyên bản đó nên lúc nào thèm tôi thường về quê ăn. Nước dùng đậm đà thơm ngọt và miếng cá rim luôn hấp dẫn người ăn nhớ mãi không thôi”.
Bát canh cá Quỳnh Côi đúc kết từ kinh nghiệm, sự khéo léo và cái tâm của người làm nghề được chuyển giao qua nhiều thế hệ đã trở thành nét văn hoá ẩm thực riêng của quê lúa Thái Bình.
Thanh Hoài
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/am-thuc-thai-binh-canh-ca-quynh-coi-nuc-long-nguoi-xa-xu-post266559.html