Trong những ngày mưa lũ hoành hành, các em không thể về nhà, bếp lửa đã không tắt trong trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đakrông.
Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đakrông (xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Quảng Trị) là trong những ngôi trường khó khăn nhất của tỉnh Quảng Trị, ở cách xa trung tâm 100 km, địa hình hiểm trở, có địa bàn học sinh tham gia học rộng, đa số học sinh ở đây là con em người dân tộc thiểu số và gia đình thuộc diện hộ nghèo.
Nhiều năm qua, để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học ở đây, các thầy cô giáo không những cần phải có chuyên vững chắc mà còn phải có sự tâm huyết với nghề, với người và có trách nhiệm cao.
Trong mưa lũ, các thầy cô giáo vừa phải căng mình chống thiên tai, vừa tập trung hỗ trợ học sinh và đồng nghiệp khó khăn, vừa ổn định dạy và học.
Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, chưa bao giờ Quảng Trị phải chịu cảnh thiên tai tàn khốc như vậy.
Chỉ tính riêng tại huyện miền núi Đakrông, tuyến đường 588 bị ngập sâu, chia cắt nhiều điểm ở xã Triệu Nguyên, Ba Lòng, Mò Ó. Đường vào trung tâm xã A Vao, Ba Nang cũng bị chia cắt nhiều vị trí như cầu Đá Đỏ, Ra Lây,Tà Rẹc. Mưa lũ gây ngập lụt thôn Đá Nỗi xã Ba Lòng và một số vị trí của thôn Na Nẫm xã Triệu Nguyên.
Đặc biệt, tại các ngầm Tà Rụt-A Vao; A Bung – A Ngo trên quốc lộ 15D; tràn Đá Đỏ ở xã Ba Nang, tràn Ly Tôn xã Tà Long nước lũ dâng từ 1 m đến 2 m.
Mưa lũ kinh hoàng khiến các em học sinh bán trú của Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đakrông không thể về nhà.
Cuộc sống của các em gặp rất nhiều khó khăn khi lương thực dự trữ các em mang theo để học bán trú không nhiều, chỉ một chút gạo, chút thức ăn trong thời gian nhất định.
Khi lũ về, trường mất điện, các em không thể tự nấu ăn, chăm sóc bản thân, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Nhìn các em khó khăn như vậy, thầy giáo Nguyễn Khương Chinh – Bí thư đoàn trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đakrông đã cùng các đồng nghiệp của mình đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm, các đồng nghiệp chung tay giúp đỡ các em.
Thầy Chinh đã đứng ra kêu gọi, quyên góp thức ăn, nhu yếu phẩm để nấu ăn cho các học sinh ở khu nhà bán trú bị cô lập do bão lụt.
Tất cả 36 em học sinh học bán trú ở lại đã không phải bị đói ngày nào dù mưa lũ đang cô lập.
Kể về tình cảnh trong mưa lũ, thầy giáo Lê Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đakrông cho biết, may mắn là Trường nằm trên đồi cao nên không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Tuy nhiên, những ngày mưa lũ khiến cho các cầu tràn bị ngập, đường bị cô lập nên nhiều em không thể về được nhà.
Thầy Nguyễn Khương Chinh với vai trò là Bí thư đoàn trường đã đứng ra kêu gọi mọi người giúp đỡ các em học sinh bán trú bị kẹt lại vì mưa lũ.
Các nhu yếu phẩm đã được gửi đến, các thầy đã xuống bếp nấu cơm cho học sinh ăn.
Trong suốt 5 ngày lũ dữ quần thảo ở Tà Rụt, các em học sinh vẫn đảm bảo được ngày 3 bữa cơm ấm lòng từ các thầy giáo, cô giáo của mình.
Những ngày mưa bão, bếp lửa của trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đakrông vẫn ấm tình thầy trò.
Dẫu giữa vùng lũ dữ, bị cô lập nhưng các em vẫn được ăn no đã tạo nên sự tin tưởng của phụ huynh học sinh, chính quyền địa phương trên địa bàn với nhà trường.
Sau những ngày bão lũ đi qua, khó khăn mới lại xuất hiện, chồng chất lên những khó khăn cũ khi đường đến trường của học sinh bị cô lập, nhà cửa, đồ dùng học tập, áo quần bị hư hỏng…
Việc ổn định lại cơ sở vật chất để học tập cho học sinh đã đặt ra cho các thầy, cô rất nhiều thách thức.
Tuy vậy, bằng những mối quan hệ của mình cộng với sự ủng hộ của bạn bè, đồng nghiệp và chính quyền địa phương thầy Nguyễn Khương Chinh cũng lại một lần nữa đã kêu gọi những tấm lòng hảo tâm trên khắp cả nước hướng về học sinh miền bão lũ.
Những phần quà từ những tấm lòng hảo tâm ấy không chỉ giúp các em học sinh phần nào vượt qua khó khăn do thiên nhiên tạo ra mà còn tạo động lực cho các em tiếp bước con đường đến trường đầy vất vả khó khăn.
Những tấm lòng của thầy cô giáo trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đakrông như thầy Nguyễn Khương Chinh đang góp phần củng cố niềm tin của phụ huynh, góp phần cho giáo dục ổn định.
Những người thầy, người cô ở Đakrông đang góp phần xây dựng lớp người mới ở miền khó phía Tây Quảng Trị.
Theo GDVN