Mới đây Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT về việc giao bộ này làm cơ quan điều phối chung các dự án thành phần thuộc tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM. Ngoài ra UBND TP.HCM cũng được giao làm cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện dự án này.
Liên quan đến dự án này, vào tháng 4/2023, Thường trực Chính phủ đã thống nhất giao cho UBND tỉnh Long An là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án thành phần đường Vành đai 4 TP.HCM, gửi Bộ GTVT để thực hiện tổ chức điều phối theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Nhưng đến tháng 5/2023, UBND tỉnh Long An có báo cáo một số khó khăn, vướng mắc khi giao cho tỉnh Long An làm nhiệm vụ này.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT và các địa phương đã họp và đi đến thống nhất đề nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT sẽ là cơ quan điều phối chung các dự án thành phần, UBND TP.HCM sẽ là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các dự án thành phần đường Vành đai 4 TP.HCM.
Được biết, dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài 197,6 km, điểm đầu tại đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối trục Bắc – Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước TP.HCM. Đây là dự án hạ tầng trọng điểm của khu vực phía Nam, sau khi hoàn thiện và đưa vào khai thác sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô và luồng xe di chuyển từ các tỉnh miền Tây về trung tâm TP.HCM.
Theo lộ trình, dự án hoàn thành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và lập nghiên cứu báo cáo khả thi dự án vào năm 2023. Quý IV/2024 trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và khởi công. Hoàn thành dự án vào cuối 2027 và đưa vào khai thác sử dụng vào cuối 2028.
Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 4 TP. HCM đi qua địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cũng liên quan đến các dự án giao thông tại TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa giao cho Sở KHĐT phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan xem xét tờ trình của Sở GTVT về dự án Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (trước đây là Xa lộ Hà Nội). Đây là dự án dài khoảng 3,6km, dự kiến tổng mức đầu tư 9.852 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
Trong đó, chi phí xây lắp và thiết bị khoảng 1.990 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật là 7.197 tỷ đồng; còn lại là các chi phí khác. Dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo lộ giới quy hoạch là 67m và toàn bộ nút giao Bình Thái, đầu tư xây dựng đường song hành hai bên với quy mô 34m, 6 làn xe.
Tại nút giao Bình Thái được thiết kế dạng thức nút giao hoa thị hoàn chỉnh đường Vành đai 2 vượt trên đường Võ Nguyên Giáp; các nhánh hoa thị kết nối với tuyến chính đường Võ Nguyên Giáp, đường song hành đi dưới các nhánh hoa thị bằng các hầm chui. Trong đó, cầu vượt đường Võ Nguyên Giáp dài hơn 216m, rộng 20,5m; các tuyển đường Đặng Văn Bi, Đỗ Xuân Hợp và các đường nhánh kết nối vào đường Vành đai 2 sẽ được nâp cấp, cải tạo…
Sở GTVT cũngđánh giá, Vành đai 2 là tuyến đường quan trọng của để kết nối các khu công nghiệp, đô thị và các tuyến đường trục xuyên tâm, nhằm giảm tải cho khu vực nội đô, góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ hướng tâm, giữa các địa phương của vùng TP.HCM.
An Vũ
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/giao-ubnd-tphcm-lam-co-quan-dau-moi-tong-hop-trien-khai-du-an-vanh-dai-4-post259597.html