Nhận thức vai trò quan trọng của chuyển đổi số ngày nay, nhiều nhà báo, phóng viên trẻ đã phát huy vai trò tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động đổi mới sáng tạo ở cơ quan mình, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tác phẩm báo chí của mình.
Công cuộc thay đổi bắt đầu từ tư duy đến hành động sẽ dần tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động nghề nghiệp.
Kiến thức – kỹ năng và sự rèn luyện không ngừng
Trong quá trình phát triển của mình, mỗi cơ quan báo chí rất cần lực lượng phóng viên trẻ tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Mỗi cơ quan báo chí dù lớn hay nhỏ cũng đều coi chuyển đổi số là phương thức quan trọng trong quá trình thực hiện công tác chuyên môn. Phóng viên trẻ ở cơ quan báo chí cũng thường là lực lượng tiên phong thực hiện, áp dụng những đổi mới về công nghệ của cơ quan mình để góp phần thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị giao. Nhiều phóng viên trẻ tham gia toàn bộ hoặc một phần các công đoạn, quá trình chuyển đổi số và ứng dụng thường xuyên trong công tác chuyên môn. Phóng viên trẻ cũng là lực lượng đi đầu, khởi xướng tổ chức các hoạt động, phong trào góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy chuyển đổi số trong đơn vị. Tuy nhiên để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trước tiên mỗi phóng viên trẻ cần trang bị cho mình những kiến thức kỹ năng cần thiết, liên tục tu dưỡng, rèn luyện và học hỏi nghiệp vụ.
Phóng viên phòng biên tập Kinh tế – Xã hội – Nội chính Báo QĐND phỏng vấn nhà báo lão thành Hà Đăng. Ảnh: NVCC
Với vai trò là một Biên dịch viên trang Tiếng Anh và phóng viên theo mảng quốc tế thuộc Báo Điện tử Công an nhân dân, nhà báo Bùi Khánh Linh nhận thức rõ rằng cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay đóng vai trò vô cùng quan trọng với nhiều mặt của cuộc sống, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền. Dưới sự định hướng, chỉ đạo sát sao và nhiều chia sẻ thực tế từ các đồng chí lãnh đạo Ban Biên tập, chị và các đồng nghiệp tại ban luôn cố gắng lồng ghép các chương trình về chuyển đổi số vào nhiệm vụ chuyên môn một cách thận trọng và hiệu quả, nhằm tạo nên “vùng xanh” thông tin trên không gian mạng, thu hút độc giả và lan toả thông tin, văn hoá đọc tới mọi người.
Nhà báo Bùi Khánh Linh chia sẻ: Để đạt được số lượng lớn người dùng truy cập và quay trở lại trang, tôi và các đồng nghiệp đã chủ động tham mưu và đề xuất các lãnh đạo cho phép tham gia các lớp bồi dưỡng làm báo chí 4.0 như: làm thế nào để phát huy sức mạnh của mạng xã hội trong tuyên truyền báo chí chính thống; xây dựng báo chí dữ liệu; sản phẩm dạng infographic. Chúng tôi được tham gia các buổi trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau với các đơn vị báo chí trong và ngoài lực lượng vũ trang để có được cái nhìn toàn cảnh hơn, từ đó hiểu rõ được các ưu điểm và những khía cạnh cần củng cố nhằm đổi mới để phù hợp với dòng chảy báo chí hiện đại.
Tương tự tại Báo Quân đội Nhân dân (QĐND), trong thời kỳ bùng nổ công nghệ số, thông điệp mà Ban biên tập báo luôn nhắc nhở những người làm báo trẻ trong đơn vị đó là chuyển đổi số hay tự thụt lùi. Báo Quân đội Nhân dân không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số, càng không quên đây là nhiệm vụ hàng đầu.
Nhà báo Vũ Thị Dung – Phòng biên tập Kinh tế – Xã hội – Nội chính Báo QĐND chia sẻ, phóng viên trẻ chúng tôi luôn được đào tạo cơ bản, cầu thị trong công việc và có khát vọng cống hiến. Tuy nhiên, điểm yếu là thiếu kinh nghiệm chuyên môn, chưa hoàn thiện tác phong chuyên nghiệp trong công tác. Vì vậy, sĩ quan trẻ rất cần sự giúp đỡ của lãnh đạo, sự quan tâm, hướng dẫn của thế hệ đi trước.
Nhà báo Vũ Thị Dung cho biết: “Tôi may mắn được anh chị trong phòng giúp đỡ, tin tưởng giao nhiệm vụ, với nhiệt huyết của người trẻ, tôi đã học tập và làm việc. Tôi nhận ra, chỉ có bắt tay vào làm việc, chúng ta mới thực sự biết đâu là thuận lợi, đâu là khó khăn. Chỉ có bắt tay vào làm việc, chúng ta mới có cơ hội để tiến bộ”.
Có thể nói, chuyển đổi số mang lại thời cơ và thách thức với các cơ quan báo chí và điều này càng đúng với những phóng viên trẻ, những người đã đang và sẽ còn gắn bó với hoạt động báo chí về lâu về dài.
Hãy chuyển đổi chính mình
Sự khác biệt căn bản giữa khán giả truyền thống với khán giả trong thời đại công nghệ số đã đòi hỏi những người làm truyền hình phải thay đổi tư duy làm báo, đột phá trong xử lí thông tin và hình thức thể hiện. Đặc biệt, doanh thu (quảng cáo báo chí) sụt giảm do ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của nền kinh tế. Không chỉ Đài Truyền hình Việt Nam, không chỉ các cơ quan báo chí mà về cơ bản các đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp đều đang gặp phải.
BTV Quốc Lê – VTV Digital (Đài Truyền hình Việt Nam) bắt đầu câu chuyện rằng: Chuyển đổi số hay là chết? Đây là câu cửa miệng quen thuộc của tất cả chúng ta trong 5 năm qua, nó vốn là một khẩu hiệu. Gọi là truyền cảm hứng cũng được, gọi là lời hăm dọa cũng được nhưng giờ thì nó đúng. Không chuyển đổi số bạn sẽ chết một cách từ từ như những chú ếch bị luộc trong 1 cái nồi nước sôi.
Biên tập viên Quốc Lê – VTV Digital chia sẻ tại tọa đàm “Tuổi trẻ Khối Các cơ quan trung ương tạo bước đột phá về chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị”. Ảnh: Hà Thanh
Phân tích một cách cụ thể hơn về tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhà báo Quốc Lê nhấn mạnh: Chuyển đổi số giúp tối ưu năng suất lao động. Như ở Đài chúng tôi, phóng viên trẻ tham gia sản xuất tác phẩm truyền hình có thể gửi video từ xa, có thể quay phim linh hoạt bằng di động, có thể sản xuất chương trình ngay cả khi đang đi trên đường. Chi phí giảm đi đáng kể khi mà ekip được tinh giản, phương tiện sản xuất được tối ưu. Chuyển đổi số cũng biến những phóng viên trẻ trở thành những nghệ sỹ đa di năng khi họ có thể tự thiết kế, tự biên tập nhạc, tự làm ra một tác phẩm hoàn chỉnh, sinh động, chất lượng cao từ A-Z mà nếu cách đây 10 năm sẽ đòi hỏi cả 1 ê-kíp đông đảo. Mỗi phóng viên trẻ đều cần thấu hiểu và sẵn sàng với chuyển đổi số tạo ra sự thay đổi từ những việc nhỏ nhất, tạo nên hiệu quả cho bản thân, cho đơn vị và cho sự nghiệp chung.
Nhưng ngược lại, chuyển đổi số cũng mang tới cho người làm truyền hình vô vàn thách thức. “Cách đây 17 năm, khi tôi mới bước chân tới Đài Truyền hình Việt Nam, việc của chúng tôi là cố gắng làm ra những sản phẩm tốt, đủ tiêu chuẩn phát sóng và sẽ được nhận lương, một mức thu nhập không hề tệ. Lãnh đạo đơn vị về cơ bản cũng không quá quan tâm so sánh giữa trả lương và doanh thu nó có tỷ lệ như thế nào vì đó là lúc đỉnh cao của truyền hình. Còn hiện giờ nó thực sự là một bài toán” – BTV Quốc Lê trăn trở.
Đầu tiên là thay vì trước đây VTV chỉ cạnh tranh với các đài truyền hình trong nước, một số kênh truyền hình nước ngoài trên các mạng truyền hình cáp thì giờ đây, VTV phải đối đầu với rất nhiều đối thủ sừng sỏ quốc tế như NetFlix và không thể không kể đến hàng trăm ngàn content creator – người sáng tạo nội dung ở ngoài kia. Điều này cũng không khác gì các nhà mạng ở đây, mạng viễn thông truyền thống của các bạn phải cạnh tranh với hàng loạt ứng dụng OTT khác nhau và ngày càng có thêm nhiều cái tên mới. Chưa kể nó lại đầy sáng tạo với đủ hình thức hẹn hò, booking, casting, tuyển dụng trên đó…
“Năm nay là một năm kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức và chúng ta thấm thía hơn chuyển đổi số thực sự là như thế nào? Mỗi phóng viên trẻ hãy sử dụng công nghệ số để hiểu về chính công việc của mình, tối ưu công việc của mình và tự đánh giá công việc cũng như mức đóng góp của mình cho tổ chức để thấy mình cần phải thay đổi mỗi ngày. Và chỉ chuyển đổi số thôi là chưa đủ. Hãy chuyển đổi chính mình” – BTV Quốc Lê chia sẻ.
Lê Tâm
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/khi-cac-nha-bao-tre-xung-kich-trong-chuyen-doi-so-post255964.html