Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ (Quy chuẩn QCVN 41:2016/BGTVT).
Điểm đáng chú ý của dự thảo lần này là việc sửa mục 10.3.2 Điều 10 quy định: “Khi có tín hiệu đèn vàng bật sáng phải dừng lại trước vạch dừng; trừ các trường hợp sau thì được phép đi tiếp: Đã đi quá vạch dừng, hoặc đã tiến sát đến vạch dừng tại các cụm đèn không có đồng hồ đếm ngược, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm…”.
Quy định cũng bổ sung tín hiệu vàng nhấp nháy, báo hiệu được đi nhưng phải chú ý và thận trọng quan sát, nhường đường cho người đi bộ sang đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Việc sửa đổi quy định để phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và Công ước Viên mà Việt Nam là thành viên. Ảnh: Internet
Việc điều chỉnh lại cho rõ nội dung trên trong dự thảo thông tư được ban soạn thảo Bộ GTVT lý giải: “Để phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ trong trường hợp đã đi quá vạch dừng ở tất cả cụm đèn và áp dụng thêm theo Công ước Viên (tiến sát tới vạch dừng) ở các cụm đèn không có đồng hồ đếm ngược…”.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định rõ về khái niệm ô tô con và ô tô tải, theo hướng xe con là xe con, xe tải là xe tải (theo quy định về đăng kiểm phương tiện) và các xe bán tải (xe pickup), xe VAN dưới 950 kg cũng được xem là xe con cho phù hợp với thực tiễn về kích cỡ và thực tế sử dụng.
Về quy định đặt biển chỉ dẫn lối đi khi đặt biển cấm cũng được sửa đổi theo hướng chỉ bắt buộc đặt biển chỉ dẫn lối đi trong trường hợp đường cấm vì lý do đường, cầu bị tắc mà không có lối rẽ tránh (lỗi chính tả từ các quy chuẩn trước chưa được phát hiện).
Liên quan đến vạch sơn phân chia làn thô sơ và làn cơ giới, ban soạn thảo cũng sửa đổi theo hướng viết tường minh nhấn mạnh “chỉ bố trí làn đường dành riêng cho xe thô sơ khi mật độ xe thô sơ lớn“ còn không có thể kẻ vạch 2.1 hoặc 2.1 kết hợp 2.2 vì hiện nay rất nhiều dự án kẻ vạch liền gây thắt hẹp mặt đường, tai nạn đối đầu, lãng phí đầu tư….
Tại mục 10.3.2, Điều 10 Quy chuẩn 41 quy định về ý nghĩa của đèn vàng: “Tín hiệu vàng báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau”. Quy định này từng gặp phản ứng của cảnh sát giao thông vì họ cho rằng quy chuẩn này không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Tức luật quy định: Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát và nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Theo Pháp luật TP.HCM