Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10 với 4 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn sẽ được công bố vào tháng 3 hàng năm, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Thi vào lớp 10 luôn được học sinh và phụ huynh quan tâm.
Để đảm bảo mục tiêu toàn diện
Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên tại Hà Nội năm học 2019 – 2020 là thi tuyển. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập với 4 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư.
Trong đó, bài thi thứ tư sẽ được công bố vào tháng 3/2019, được chọn ngẫu nhiên một trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý. Với bài thi môn Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật.
Bài thi môn Toán và Ngữ văn được thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài thi. Bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức kết hợp trắc nghiệm và tự luận, thời gian làm bài 60 phút. Bài thi môn thứ tư thi theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút, có nhiều mã đề thi trong một phòng thi để đảm bảo nguyên tắc hai thí sinh liền kề không trùng mã đề.
Về đề thi, kế hoạch nêu rõ, đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình Trung học cơ sở hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ và môn thứ tư chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu vận dụng cấp độ thấp.
Nói về sự thay đổi này, ông Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường Lý Thái Tổ cho biết, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 chỉ với hai môn thi Toán, Ngữ văn đã không còn phù hợp, vì khiến học sinh học lệch.
Việc kết hợp xét tuyển với điểm học bạ bậc THPT đôi khi ở nơi này, nơi kia cũng có thể nảy sinh những tiêu cực. Sự đánh giá của mỗi trường, mỗi giáo viên cũng có những khác nhau nhất định, có thể tạo nên sự chưa công bằng thực sự giữa các thí sinh. Vì thế, theo ông Bình việc thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là điều cần thiết, nên làm trong điều kiện hiện nay.
Bổ sung thêm môn Ngoại ngữ là hợp lý vì ngoại ngữ ngày càng có vai trò quan trọng. Thi bốn môn là phù hợp, không quá nhiều khiến các em áp lực, nhưng vẫn đảm bảo học sinh phải chú tâm học toàn diện vì đến tháng Ba mới công bố môn thi thứ tư. Theo đó, trong gần như suốt năm học, các em vẫn phải học tất cả các môn.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội cho rằng quyết định chọn phương án thi 4 môn của UBND thành phố là phù hợp vì số môn không quá nhiều nhưng học sinh vẫn phải học toàn diện hơn. Với phương án thi này, học sinh sẽ học toàn diện ngay từ đầu năm học và đến tháng 3, các em sẽ chỉ tập trung vào 4 môn thi. Như vậy, các em sẽ giảm được áp lực thi cử trong giai đoạn ôn thi nước rút trước kỳ thi.
Vẫn còn những băn khoăn
Thi vào lớp 10 là cuộc cạnh tranh khốc liệt với tỷ lệ chọi hàng năm đều khá cao. Hàng năm, lượng thí sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 tại các thành phố lớn đều rất đông nhưng chỉ tiêu của các trường công lập thì có hạn. Thông thường, chỉ có khoảng 60% – 70% số thí sinh trúng tuyển vào các trường công lập.
Trước đây, khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố phương án thi có bài thi tổ hợp, các em học sinh và phụ huynh đã rất lo lắng, vì như vậy, học sinh sẽ phải học toàn diện suốt năm học và giai đoạn cuối năm phải ôn tới 6 môn, sẽ rất căng thẳng. Nay Sở chốt chỉ thi 4 môn, em Hải Hà ( Lĩnh Nam, Hà Nội) cho biết cả gia đình em đã thở phào chứ ban đầu phương án thi Toán, Văn và bài thi tổ hợp, gồm tổ hợp 4 môn Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân hoặc tổ hợp 4 môn Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học và Địa lý là quá nặng nề đối với lứa tuổi chúng em. Nhưng thực ra chúng em vẫn mong muốn chỉ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Toán, Văn là những môn cơ bản, còn ngoại ngữ giúp tăng khả năng hội nhập. Với ba môn thi này, môn nào chúng em cũng phải đi học thêm để ôn luyện, nay thi thêm một môn tự chọn mà đến tận tháng 3 hằng năm mới biết chính thức thì cũng rất căng thẳng.
Chị Thanh Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, việc thay đổi kỳ thi để học sinh học toàn diện hơn là tốt nhưng mỗi sự thay đổi lớn và ảnh hưởng đến nhiều người thế này cần có thời gian để giáo viên và học sinh thích nghi cũng như có kế hoạch học tập từ đầu năm. Với học sinh phổ thông lên trung học, dù các chuyên gia có phân tích hơn thiệt thế nào, lợi ích ra sao thì đứng ở góc độ phụ huynh, luôn sát bên các con trong quá trình học tập và thi cử, chúng tôi vẫn thấy lựa chọn phương án thi 4 môn quả là áp lực lớn.
Đầu năm nay Bộ GDĐT đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, trong đó đưa ra quy định sẽ bỏ cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10. Đặc biệt, điểm thi nghề phổ thông sẽ không được cộng điểm khuyến khích.
Nhưng ông Phạm Quốc Toản – Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) cũng cho hay, với các trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập, Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn cho phép các trường có thể tuyển sinh HS vào lớp 10 THPT bằng kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở 4 năm học cấp THCS. Như vậy có nghĩa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm học 2019-2020 vẫn tồn tại song song 2 phương thức tuyển sinh.
Trường công lập tự chủ tài chính và trường ngoài công lập vẫn duy trì phương thức tuyển sinh như những năm trước đó. Phương án này được đánh giá là khá mở. Song trước tình trạng tuyển sinh nhiều biến động ở một số trường ngoài công lập như năm 2018 vẫn khiến học sinh và phụ huynh băn khoăn.
* Năm học 2018-2019, thành phố Hà Nội có hơn 101.460 học sinh xét tốt nghiệp Trung học cơ sở, giảm khoảng 4.000 học sinh so với năm học 2017-2018. Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 -2020, sẽ có từ 60-62% số học sinh tuyển vào trường THPT công lập, 20% số học sinh vào các trường THPT tư thục, 10% số học sinh vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và từ 8 – 10% số học sinh còn lại tham gia học nghề.
Theo Đại Đoàn Kết