Theo các bác sĩ, người bệnh bị lõm lồng ngực thường gầy, suy dinh dưỡng, kết hợp với lõm gây ra tình trạng thẩm mỹ kém. Ảnh hưởng về mặt tâm lý tự ti, ngại tiếp xúc với bạn bè, thậm chí tự kỷ.
Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, Bệnh lõm ngực là tình trạng phát triển bất thường của thành ngực trước, trong đó biểu hiện bằng sự phát triển bất thường của xương ức và xương sườn hướng vào bên trong gây ra lõm lồng ngực.
Đây là loại dị dạng lồng ngực thường gặp nhất, có thể gây chèn ép tim phổi, gây hạn chế vận động thể lực, gầy yếu và ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Bệnh có thể phối hợp với dị dạng, cong vẹo cột sống, thường ở mức độ nhẹ.
Theo đó, bệnh lý bẩm sinh này xuất hiện từ nhỏ thường không rõ ràng, tiến triển theo thời gian và thường rõ nhất vào độ tuổi dậy thì khi xương phát triển mạnh nhất.
Bệnh có tính chất gia đình, anh em ruột có thể cùng mắc hoặc bố con.
Triệu chứng cho thấy, hầu hết các bệnh thể trung bình – nhẹ sẽ không có triệu chứng chèn ép tim phổi và không gây ra triệu chứng.
Với các mức độ nặng hơn, các triệu chứng thường gặp gồm: Đau tức ngực, mệt mỏi thường xuyên, khó thở, tim đập nhanh.
Khi trẻ hoạt động nhiều gây ra tình trạng hạn chế vận động thể lực, hoạt động nhanh mệt mỏi và khó thở hơn bạn cùng trang lứa.
Gầy, suy dinh dưỡng, kết hợp với lõm gây ra tình trạng thẩm mỹ kém. Ảnh hưởng về mặt tâm lý tự ti, ngại tiếp xúc với bạn bè, thậm chí tự kỷ.
Các thể bệnh có thể tiến triển dần theo thời gian và nặng lên gây ra triệu chứng. PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện HN Việt Đức cho biết: Phương pháp điều trị bệnh lý dị dạng lồng ngực bẩm sinh hiện nay chủ yếu là phẫu thuật, độ tuổi điều trị tốt nhất thường từ 7 đến 15 tuổi, các bệnh nhân lớn tuổi vẫn có thể phẫu thuật nhưng ở mức độ khó khăn hơn.
Chỉ định phẫu thuật gồm một trong các yếu tố sau có triệu chứng của chèn ép tim phổi: khó thở, tức ngực, hạn chế vận động thể lực.
Yếu tố thẩm mỹ, lõm ngực chưa gây ra triệu chứng nhưng xấu về mặt thẩm mỹ. Yếu tố tâm lý: Trẻ tự ti, ngại ngùng tiếp xúc với mọi người.
Chỉ số đánh giá mức độ biến dạng lồng ngực nặng chỉ số Haller trên phim cắt lớp vi tính. Phẫu thuật ít xâm lấn với nội soi hỗ trợ giúp đặt thanh nâng ngực an toàn và hiệu quả. Bệnh nhân thường ổn định và ra viện vào ngày thứ 5 sau mổ.
Dự phòng, theo dõi và tập luyện sau phẫu thuật là rất quan trọng trong việc đạt được hiệu quả tốt trong điều trị cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống và hoạt động thể lực của bệnh nhân.
Với những bệnh nhân gầy thường tăng 3-5 kg sau phẫu thuật. Sinh hoạt trở lại bình thường sau một tháng, hoạt động thể lực và tập luyện thể thao có thể bắt đầu sau 3-6 tháng sau mổ.
Hoạt động thể lực mạnh thường sau một năm sau mổ. Thanh nâng ngực được rút sau 2 đến 3 năm tùy theo độ tuổi của bệnh nhân.
Trinh Phúc
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/benh-lom-long-nguc-va-cach-chua-tri-post246919.html