Những không gian văn hóa làng nghề với tinh hoa làng nghề được phô diễn với nhiều ngón nghề tinh xảo, cho ra những sản phẩm độc đáo, tạo nên giá trị không hề lẫn lộn của mỗi làng nghề ở Huế.
Ở không gian đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và công viên lân cận dọc sông Hương (Thừa Thiên Huế), du khách đổ về đây tấp nập để được trải nghiệm những điều thú vị được các nghệ nhân từ nhiều nơi cùng tụ hội tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023. Những làng nghề truyền thống nổi tiếng của vùng đất Cố đô và các địa phương từ Nam ra Bắc, hay các nước Nhật Bản, Hàn Quốc như “chiêu đãi” du khách những “món ăn” văn hóa mà không phải khi nào cũng có thể thưởng thức.
Dọc tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, trong những gian nhà tranh, các nghệ nhân của mỗi làng nghề trưng bày và trình diễn những tinh túy, tinh hoa nghề mà họ lưu truyền, phát huy. Với đủ các sản phẩm từ lụa, gốm, dệt, nón, đồng, mỹ nghệ tre… của gần 70 làng nghề, Huế vẫn chiếm số đông và nhận được sự quan tâm của người dân, du khách.
Sản phẩm từ các làng nghề của Huế thu hút sự quan tâm của du khách.
Các bạn trẻ đến thăm làng hương Thủy Xuân, TP Huế
Du khách nước ngoài thích thú tìm hiểu không gian nghệ thuật điêu khắc kiệu gỗ Danjiri của các nghệ nhân đến từ TP. Saijo (Nhật Bản).
Vừa nâng niu từng chiếc bình gốm của làng gốm trứ danh Phước Tích, anh Nguyễn Tuệ Hùng (du khách Đà Nẵng) đã không khỏi trầm trồ về cách dân làng giữ nghề và đưa ra thị trường những sản phẩm độc đáo. Mê gốm và sưu tầm rất nhiều món gốm, anh Hùng cho rằng, rất khó so sánh với các làng gốm khác trên cả nước và gốm của làng cổ bên dòng Ô Lâu vẫn có “vị thế” riêng.
“Gốm Phước Tích không chỉ đẹp mà còn đáp ứng được nhu cầu thị trường. Quan trọng hơn, dân làng vẫn giữ được nghề, đưa những sản phẩm đi xa giữa thời buổi hiện đại hóa, cạnh tranh khốc liệt”, anh Hùng nhìn nhận, sau khi chọn mua một vài sản phẩm gốm Phước Tích.
Cách đó chừng vài chục mét là gian hàng nón lá Huế luôn tấp nập người ra vào. Mọi người đến đây chăm chú xem quy trình cho ra một chiếc nón mà lâu nay họ ít khi được diện kiến. Có người còn chờ để mua chiếc nón ngay khi sản phẩm được nghệ nhân vừa dứt công đoạn cuối cùng.
Thời điểm du khách đổ về không gian trưng bày và thao diễn nghề đông đúc nhất là vào chiều muộn và tối. Cùng với làng nghề Huế, các làng nghề trứ danh khác cũng cuốn hút, làm mê mẩn những ai đặt chân đến không gian làng nghề trong dịp Festival này. Đáng chú ý, khi có sự góp mặt của nghệ nhân đến từ TP. Gongju, TP. Namyangju (Hàn Quốc) và các TP. Saijo, Shizuoka, Takayama, Sasayama (Nhật Bản).
Các nghệ nhân đã đem theo những tinh hoa làng nghề xứ sở cùng với sản phẩm riêng có để trình diễn cho bạn bè Việt Nam như một cách giao lưu văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn làng nghề.
Một trong những không gian đón nhận được sự quan tâm là không gian nghệ thuật điêu khắc kiệu gỗ Danjiri của các nghệ nhân đến từ TP. Saijo (Nhật Bản). Nơi đây các nghệ nhân đã trình diễn kỹ thuật điêu khắc gỗ với kỹ thuật làm mộc vô cùng đặc sắc.
Những nghệ nhân của làng nghề này còn đưa chiếc kiệu gỗ với các họa tiết chạm khắc rồng để trưng bày thực tế, đưa người xem lạc vào thế giới chạm khắc tuyệt diệu. Thú vị hơn, du khách khi ghé qua đây còn được các nghệ nhân tận tay hướng dẫn trải nghiệm quy trình chạm khắc trên các tấm gỗ cùng với lời giới thiệu về những hình tượng được chạm khắc.
Hơn chục phút được làm “nghệ nhân”, bạn trẻ Nguyễn Vũ (TP. Huế) tỏ ra hào hứng dù khuôn mặt toát mồ hôi sau khi vật lộn với các dụng cụ đục, đẽo trên một tấm gỗ. “Đó chỉ là một trải nghiệm nhưng từ đó giúp mình hiểu hơn về cách họ chế tác, tình yêu với nghề cũng như nét đẹp văn hóa mà người dân Saijo nói riêng, Nhật Bản nói chung lưu giữ, phát huy và quảng bá nghề truyền thống của mình”, Vũ nhìn nhận.
Đến Huế du khách sẽ được trải nghiệm từ làng nghề này sang làng nghề khác với những trải nghiệm thú vị. Đây cũng là một bước đi bền vững của Huế trong quá trình phát triển du lịch.
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/du-lich-lang-nghe-thua-thien-hue-len-ngoi-post246018.html#p-2