Ngày 28-4, tại Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo diễn ra Lễ hội mừng lúa mới đây là một lễ hội lớn, truyền thống của người S’tiêng, lễ hội thường được tổ chức vào tháng 4, tháng 5 hàng năm, khi người dân đã tổ chức thu hoạch xong mùa màng. Lễ hội gồm 2 phần, phần lễ và phần hội, trong đó phần lễ gồm nghi lễ cúng, phần hội gồm 3 cuộc thi, thi giã gạo, thi nấu cơm lam và cõng nước, đây là các hoạt động gắn liền với truyền thống văn hóa của Người S’tiêng. Lễ hội Mừng lúa mới với ý nghĩa tạ ơn thần lúa đã mang đến mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cầu mong sự sinh sôi nảy nở cho muôn vật, bình an cho gia đình và cả cộng đồng trong năm mới. Lễ hội này cũng là tết của đồng bào S’tiêng.
Chương trình phục dựng Lễ hội Mừng lúa mới của người S’tiêng tỉnh Bình Phước, tại Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, việc phục dựng lễ hội mừng lúa mới có ý nghĩa quan trọng, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33 – NQ/TW, Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước..
Đồng hành với nghi lễ mừng lúa mới là âm nhạc, múa hát. Khi tiếng cồng vang lên, những người phụ nữ sẽ bước ra giữa tự động tham gia vào nhóm múa đúng với câu nói của người S’tiêng: có lễ hội là có đánh cồng, là có múa, là có hát…
Hằng năm, khi vụ mùa thu hoạch xong, lúa đã về kho, đồng bào S’tiêng lại nô nức mở hội mừng thần lúa. Nhà nào thu hoạch xong, lúa nhiều, đồng bào sẽ cúng mừng lúa mới ngay trước sân nhà và mời bà con trong ấp, sóc đến chung vui. Đến nhà khác cúng mừng lúa mới, họ lại mời ngược lại. Vào ngày này, bà con trong ấp, sóc đều có mặt, mỗi người một tay hỗ trợ gia chủ chuẩn bị các lễ vật, thức ăn, đồ uống để thết đãi khách cho ngày hôm sau, tạo nên không khí vui vẻ, đoàn kết.
Lễ hội mừng lúa mới ngoài tỏ lòng biết ơn đối với trời đất đã cho mùa màng bội thu, cầu mong sự sinh sôi nảy nở cho muôn vật, sự bình an cho gia đình và cả cộng đồng, còn là dịp đồng bào tổ chức ăn tết của dân tộc mình.
Khi các lễ vật như thịt gà luộc, đầu heo, tố rượu cần, cơm lam, thúng lúa mới, cây nêu… được bố trí hoàn thành xong, người chủ lễ tiến hành các nghi thức khấn gọi mẹ lúa về nghỉ ngơi. Sau đó mời gọi các vị thần linh (yàng): sông, suối, trời, đất… về để cảm ơn và thết đãi lễ vật, chủ lễ cầu khấn cho gia đình, cộng đồng có cuộc sống yên bình, no đủ. Sau các nghi thức của lễ cúng trong nền nhạc cồng 5 chiếc, cùng tiết tấu trống lớn và chũm chọe nhịp nhàng, rộn ràng, sôi động; lúc này, trong trang phục truyền thống những người phụ nữ bắt đầu múa hòa nhịp cùng tiếng cồng tạ ơn thần lúa, hình thành một vòng tròn múa quanh nơi đặt lễ cúng. Chủ nhà mời bà con, khách đến dự lễ cùng uống rượu, ăn thịt nướng, múa, hát.
Cao trào của lễ cúng mừng lúa mới là khi những động tác múa kết hợp với dâng lễ vật của chủ lễ, miệng hát những câu khấn nguyện… kết hợp nhóm múa với đội hình vòng tròn bên ngoài. Những động tác múa khó như: vừa nhảy vừa cúi người thấp xuống dùng miệng lấy những nhánh lá, tiền giấy đặt dưới đất, ly rượu, quỳ ngồi, tay làm động tác qua phải, qua trái hoặc tham gia làm những động tác cùng nhóm múa…
Những bài cồng hay đã thúc giục người tham gia hòa mình vào vũ điệu độc đáo của dân tộc S’tiêng, tất cả đã làm nên một lễ hội đông vui và thắm tình đoàn kết. Với người S’tiêng dù ở các lễ mừng nào đi nữa đều có sự cố kết cộng đồng, là cách để cộng đồng cùng thực hành nghi lễ, cùng cộng hưởng niềm vui được mùa, an bình, hạnh phúc.
Kết thúc lễ hội Mừng lúa mới – tết của người S’tiêng, mọi người cùng thưởng thức vị dẻo thơm của cơm lam, vị ngọt của thịt heo nướng trui – món quà mà thần lúa đã ban tặng cho cộng đồng khi mùa xuân mới đang về.
Nguyễn Khánh/VHVN