Sáng 25/4, 150 hiện vật ẩn chứa những nét đẹp văn hóa, câu chuyện lịch sử, đồng thời thể hiện nét tài hoa, tư duy thẩm mỹ tinh tế của các nghệ nhân xưa được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử TP.HCM, qua triển lãm chuyên đề “Sắc mộc – Nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn”.
Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), 137 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 – 1/5/2023) và hướng đến ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5.
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày Sắc mộc – Nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn.
Tại triển lãm, các hiện vật được sắp xếp thành các câu chuyện gắn với 4 chủ đề: Nghệ thuật điêu khắc tượng thờ trong ngôi chùa cổ Nam Bộ với các pho tượng: Thích Ca sơ sinh, Giám Trai, Già Lam, Tiêu Diện Đại Sĩ… có tạo hình mang đậm chất dân gian miền Nam; Không gian thờ cúng trong ngôi nhà cổ dân gian truyền thống với các hiện vật: Bản thờ, các bộ bao lam được chạm trổ những đề tài phản ánh cảnh sắc trong tự nhiên (sóc giác, hoa điểu…) cùng hệ thống hoành phi, liễn đối chữ Hán có nội dung khuyên răn con cháu ghi nhớ công lao tổ tiên; Không gian tiếp khách trong ngôi nhà cổ dân gian truyền thống với điểm nhấn là chiếc trấn phong cùng bộ bàn ghế bành tượng, được khảm xà cừ ngũ sắc và cẩn đá màu tạo thành nét đẹp rất đặc trưng; Các hiện vật gắn với triết lý, châm ngôn về giáo dục, bồi dưỡng người hiền được thể hiện qua đề tài trang trí trên các hiện vật như trường kỷ, hoành phi, liễn đối, tranh thư pháp, án thư… trong không gian thư phòng hay phòng khách với mục đích cổ vũ tinh thần khuyến học cho con cháu.
Bên cạnh đó, chuyên đề còn có các nhóm hiện vật gỗ đặc sắc như: mộc bản; hiện vật dùng trong thờ cúng (khám thờ, đài thờ, hộp đựng sắc phong, chân chò); hiện vật dùng trong trang trí (bức gỗ chạm bài thơ, tượng linh vật, phù điêu); đồ dùng trong sinh hoạt (giỏ, gối, bình điếu, thước Lỗ Ban) và các loại khay, hộp thể hiện kỹ thuật chế tác đa đạng, tạo nên nét riêng cho nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn.
Một số tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng lịch sử TP.HCM.
Điêu khắc gỗ là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời của người Việt. Đặc biệt, vào thời Nguyễn, do nhu cầu trong việc xây dựng kiến trúc cung điện, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và bài trí trong cung đình, đồ gia dụng gia tăng… nên đã tạo điều kiện cho nghề điêu khắc gỗ phát triển mạnh. Mỹ thuật ứng dụng trên đồ gỗ không chỉ được tạo tác bởi những nghệ nhân cung đình mà còn có sự tham gia đông đảo của các nghệ nhân dân gian.
Đến thế kỷ 17, các chúa Nguyễn vào Nam mở cõi, nghề khảm cũng theo vào và phát triển rực rỡ. Giai đoạn này loại hình gỗ khảm ốc xà cừ chủ yếu là đồ thờ như hoành phi, câu đối, bình phong và đồ dùng sinh hoạt như bàn ghế, tủ, đặc biệt là các loại khay hộp. Đề tài trang trí mang ý nghĩa cát tường: Tứ linh, tứ quý, tích truyện kèm thơ minh họa.
Các sản phẩm điêu khắc gỗ được sử dụng trong mọi mặt đời sống, đặc biệt ở lĩnh vực thờ cúng. Hiện vật gỗ rất đa dạng về loại hình như chân đèn, khám thờ, đài thờ, hộp gỗ đựng sắc phong.
Giỏ xách cẩn ốc “Mai cài Thọ”, thế kỷ 19.
Mộc bản có từ thế kỷ 19.
Tượng lân gỗ chạm sơnthếp vàng, thế kỷ 19
Khay gỗ chạm chữ Thọ,đầu thế kỷ 20
Hộp đựng sắc phong, gỗ chạm sơn thếp vàng“Lưỡng long chầu nhật”, thế kỷ 19
Theo TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM: Dưới thời Nguyễn, trước nhu cầu tăng nhanh về xây dựng cung điện, lăng tẩm, đền chùa, công thự, nhà cửa… nên nghề mộc, điêu khắc gỗ có điều kiện chấn hưng và phát triển mạnh. Nghệ thuật chạm khắc gỗ trên trang trí kiến trúc, trên đồ dùng thờ tự, tượng thờ Phật giáo, đồ gia dụng đã lưu lại những dấu ấn đặc sắc, đóng góp giá trị không nhỏ vào việc nâng tầm thẩm mỹ cho các sản phẩm gỗ chạm. Các phong cách nghệ thuật cung đình, dân gian, Đông – Tây hòa quyện được chọn lọc một cách tinh tế dưới cặp mắt thẩm mỹ của nghệ nhân cung đình và thợ chạm dân gian, tạo nên những sản phẩm điêu khắc gỗ tinh túy nhất thời Nguyễn.
Chuyên đề “Sắc mộc – Nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn” sẽ diễn ra từ nay đến ngày đến ngày 30/6/2023 tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/net-dep-nghe-thuat-dieu-khac-thoi-nguyen-qua-trien-lam-sac-moc-post245176.html#p-4