Ngày 24/4, UBND huyện Quốc Oai đã long trọng tổ chức Lễ khai hội Chùa Thầy năm 2023 với sự tham dự của lãnh đạo, người dân, cùng hàng ngàn Phật tử trong cả nước.
Lễ Khai hội Chùa Thầy là niềm mong ước của đông đảo nhân dân, phật tử và du khách thập phương, vì 2 năm qua Lễ hội Chùa Thầy không tổ chức do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19. Chính vì vậy, mà năm nay lượng du khách đổ về chùa Thầy trẩy hội rất đông.
Từ xa xưa, chùa Thầy đã rất nổi tiếng bởi được nhiều người biết đến là một địa danh nổi tiếng của mảnh đất xứ Đoài. Hàng năm, có hàng vạn du khách từ khắp nơi trong cả nước về tham quan vãn cảnh. Từ khi Chùa Thầy và Khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014, và một năm sau đó, ba pho tượng Di Đà Tam Tôn tại Chùa Thầy được công nhận là Bảo vật quốc gia, lượng du khách du lịch đến với Chùa Thầy ngày một đông hơn.
Lễ hội chùa Thầy kéo dài đến hết mùng 7 tháng Ba Âm lịch hàng năm. Ảnh: BTC
Vào năm 2023, hầu hết du khách trong và ngoài địa phương đến với Hội Chùa Thầy đều có cảm nhận thấy sự thay đổi tích cực trong công tác Quản lý mùa Lễ hội Chùa Thầy.
Tại lễ khai mạc lễ hội, đồng chí Hoàng Nguyên Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội cho biết: “Chùa Thầy từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi chùa linh thiêng; một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của khu vực xứ Đoài. Trải qua hàng ngàn năm với bao thăng trầm của lịch sử, các hạng mục của di tích chùa Thầy vẫn tồn tại uy nghiêm và cổ kính, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp xen lẫn các công trình đền chùa, các hang động để tạo thành một tổ hợp kiến trúc không thể tách rời, độc đáo về kiến trúc, phong phú về loại hình. Cảnh quan quần thể khu di tích Chùa Thầy còn hoà quyện với nhiều huyền thoại phật giáo gắn với thiền sư Từ Đạo Hạnh với tín ngưỡng dân gian càng làm cho kiến trúc Chùa Thầy trở lên linh thiêng, huyền bí”.
Lễ hội Chùa Thầy từ lâu được biết đến là một lễ hội dân gian tiêu biểu của xứ Đoài gắn liền với Chùa Thầy – Di tích quốc gia đặc biệt, diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng Ba âm lịch. Lễ hội nhằm tưởng nhớ đến thiền sư Từ Đạo Hạnh, một vị thiền sư dưới thời nhà Lý, cũng chính là người mở đầu cho tín ngưỡng thờ Thánh Tổ – một tín ngưỡng có sức ảnh hưởng lớn đối với người Việt thời Lý – Trần, ông tổ của nghề múa rối nước truyền thống của dân tộc.
Lễ hội Chùa Thầy bao gồm hai phần: Nghi lễ và các diễn xướng dân gian. Các nghi lễ chính hiện còn lưu giữ là: Nghi lễ mộc dục, Lễ phục nghinh bài vị – Lễ cúng yên vị; Lễ tế và Lễ rước.
Để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của Chùa Thầy, với mục tiêu trở thành mùa lễ hội, nơi du khách sẽ được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc nhất của quê hương Quốc Oai, Lễ hội Chùa Thầy năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 22 đến ngày 26/4 (tức ngày mùng 3 đến ngày 07/3 Quý Mão) tại quần thể khu Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy.
Bên cạnh phần Lễ với những nghi thức truyền thống được thực hành đầy đủ, còn có những không gian tái hiện đời sống sinh hoạt, sản xuất, cùng các trò chơi dân gian gắn bó với người dân bản địa, như: Cờ tướng, cờ người, đánh đu, bịt mắt đập niêu, kéo co…
Tiết mục biểu diễn trống tại lễ khai hội chùa Thầy 2023.
Đặc biệt, tại khu vực Thủy đình vào các khung giờ cố định sẽ diễn ra các chương trình múa rối nước. Trong khuôn khổ lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc biệt là di sản Hát Dô vừa được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phục vụ nhân dân tham quan, trải nghiệm.
Và nhiều các hoạt động vui chơi giải trí khác như: Múa lân, múa sạp, trình diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ, dân ca dân vũ và biểu diễn cá heo cũng sẽ được trong không gian Khu du lịch sinh thái Tuần Châu Hà Nội.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức Lễ hội Chùa Thầy cũng đặc biệt chú trọng đến việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh du lịch di sản thân thiện, mến khách đến với đông đảo khách thập phương. Tại đây, wifi được phát miễn phí trên diện rộng. Ban tổ chức cũng bố trí hệ thống quét mã QR phục vụ du khách có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử Chùa Thầy, hệ thống di tích, điểm tham quan, đặc sản, quà tặng.
Ngoài ra, giá vé và các loại dịch vụ được niêm yết công khai. Lực lượng an ninh trật tự thường xuyên túc trực, nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như ứng xử văn minh trong không gian di sản.
Một số hình ảnh về hoạt động rước kiệu tại lễ hội chùa Thầy ngày 24/4
Theo ghi nhận, tại lễ hội còn biểu diễn các tiết mục múa rối nước, không chỉ đơn thuần là điều khiển con rối trên mặt nước, loại hình này là sự kết hợp ca, múa, nhạc, tích, diễn, hề để tạo thành tiết mục sống động, chân thực và rất giàu cảm xúc.
Lễ hội chùa Thầy với phần lễ gồm chương trình khai hội, lễ Mộc Dục, lễ phục nghinh bài vị, lễ cúng yên vị, lễ tế và lễ rước của các thôn.
Tại lễ hội có nghi lễ Mộc Dục (lễ tắm tượng), để được chọn tham gia vào nghi lễ này thì các bô lão phải là người có đạo đức tốt, được tín nhiệm và người dân trong làng kính trọng, gia đình hạnh phúc, tuy lớn tuổi nhưng đầu óc phải minh mẫn.
Tượng được tiến hành lau rửa cẩn thận bằng nước thơm và thay áo mới. Mọi hoạt động điều được diễn ra trong sự trang nghiêm và kính cẩn.
Tiếp theo của phần lễ là lễ rước bài vị Đức Thánh Từ Đạo từ tòa điện Thánh xuống tòa chùa Trung để đức Thánh có thể chứng kiến những nghi lễ diễn ra trong 3 ngày hội.
Có rất đông người dân, du khách tham gia lễ rước bài vị Đức Thánh Từ Đạo.
Các phụ lão rước cờ tại lễ hội Chùa Thầy
Lễ hội Chùa Thầy năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 22 đến ngày 26/4 (tức ngày mùng 3 đến ngày 07/3 Quý Mão) tại quần thể khu Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thầy.
Vào chính hội, hay còn được gọi là đại tế. Ngày này 4 thôn trong làng ra yết kiến chùa Thầy, đi đầu đám rước là các vải cầm phướn, cụ công đi hộ lệ và sau cùng là cờ ngũ phương, chấp kích, chiêng, trống.
Những chiếc kiệu đầy ấp các vật lễ của các thôn dâng lên Đức Thánh Từ Đạo. Kiệu của 4 làng sẽ tụ họp đông đủ trước sân chùa và dâng lễ vật lên Đức Thánh Từ Đạo để làm lễ cúng bắt đầu từ chùa Thầy ra gò Thiêng.
Sau đó, các lễ vật được bê vào bỏ trên bàn thờ của Đức Thánh Từ Đạo.
Tin và ảnh: Trung Nguyễn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/hang-ngan-du-khach-ve-khai-hoi-chua-thay-post245099.html#p-10