Cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 20km, làng Vũ Lăng, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai từ lâu đã nức tiếng gần xa bởi nghề sơn tạc tượng. Theo lời kể, nghề sơn tạc tượng ở đây đã được hơn 400 năm với biết bao thế hệ nối tiếp nhau giữ nghề, thổi hồn vào những pho tượng gỗ.
Nghề “cha truyền – con nối”
Tách biệt với con đường lớn, những ngõ nhỏ ở làng Vũ Lăng chưa ngày nào thôi tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục, tiếng đẽo. Người từ xa đến không cần để ý biển hiệu, chỉ cần thấy gỗ lớn nhỏ xếp dọc đường làng, tiếng đục đẽo, mùi sơn, mùi mùn cưa ngai ngái xộc vào mọi giác quan là biết đến Vũ Lăng rồi.
Thôn Vũ Lăng được biết tới như một làng nghề lâu đời, điểm du lịch trải nghiệm ý nghĩa.
Ông Nguyễn Công Tưởng, trưởng thôn Vũ Lăng cho biết theo cuốn ngọc phả của làng, những pho tượng 300 – 400 tuổi của chùa làng chính do bàn tay tài hoa của những người thợ ở đây tạo ra. Nghề sơn, tạc tượng gỗ được sử sách ghi lại đã xuất hiện từ thế kỷ XVI, trở thành đặc trưng, nét đẹp chỉ có tại làng này.
Theo nghề từ năm 16 tuổi đến nay đã ngót nghét 30 năm, ông Nhâm Văn Chỉnh có một xưởng mộc 15 nhân công, tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng. Ông kể lại: “Nhà tôi đã làm nghề này từ lâu. Đến tôi đã là thế hệ thứ 4 của gia đình theo nghề mộc, làm tượng”.
Không chỉ riêng gia đình ông Chỉnh, tính đến nay ở Vũ Lăng có hơn 100 gia đình có 3 – 4 thế hệ làm nghề. Được lưu giữ theo hình thức cha truyền con nối, những chàng trai trẻ tại đây lớn lên trong tiếng đục đẽo, được cha dạy cách “cảm”, cách “tư duy” và thừa hưởng tay nghề chạm khắc theo cách nói của ông Chỉnh.
Chị Nguyễn Thị Minh – cán bộ Văn hóa xã Dân Hòa cho biết: “Làng Vũ Lăng có hơn 80% người theo nghề sơn tạc tượng, khoảng xấp xỉ 1.600 người dân trong độ tuổi lao động trong làng theo nghề. Nhờ tay nghề giỏi cũng như có tiếng tăm khắp gần xa, tượng của làng không chỉ cung cấp cho các tỉnh lân cận mà còn nhận đơn đặt hàng từ khắp các nơi trong nước, thậm chí còn xuất khẩu ra nước ngoài. Bởi vậy mà các hộ gia đình tại Vũ Lăng có cuộc sống khá sung túc. Các gia đình vẫn hướng con theo nghề, số lượng các bạn trẻ 9X theo nghề cũng khá nhiều”.
Những người thợ mộc tài hoa được kế thừa nghề nghiệp từ đời cha ông.
“Thổi hồn” vào gỗ
Khác với chạm khắc các đồ dùng từ gỗ thông thường, nghề sơn tạc tượng tại Vũ Lăng phải “thổi hồn” vào từng công đoạn, tạo nên những bức tượng uy nghi, sống động như thật. Sản phẩm tượng của làng Vũ Lăng chủ yếu cung cấp cho các đền, chùa, nơi thờ cúng nên sản phẩm khá đa dạng như: tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật bà Quan Âm, Phật Di Lặc, tượng La Hán… Trải qua nhiều công đoạn tỉ mẩn, tất cả các bức tượng đều mang đường nét tinh vi, toát lên vẻ thần thái, uy nghi mà mềm mại, sống động, thể hiện sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân làng mộc Vũ Lăng.
Để làm một bức tượng đẹp, bền thì khâu chọn gỗ là quan trọng nhất. Loại gỗ được chọn để tạc tượng thường là 3 loại: mít, dổi, vàng tâm, tùy thuộc theo sự yêu cầu của khách hàng. Gỗ chọn để tạc tượng và các loại đồ thờ cúng phải là gỗ mềm, không bị mối mọt, nứt nẻ. Chọn gỗ cũng phải có con mắt tinh vi, có kinh nghiệm dày dặn mới chọn được loại gỗ tinh khiết, gỗ tốt để cung kính tạo nên những bức tượng mang giá trị cao.
Anh Nhâm Văn Giáp đang tỉ mỉ đục khắc những chi tiết hoa văn trên tượng.
Gỗ được xếp dọc con đường làng.
Công việc này yêu cầu tư duy tốt và có bàn tay tài hoa.
Bộ dụng cụ chạm khắc, đẽo, gọt đa dạng kích thước.
Những bức tượng có hình thù đa dạng và kích cỡ phong phú.
Nhiều loại máy móc được người thợ sử dụng để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Sau khâu chọn gỗ, người thợ lành nghề sẽ tiếp tục xẻ gỗ, ghép gỗ, đục phá, đục gọt, chỉnh sửa, quét đất sét, sơn lót, đánh bóng, sơn tượng… Mỗi một công đoạn đều yêu cầu sự tập trung cao, sự tỉ mẩn và cái “tâm” của người làm nghề. Những khúc gỗ thô sơ được người thợ đem về xẻ gọt, đục đẽo để tạo ra những hình thù độc đáo, mang đường nét tinh vi, từ khóe mắt, nét môi, vầng trán… hiện ra rõ nét, sinh động như khuôn mặt con người.
Chăm chú chạm khắc từng chi tiết nhỏ, anh Nhâm Văn Giáp, một người thợ tạc tượng của làng cho biết, khi làm việc mọi người phải luôn tập trung cao độ, bởi “sai một li, đi một dặm”.
Người thợ mộc tâm sự: “Làm nghề tạc tượng gỗ cái quan trọng nhất là tư duy. Tài năng, sự khéo tay cũng chỉ là một phần thôi, người thợ giỏi phải là người có tư duy điêu khắc tốt, có trí tưởng tượng hoàn hảo, đồng thời cũng phải luôn cầu tiến, học hỏi, tham khảo không ngừng, từ cách quan sát ở trong sách vở, ngắm nghía các pho tượng ở đình chùa cổ xưa hay thậm chí là học hỏi từ những người thợ khác. Điêu khắc một pho tượng cỡ vừa, trung bình cũng phải mất một tháng, nên mỗi tác phẩm đều là tâm huyết của chúng tôi”.
Người thợ dùng bút vẽ sơ qua để tiến hành cắt, gọt thân tượng.
Không chỉ cầu kỳ ở khâu chạm khắc, tạo hình, công đoạn được những người nghệ nhân ở làng Võ Lăng đánh giá là khó nhất lại là công đoạn sơn tượng. Nghệ nhân Đào Trọng Điểm, thợ mộc làng Vũ Lăng tâm sự với phóng viên: “Khi tạc hình thù tượng xong thì phải hom, tức là tạo các nét nhẵn, mài đi mài lại để bụi bay, để bức tượng bóng nhẵn đi rồi sau đó mới sơn. Công đoạn sơn phải mất 9 nước sơn mới hoàn thành, cẩn thận thì 10 nước sơn, đợi lớp sơn này khô ta mới sơn thêm được bước khác. Xong rồi dùng sơn cầm để dán bạc vào hoặc dán vàng vào”.
Các công đoạn này người ta gọi đó là “sơn son thếp bạc”, “phủ hoàn kim”. Một bức tượng tùy theo kích cỡ mà công đoạn sơn có thể mất từ một cho tới vài tháng. Một bức tượng tinh xảo được hoàn thành, sẽ được giao đi các đền, chùa khắp mọi nơi, in đậm dấu ấn tay nghề và cái “hồn” từ bàn tay người thợ làng Vũ Lăng.
Từ những chi tiết nhỏ cũng phải được sơn cẩn thận, tinh tế.
Bài toán giữ nghề an toàn, bền vững với môi trường
Trải qua hàng trăm năm, nghề tạc tượng tại Vũ Lăng có lúc thăng trầm nhưng những năm gần đây nghề được khôi phục, giúp người dân nơi đây có cuộc sống ổn định, giải quyết nhiều việc làm cho bà con trong vùng. Với đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, các thế hệ sau này ở Vũ Lăng rất tích cực đổi mới, sử dụng máy móc và công nghệ giúp rút ngắn công đoạn sản xuất để tạo ra những sản phẩm ngày càng tinh xảo và bền đẹp hơn.
Có nhiều tín hiệu vui là thế, nhưng ở Vũ Lăng còn tồn tại không ít bất cập khi các cơ sở làm tượng phật đều ở trong khu dân cư. Theo tìm hiểu, làng Vũ Lăng có diện tích không lớn nhưng có khoảng 450 hộ làm nghề mộc. Người dân có các xưởng mộc tại gia, vừa sinh hoạt vừa làm nghề, bụi từ mùn cưa, bụi sơn tác động trực tiếp đến môi trường sinh hoạt và sức khỏe của họ.
Người dân sơn ngoài đường gây ô nhiễm môi trường.
“Nghề sơn, tạc tượng liên quan trực tiếp đến sơn. Sơn là một loại hóa chất tương đối độc hại. Thường thì nhiều nhà vừa ở vừa làm trong cùng một khuôn viên, chính vì thế ảnh hưởng rất nhiều. Thậm chí, đôi khi khuôn viên sản xuất nhỏ, người ta còn phải bê ra cả ngoài đường làm. Phun sơn thường người ta dùng những máy phun PU, những máy phun phát tán ra không khí rất nhiều, ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường”, chị Nguyễn Thị Minh cho biết.
Không gian nhỏ hẹp vừa sinh sống vừa làm xưởng chế tác tượng gây nguy hại tới sức khỏe.
Chính vì thế, người dân nơi đây mong muốn sớm có khu công nghiệp làng nghề để đưa sản xuất ra xa khu dân cư nhằm giảm ô nhiễm môi trường cũng như có cơ hội mở rộng sản xuất. Đồng thời, những nghệ nhân nơi đây mong muốn liên kết các doanh nghiệp, hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh cùng nhau làm ăn hiệu quả, phát triển bền vững cũng như tạo điều kiện để các hộ sản xuất, xưởng mộc trong làng tạo được thương hiệu riêng.
Minh Anh
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/doc-dao-ngoi-lang-400-nam-giu-gin-nghe-thoi-hon-vao-nhung-pho-tuong-go-post244300.html#p-5