Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Trung ương, Chính phủ luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn, đưa ra các giải pháp thúc đẩy TP HCM phát triển nhanh, bền vững, tự tin vững bước đi lên.
Ngày 16-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc kéo dài trong 5 giờ của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế – xã hội thành phố. Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng GRDP của TP HCM trong quý I/2023 ước chỉ đạt 0,7%.
Quyết tâm đạt kết quả cao nhất
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu rõ nhiều yếu tố khiến tăng trưởng kinh tế của thành phố trong quý I/2023 giảm sâu. Cụ thể, những động lực phát triển của thành phố vốn đã suy giảm trong nhiều năm qua lại bị thách thức, bào mòn rất lớn sau đại dịch COVID-19. Những vướng mắc cũ, những phát sinh trong đại dịch gần đây chưa được giải quyết cơ bản, triệt để trong khi những động lực mới, không gian phát triển mới chưa được xây dựng và phát huy. Bên cạnh đó, có tình trạng lo ngại trong thực hiện công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thay mặt thành phố kiến nghị nhiều nội dung quan trọng Ảnh: TTXVN
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, trong quý II/2023, thành phố sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khó lường, đặc biệt là thị trường bất động sản, tài chính, lao động tiếp tục gặp khó khăn. Trong bối cảnh này, lãnh đạo TP HCM nhìn nhận khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% – 8% trong năm 2023 là khó khả thi. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, TP HCM chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng mà tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt từ 7,5%.
Để đạt kết quả cao nhất, thành phố sẽ tập trung thực hiện hàng loạt giải pháp; chủ động nắm bắt tình hình; nâng cao khả năng dự báo; xây dựng giải pháp quản lý, điều hành kịp thời, không để bị động. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy lành mạnh hóa thị trường bất động sản, phát triển văn hóa gắn với đẩy mạnh du lịch.
Khơi thông tư tưởng cho cán bộ
Một trong những nội dung được các bộ, ngành tập trung phân tích là tình trạng cán bộ có tâm lý e ngại, sợ sai, dẫn đến chậm tiến độ công việc.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng trong năm 2022, TP HCM có 584 văn bản hỏi và bộ đã có 604 trả lời trong khi đây hầu hết là vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố. Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng nếu TP HCM không giải quyết ngay tình trạng sợ trách nhiệm, chờ đợi hướng dẫn và khôi phục niềm tin thị trường, tâm lý xã hội thì sẽ khó đột phá trong quý tới.
“Lần đầu trong văn bản chính thức của TP HCM xác nhận có tình trạng lo ngại trong thực hiện công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức là có thật” – Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, nói. Theo Thứ trưởng Bộ Công an, không chỉ có tâm lý “lo ngại” mà một bộ phận cán bộ của TP HCM cũng như cả nước hiện nay còn co cụm, cầu an, thận trọng quá mức trong xử lý công việc, chờ đợi lấy ý kiến rất nhiều sở, ban, ngành rồi dẫn đến “đẽo cày giữa đường”. Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh không thể đổ lỗi cho việc xử lý mạnh tay các vụ việc, vụ án tham nhũng vừa qua dẫn đến tình trạng này và khẳng định “không có việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự”.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhận xét vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay tại TP HCM là giải phóng tư tưởng cho cán bộ, lãnh đạo, khắc phục tư tưởng sợ, không dám làm. Không chỉ cần có chủ trương mà còn cần cơ chế, quy định tạo môi trường an toàn cho cán bộ, để không còn tư tưởng “3 không”: “Không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng”.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cũng bày tỏ nhiều trăn trở về câu chuyện cán bộ của thành phố, mà theo ông “thật sự rất đáng lo ngại, quá tải, thậm chí một số nơi không đáp ứng yêu cầu”. “Chúng ta phải thẳng thắn, có nhiều cán bộ tốt nhưng cũng có bộ phận yếu kém, e dè, thiếu tính chiến đấu, thiếu trách nhiệm, cầu an và phải kiểm tra, xử lý” – Bí thư Nguyễn Văn Nên thừa nhận và cho biết TP HCM đã xử lý, điều chỉnh, cho nghỉ, thậm chí kỷ luật nhiều cán bộ.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên thay mặt thành phố kiến nghị nhiều nội dung quan trọng Ảnh: TTXVN
Đề cập vấn đề dám nghĩ, dám làm của cán bộ, Bí thư Thành ủy TP HCM cho hay thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm khuyến khích, động viên cán bộ song cơ chế bảo vệ thì phải chờ Quốc hội, Chính phủ. Bí thư Nguyễn Văn Nên kiến nghị Thủ tướng sớm chỉ đạo hoàn chỉnh nghị định hướng dẫn thực hiện Kết luận 14/2021 để cán bộ yên tâm làm việc, hành động quyết liệt vì lợi ích chung và được bảo vệ nếu có rủi ro. “TP HCM đang vận động anh em làm với tinh thần cái nào của mình thì cứ làm, không đề xuất, kiến nghị nữa” – Bí thư Thành ủy TP HCM khẳng định.
Liên quan vấn đề cán bộ, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM sẽ có chỉ thị về nội dung này.
Tạo động lực, truyền cảm hứng
Định hướng nhiều vấn đề cho TP HCM, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ rõ 3 yếu tố để tháo gỡ được vấn đề tâm lý e ngại của cán bộ. Thứ nhất là tạo môi trường, cơ chế để làm việc quyết liệt hơn; xử lý công việc phải đúng thẩm quyền, không lòng vòng, không xin ý kiến, trình lên trình xuống. Thứ hai là trình tự thủ tục cần phân rõ việc nào làm trước, việc nào làm sau. Cuối cùng là cơ chế, chính sách cần hướng tới tháo gỡ những khó khăn chưa có trong luật.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ chia sẻ với tình hình tăng trưởng của TP HCM và lưu ý lãnh đạo thành phố cần hết sức bình tĩnh. Chính phủ sẽ đồng hành với TP HCM để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tập trung hoàn thiện và trình nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội đúng tiến độ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP HCM trong hơn 35 năm đổi mới; trong phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế – xã hội sau đại dịch.
Nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt của TP HCM, Thủ tướng khẳng định cả nước, Trung ương, Chính phủ luôn đồng hành với thành phố trên tinh thần trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ sẽ thường xuyên tổ chức các cuộc làm việc với TP HCM để cùng trao đổi, tháo gỡ khó khăn và đưa ra giải pháp thúc đẩy TP HCM phát triển nhanh, bền vững, tự tin vững bước đi lên.
Thủ tướng yêu cầu TP HCM vượt qua thách thức, tạo động lực, truyền cảm hứng cho DN và người dân; tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân; thúc đẩy sản xuất – kinh doanh; gỡ khó cho thị trường trái phiếu, bất động sản; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng… Thành phố cần tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.
Thủ tướng nhắc nhở TP HCM bám sát tình hình, trên tinh thần bình tĩnh, chắc chắn, không cầu toàn, không nóng vội, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để xử lý, giải quyết cả 3 nhóm công việc gồm công việc thường xuyên, công việc tồn đọng và công việc phát sinh.
TP HCM cần tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc; động viên, khuyến khích người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung. Thành phố cũng cần xử lý dứt điểm những tồn đọng liên quan đến cán bộ; khen thưởng, kỷ luật kịp thời.
Đáng chú ý, Thủ tướng cũng yêu cầu TP HCM thành lập ngay Tổ công tác do Chủ tịch UBND TP HCM làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Đẩy mạnh gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị triển khai, đẩy mạnh thực hiện gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước thẩm định, Bộ Xây dựng đưa ra tiêu chuẩn, tiêu chí; địa phương cùng vào cuộc, giải quyết theo thẩm quyền.
Về các vụ việc sai phạm tại trung tâm đăng kiểm xe cơ giới nổi lên ở TP HCM cùng nhiều địa phương khác thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ, Thường trực Chính phủ chủ trì giải quyết.
TP HCM kiến nghị 30 nội dung quan trọng
Tại buổi làm việc, TP HCM đã kiến nghị 30 nội dung thuộc 3 nhóm vấn đề để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thành phố.
Ở nhóm 1, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã kiến nghị Thủ tướng xem xét thành lập Tổ công tác của Chính phủ cùng TP HCM nghiên cứu việc tái cơ cấu nền kinh tế, xác định động lực, cơ chế đột phá để TP HCM phát triển nhằm thực hiện đúng vai trò theo Nghị quyết 24/2022, Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị. Đây là nhiệm vụ dài hạn nhưng rất quan trọng với sự phát triển của TP HCM.
TP HCM cũng kiến nghị Thủ tướng thống nhất các nội dung của dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 để trình Quốc hội; chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong tháng 4-2023 chủ trì, xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn để triển khai ngay sau khi nghị quyết mới có hiệu lực thi hành.
7 dự án giao thông liên vùng đang gặp khó khăn cũng được TP HCM đề xuất Chính phủ, Thủ tướng tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ, gồm: dự án cao tốc TP HCM – Mộc Bài, dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, đường Vành đai 3 TP HCM, đường Vành đai 4 TP HCM… Bên cạnh đó là kiến nghị Chính phủ quan tâm bố trí vốn đầu tư trang thiết bị cho 3 bệnh viện cửa ngõ của thành phố.
Ở nhóm 2, TP HCM kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số dự án bất động sản thuộc các nhóm. Cụ thể: nhóm dự án đầu tư nhà ở xã hội có 6 nội dung kiến nghị; nhóm dự án xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ có 5 nội dung và nhóm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có 19 nội dung. Với lĩnh vực đất đai, có 7 nội dung kiến nghị, chủ yếu xoay quanh vấn đề về phương án sử dụng đất của DN Nhà nước đã cổ phần hóa và pháp lý về quyền sử dụng của khu đất thực hiện dự án.
Ở nhóm 3, nổi bật nhất là kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu, trình Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM.