Hơn 350 nghệ nhân, bàn tay vàng đến từ 69 làng nghề, cơ sở nghề nổi tiếng trong nước sẽ biểu diễn tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023 (diễn ra từ 28.4 đến 5.5).
Ngày 14.4, UBND TP.Huế đã tổ chức họp báo về việc tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2023 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”. Đây là lễ hội được tổ chức định kỳ 2 năm/lần vào các năm lẻ, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên kỳ tổ chức của năm 2021 phải tạm dừng.
Festival Nghề truyền thống Huế hội tụ trí tuệ và tài năng cùng những sản phẩm độc đáo của các nghệ nhân đến từ các làng nghề trong tỉnh Thừa Thiên Huế và cả nước; đặc biệt còn có sự tham gia của nhiều nghệ nhân đến từ các thành phố quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị, kết nghĩa với Huế.
Diễn ra từ 28.4 đến 5.5, Festival Nghề truyền thống Huế gồm nhiều chương trình chính: Lễ khai mạc; Không gian trưng bày, thao diễn và giới thiệu các sản phẩm nghề và làng nghề; Lễ Tế tổ bách nghệ và lễ rước tôn vinh nghề; Lễ hội ẩm thực; Lễ bế mạc… Cùng một số chương trình nghệ thuật đặc sắc lần đầu được tổ chức như: chương trình “Tri ân dòng Hương”, lễ hội quảng diễn đường phố, chương trình giao lưu văn hóa- nghệ thuật giữa Huế và các thành phố hợp tác, kết nghĩa trong nước và quốc tế, đêm nghệ thuật “Giai điệu trẻ”…
Lễ khai mạc diễn ra tối 28.4 tại sân khấu mở trước Bia Quốc Học. Chương trình được thiết kế, dàn dựng theo một câu chuyện xuyên suốt, có chủ đề “Bàn tay người thợ”. Thủ pháp cơ bản sẽ là âm nhạc và vũ đạo được sáng tạo mới dựa trên âm hưởng chủ đạo của âm nhạc Huế, nhưng trên tiết tấu hiện đại và mới mẻ. Chỉ đạo nghệ thuật là NSƯT Trần Ly Ly, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) và biên đạo Quỳnh Dương; nhạc sĩ Minh Trí đảm nhiệm phần âm nhạc. Đêm khai mạc sẽ có sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: ban nhạc Bức Tường, các ca sĩ Đông Hùng, Bảo Trâm, Sơn Thạch, nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân, trình diễn áo dài của nhà thiết kế Đặng Viết Bảo, và ngôi sao khách mời Bobby Kim đến từ Hàn Quốc.
Không gian trưng bày, giới thiệu và quảng diễn nghề truyền thống được thiết kế, sắp đặt mở để cộng đồng dễ dàng tiếp cận. Hệ thống các gian trưng bày là sự kết hợp giữa nhà rường truyền thống Huế với nhà tranh tre hài hòa với thiên nhiên, mang tính nghệ thuật và sắc màu văn hóa. Không gian này sẽ trải dài dọc tuyến phố đi bộ và công viên ven bờ Nam sông Hương, giới thiệu đến công chúng 21 nghề và nhóm nghề như: Dệt, điêu khắc, mộc mỹ nghệ, sơn mài, chạm khảm, kim hoàn, mây tre đan, nón lá, hương trầm, bánh chưng bánh tét, nghề làm sản phẩm từ giấy, tranh dân gian truyền thống, gốm sứ, diều, pháp lam, đúc đồng, lồng đèn, rèn, may đo áo dài, nghề làm bánh truyền thống…
Chương trình có sự tham gia của 69 làng nghề, cơ sở nghề với hơn 350 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng của các địa phương trong nước như: Hòa Bình, Thái Bình, Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Ninh Thuận, TP.HCM… Sản phẩm của các nhóm nghề trên có truyền thống lâu đời, đã được khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Festival Nghề truyền thống Huế từng bước hướng đến giao lưu quốc tế, qua sự tham gia của các nghề thủ công truyền thống đến từ các địa phương: thành phố Takayama, Shizuoka, Saijo và Sasayama (của Nhật Bản); các thành phố Gongju, Namyangju và Hiệp hội Nghề truyền thống Hàn Quốc… cùng một số đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ Bỉ, Hàn Quốc…
Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế cho biết: Mục đích mà Ban tổ chức hướng đến là thông qua các hoạt động Festival nghề truyền thống Huế 2023 góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Cố đô Huế, phát huy thương hiệu và vị thế của của Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy hiệu quả việc khôi phục, hỗ trợ và phát triển làng nghề truyền thống và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu trên cả nước; đặc biệt là phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch.
Sơn Thủy/ Báo Văn hóa