Khi màn đêm buông xuống, các gia đình quây quần bên nhau, những nữ cửu vạn ở chợ đêm Long Biên lại đẩy xe hàng nặng gấp nhiều lần cơ thể của họ để mang đến cuộc sống ổn định hơn cho chồng con.
Khi màn đêm len lỏi vào từng góc phố phồn hoa của thủ đô, đó chính là thời điểm mà những nữ cửu vạn tại chợ đêm Long Biên bắt đầu công việc của mình. Những ngày hè đỏ lửa hay những đêm đông lạnh giá họ vẫn miệt mài mưu sinh trên từng gánh hàng.
Chợ đêm Long Biên (Ba Đình-Hà Nội) là một khu chợ đầu mối lâu đời, chuyên cung cấp nông sản cho thủ đô và các vùng lân cận. Chợ là nơi mưu sinh của hàng trăm tiểu thương và cửu vạn.
Nỗi nhọc nhằn của những nữ cửu vạn Long Biên. Ảnh Đào Dung
Gánh nặng mưu sinh
Khoảng 9 giờ tối, khu chợ đã bắt đầu giờ hoạt động. Tiếng người trao đổi, tiếng xe chở hàng hòa vào nhau tạo nên không khí vô cùng nhộn nhịp. Đối lập với khung cảnh yên tĩnh ở bên kia thành phố, đây là nơi của những con người không ngủ!
Công việc khuân vác thường của đàn ông nhưng ở đây tới 80% là nữ. Mỗi người một hoàn cảnh với từng khó khăn riêng khiến họ buộc lòng phải làm công việc nặng nhọc này để kiếm kế sinh nhai.
Gặp gỡ chị Nguyễn Thị Anh (35 tuổi, Nam Định), chị rất thoải mái khi tôi hỏi về công việc của mình. Chị trải lòng: “Những nữ cửu vạn tại đây đến từ nhiều nơi như: Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa,… Chúng tôi thuê chung một khu trọ gần đây khoảng 1,5 triệu đồng mỗi tháng, 4-5 người chung một phòng. Trung bình mỗi tháng làm được khoảng 4-5 triệu, việc nhiều thì 5-6 triệu. Chi phí sinh hoạt rơi vào khoảng 2 triệu đồng, còn lại để dành gửi về quê cho con cái ăn học.”
Phần lớn những nữ phu xe tại đây đã làm từ rất lâu, có người làm nghề ngót 25 năm, có cả gia đình cùng làm. Được biết, trước đây họ đã từng làm nhiều việc khác nhau từ nhặt rác, bốc vác đến kéo xe, thồ hàng, ai thuê gì làm nấy. Dần dần thấy nghề kéo xe tuy vất vả nhưng có thu nhập ổn định nên họ quyết định gắn bó.
Đêm cuối xuân Hà Nội trở rét, tiếng mưa rả rích cùng với những làn gió lạnh đến thấu xương khiến mỗi bước chân của những nữ cửu vạn thêm nặng nhọc. Hành trang của họ chỉ là một chiếc xe kéo cùng với túi cước nhỏ để đồ. Hành trình của họ bắt đầu từ khoảng 9 giờ tối và kết thúc vào rạng sáng ngày hôm sau.
Mỗi xe hàng nhẹ thì 1 người, nhiều thì 2-3 người. Đôi vai nhỏ bé phải khuân vác những chuyến hàng gấp 5 thậm chí gấp 10 lần cơ thể của họ. Tím người, trẹo cổ vì kéo xe là câu chuyện thường ngày. Những đôi bàn tay, bàn chân bị sưng phồng, đau nhức nhưng họ vẫn cố bám trụ. Và, đêm nào họ cũng cố tìm thật nhiều nguồn hàng để tăng thêm thu nhập.
Sự đánh đổi!
Chợ Long Biên là khu chợ đầu mối vì thế lượng hàng hóa là rất lớn, mỗi ngày, nữ cửu vạn nơi đây làm quần quật đến 10-11 tiếng. Những nữ cửu vạn hầu hết là phụ nữ lớn tuổi nhưng vẫn phải đẩy từng xe hàng khiến tôi không khỏi xót xa.
Số lượng hàng đẩy gấp nhiều lần số cân nặng cơ thể họ. Ảnh: Đào Dung
Đôi mắt thâm quầng, bàn tay đen nhẻm, bà Phạm Hồng Hoa (48 tuổi, Hưng Yên) đang gồng mình kéo 5 tạ dứa qua từng con đường khúc khuỷu. Những năm 1990 bà từ quê lên Hà Nội, ai thuê gì làm nấy. Làm mấy năm, khi có chút vốn, bà sắm chiếc xe kéo làm phu xe ở chợ này cũng gần 20 năm.
Kéo xong xe hàng, bà dành phút giây giải lao ngắn ngủi tâm sự: “Tôi cũng đã gần 50 tuổi rồi, làm được bao nhiêu thì làm chứ giờ nói nghỉ cũng không dễ dàng gì, còn bao nhiêu thứ phải lo. Đêm đi làm như này chứ cũng không làm được nhiều, già rồi sức khỏe không cho phép”.
Bà Hoa dù đã lớn tuổi nhưng lập gia đình muộn, các con nay đều đang trong lứa tuổi đi học, chồng ở quê làm thợ xây nhưng ngày mưa lại nghỉ, thu nhập không ổn định. Nhiều khi chồng con gọi điện nhắc đóng tiền điện, nước, tiền học phí… khiến bà dù mệt đến mấy cũng phải gánh sức ra làm.
Công việc nặng nhọc là vậy nhưng nỗi lo về cơm áo gạo tiền đã phải nhường chỗ cho nỗi lo về tuổi già, sức khỏe. Hàng ngày, dù phải đối diện những cơn đau nhức, những vết thương trên cơ thể nhưng để kiếm được cho con tiền ăn, tiền học họ đã phải đánh đổi. “Chỉ cần các con ngoan tôi vẫn sẽ cố gắng làm”, bà Hoa chia sẻ.
Tương lai…
Họ truyền tai nhau về những người phụ nữ sinh non vì phải gánh hàng nặng, những người bị cột sống đành phải bỏ nghề. Nhưng dường như nỗi sợ của họ về hai chữ “tương lai” càng gánh nặng hơn. Ngày mai cơm có đủ ăn, áo có đủ mặc, con cái đã đủ đóng tiền học… luôn là câu chuyện họ lo nghĩ hơn cả!
Kết thúc buổi làm, chị Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chìa đôi bàn tay đỏ ửng lên vì lạnh đang cầm trên tay 400 ngàn đồng mà khoe với chúng tôi: “Nay hàng nhiều nên may quá được từng này cô ạ, thế là đủ ăn với cất dành rồi”, chị vừa cười vừa nói. Nụ cười hạnh phúc vì sự vất vả của mình đã được đền đáp, hơn tất cả là ngày hôm nay phần nào nỗi lo mưu sinh đã được giải quyết.
Nói xong chị cất xe, gửi đồ lại bước những bước chân mệt nhọc về khu trọ nghỉ ngơi. Ngày mai, ngày kia và nhiều ngày nữa họ lại tiếp tục công việc…
Đào Dung
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/cho-dem-long-bien-nhoc-nhan-nhung-nu-cuu-van-ganh-tren-vai-tuong-lai-ca-gia-dinh-post243273.html