Trong tiết Thanh minh tháng 3 năm nay, anh Bjorn Wilke (27 tuổi, Quốc tịch Đức) cho biết, đây là năm đầu tiên sau 5 năm lập gia đình và cũng là kỷ niệm đáng nhớ cùng những người thân bên gia đình vợ trải nghiệm Tết Thanh minh ở Việt Nam.
Có mặt tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên (TP Hòa Bình) từ sáng sớm, anh Bjorn Wilke (27 tuổi, Quốc tịch Đức) cùng gia đình nhà vợ tất bật chuẩn bị các lễ vật, dọn dẹp phần mộ của người thân, thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính với những người đã khuất trong dịp Tết Thanh minh.
Với anh Bjorn Wilke thì đây là năm đầu tiên sau 5 năm lập gia đình anh mới có dịp cùng người thân bên gia đình vợ trải nghiệm Tết Thanh minh.
“Đây là một trải nghiệm độc đáo cho tôi thấy được sự kết nối tình cảm các thành viên trong gia đình. Tất nhiên tôi rất muốn tham gia những ngày lễ như thế này hơn nữa để hiểu rõ hơn văn hoá của Việt Nam. Ở Việt Nam phong tục gia đình rất cao quý, luôn hướng con cháu biết đạo hiếu với ông bà, tổ tiên”, Bjorn Wilke chia sẻ.
Cầm nén hương thành kính trên tay, ông Dương Đức Minh (71 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, mỗi dịp lễ Tết các thành viên trong gia đình đều tề tựu về bên khuôn viên phần mộ gia tiên, ai nấy đều bồi hồi, xúc động.
Theo ông Minh, phong tục của người Việt trong Tết Thanh minh đó là nhớ về những người đã sinh ra mình, con cháu tập hợp về đây dọn dẹp phần mộ của người thân, thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính với những người đã khuất trong dịp Tết thanh minh.
Gia đình ông Dương Đức Minh thành kính bên mộ phần người đã khuất.
“Ngày Tết Thanh minh không có chỗ cho sự u buồn hay đau xót, mà tất cả mọi người đều cùng tri ân, tưởng nhớ người đã khuất với thái độ kính cẩn, mong cho người đã khuất an nghỉ thanh thản và người còn sống lạc quan hướng tới tương lai phía trước.
Các con cháu trong gia đình cũng thường kể lại những câu chuyện, những kỷ niệm về người thân đã khuất của mình. Trẻ nhỏ được theo người lớn ra nghĩa trang thăm mộ tổ tiên, nhắc nhở con cháu, để con cháu biết về nguồn gốc của mình. Và rồi, cả nhà cùng ăn bữa cơm gia đình ấm cúng”, ông Minh bày tỏ.
Cùng người thân lên Hoà Bình làm Tết Thanh minh cho người cháu mất, bà Phạm Thị Thái An ở phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội không khỏi bùi ngùi thương nhớ.
Bà An kể, hôm nay cũng vừa đúng ngày sinh nhật cháu gái của mình. Bé rời cõi tạm khi vừa 7 tháng tuổi do Covid-19. “Cháu đáng yêu lắm nhưng không được ở lại với gia đình nữa. Gia đình tôi luôn mong cháu an nghỉ và thầm nguyện cầu cho cháu nơi cõi vĩnh hằng”, bà An xúc động.
Dịp này, gia đình ông Trần Anh Tuấn (54 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) cũng đưa con cháu lên khuôn viên phần mộ của gia đình để làm Tết Thanh minh cho người cha mới mất cách đây hơn 100 ngày. “Các con cháu lên mong ông phù hộ cho gia đình sức khoẻ, bình an”, ông Tuấn nói.
Gia đình ông Trần Anh Tuấn dâng hương tổ tiên ngày Tết Thanh minh.
Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì của Kim Sơn Lạc Hồng chia sẻ, Tết Thanh minh không chỉ diễn ra trong 1 ngày mà diễn ra trong vòng 15 ngày. Đây là dịp mà các thế hệ đều mong muốn được quây quần bên nhau. Quan trọng nhất, qua đó, các thế hệ trẻ biết công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Khi đi tảo mộ ngày Tết Thanh minh, các gia đình cần sắm sửa lễ vật chu đáo, nhưng quan trọng hơn cả là thành tâm. Có thể dâng lễ chay hoặc lễ mặn tùy từng gia đình.
Các lễ vật gồm có: Hương, đèn, chè, quả, rượu, nước trong, trầu cau và tiền vàng. Lễ chay gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối. Tùy theo phong tục địa phương mà có điều chỉnh phù hợp, nhưng nhà chùa khuyên người dân tránh dâng cúng những đồ sát sinh trong Tết Thanh minh.
Hà Thành
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/dip-tet-thanh-minh-dac-biet-cua-chang-re-tay-sau-5-nam-lap-gia-dinh-post243045.html