Trong 7 ngày diễn ra Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ II, khán giả đã được thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Tối 7/4, tại Trà Vinh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức bế mạc Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ II – năm 2023.
Liên hoan diễn ra từ ngày 1 – 7/4, với hơn 500 diễn viên của 13 đơn vị nghệ thuật công lập, xã hội hóa và tư nhân của 5 tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh tham gia.
Ban Tổ chức trao Huy chương Vàng vở “Huyền thoại tình yêu” của Nhà hát Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: BTC
Các đơn vị nghệ thuật đã mang đến liên hoan 13 vở Dù kê đặc sắc với những cách thể hiện rất riêng của mỗi địa phương miền sông nước Nam Bộ.
Trong 7 ngày diễn ra liên hoan, khán giả đã được thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc. Đáng chú ý là các vở diễn của Đoàn Nghệ thuật Khmer Chùa Svay Siêm Thmây (Trà Vinh), Đội Văn nghệ quần chúng Ấp cây khô (Cà Mau) và Đoàn Nghệ thuật Khmer (Trường ĐH Trà Vinh).
Tại Lễ bế mạc, Ban tổ chức đã trao Huy chương Vàng cho Nhà hát Cao Văn Lầu tỉnh Bạc Liêu với vở “Huyền thoại tình yêu”. Huy chương Bạc được trao cho Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng với vở “Hoa cau tình thắm”; Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang với vở “Chây SôRa Vông”; Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau với vở “Giữ vững Biển – Đảo quê hương” và Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh với vở “Hoàng tử Vê Son Đo”.
Huy chương Đồng thuộc Đoàn Nghệ thuật Chùa Svay Siêm Thmây với vở “Tướng quân Rít Thi Sắc” và Doanh nghiệp tư nhân đoàn Nghệ thuật Dù kê tập thể Khmer Ron Ron tỉnh Sóc Trăng với vở “Pho tượng tam đầu và bí mật bảo bối”.
Ban tổ chức cũng đã trao Huy chương Vàng cho 10 nghệ sĩ, Huy chương Bạc cho 33 nghệ sĩ đến từ các đơn vị tham gia. 4 dàn nhạc xuất sắc và 2 cá nhân xuất sắc được nhận giải thưởng tại Liên hoan.
Đánh giá về chuyên môn của Liên hoan lần này, PGS.TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận định, các vở diễn đều hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ, mang đậm tính cổ tích phù hợp đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, Nhà nước. Giá trị tư tưởng, nghệ thuật của các vở diễn góp phần làm phong phú đời sống tinh thần đồng bào Khmer Nam Bộ.
Tuy nhiên, tất cả vở diễn đều nặng triết lý Phật giáo, chưa có vở diễn thể hiện triết lý nhân sinh mới mẻ, trang trí, trang phục còn nhiều hạn chế…
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc, để mang đến cho đông đảo khán giả yêu thích nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer những cảm nhận sâu sắc, thấu hiểu hơn những người làm nghề, khám phá và thêm hiểu biết những giá trị tinh hoa của loại hình nghệ thuật Dù kê.
Từ liên hoan nghệ thuật lần này, các nghệ sĩ, nghệ nhân có thêm kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp để nâng cao trình độ, cống hiến cho xã hội ngày càng nhiều những tác phẩm ý nghĩa, chất lượng, phục vụ đời sống tinh thần cho đồng bào Khmer.
Vở “Hoàng tử Vê Son Đo” của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tỉnh Trà Vinh. Ảnh: BTC
Vở “Nghĩa tình không phai tàn” của Đoàn Nghệ thuật Khmer Răksamây Chandara tỉnh Trà Vinh. Ảnh: BTC
Tiết mục biểu diễn Dù kê của đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: BTC
NSND Trịnh Thúy Mùi hy vọng, cùng với sự phối hợp của Hội chuyên ngành sân khấu, các địa phương đang có những đơn vị nghệ thuật Dù kê Khmer quan tâm hơn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ kế cận để nâng cao chất lượng và từng bước chuyên nghiệp hóa loại hình nghệ thuật này.
Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần thứ III, năm 2026 sẽ được tỉnh Bạc Liêu đăng cai tổ chức.
Thế Vũ
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/be-mac-lien-hoan-san-khau-du-ke-khmer-nam-bo-lan-thu-ii-post242753.html#p-2