Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên!

11:30 | 08/04/2023

Đạo diễn, Chi hội trưởng chi hội Điện ảnh – Truyền hình của Hội VHNT Thái Nguyên Đặng Tiến Sơn tâm sự: Nhớ Tây Bắc, nhớ Điện Biên quá trời anh à!


Cũng phải thôi, Tiến Sơn đạo diễn cầu truyền hình Thái Nguyên – Điện Biên không dưới 3 lần… Còn Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng kinh tế của Báo Thái Nguyên thì bảo: Đi Tây Bắc vào năm trước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thì còn gì thú vị hơn với nghề báo.

Tác giả và Đoàn tại Di tích Mường Phăng.

Vậy là chúng tôi lên đường. Đoàn có 5 người, xe biển trắng của nhà. Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Nhà in Báo Thái Nguyên nghỉ hưu cầm lái. Xuân Minh bảo: Đã lái xe thì không bia, rượu. Không bia rượu thì lên Tây Bắc khó mà lấy được tư liệu nên các phóng viên cứ tự nhiên…So với 9,10 năm trước, bây giờ đi Tây Bắc nhàn hơn nhiều: Thái Nguyên đi Hà Nội- cao tốc; Hà Nội đi Hoà Bình- cao tốc; Hoà Bình đi Sơn La, Điện Biên tuy chưa có đường cao tốc nhưng rộng, thoáng mà áp phan cả. Mùa này hoa ban, hoa mơ, hoa mận đang phủ trắng rừng; cảm giác tươi mới luôn thường trực trong suốt hành trình “Tìm lại ký ức, tiếp liệu đổi thay” của anh em làm báo chúng tôi.

…Sở dĩ dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi phối hợp làm nhiều chương trình cầu truyền hình lớn, hàng mấy chục đài nối sóng vì 2 địa phương có những cái chung. Ngược dòng lịch sử, thấy rõ căn nguyên rồi từ căn nguyên chuyển sang cơ duyên hợp tác. Căn nguyên ấy là tại An toàn khu Định Hoá Thái Nguyên, các quyết sách cho Tây Bắc, cho Điện Biên được hoạch định. Cụ thể: Ngày 6-12-1953 tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, Bộ Chính trị dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra quyết định lịch sử tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải đầu hàng vô điều kiện. Các sử gia sau này dùng câu “Từ ATK Thái Nguyên đến Chiến thắng Điện Biên Phủ” là phản ánh đúng thực tế. Cũng như việc dùng cánh đồng xã Đồng Thịnh cùng huyện có địa hình tương tự lòng chảo Điện Biên làm nơi thực binh chiến trường Điện Biên Phủ hay hàng loạt công tác chuẩn bị cho trận chiến sống mái này…

Những giây phút gặp lại các đồng nghiệp tại Đài PTTH Điện Biên thật xúc động, thân tình. Đã từng hợp sức mấy cuộc lớn nên chúng tôi rất hiểu nhau. Anh Lường Văn Xuyên, giám đốc Đài say xưa ôn lại cầu truyền hình 3 đại (Hà Nội, Thái Nguyên, Điện Biên) năm 2014. Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Lò Mai Trinh đứng trên đỉnh đồi A1 trao đổi với Bí thư tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Đình Phách về nhiệm vụ mỗi địa phương, mong muốn có thật nhiều cầu truyền hình để nhân dân hiểu sâu hơn về lịch sử, quyết tâm xây dựng quê hương giầu đẹp. Trưởng phòng biên tập Nguyễn Thu Hiền, Trưởng phòng kỹ thuật Nguyễn Văn Khôi; các biên tập viên Hải Yến, Như Quỳnh của Đài PTTH Điện Biên thì đồng nhất cho rằng: Những cuộc tác nghiệp lớn năm ấy giúp thêm động lực và kinh nghiệm cho Đài PTTH Điện Biên rất nhiều. Đến nay Đài PTTH Điện Biên làm chương trình thời sự trực tiếp với tần suất 8 chương trình mỗi ngày, một kỳ tích mà nhiều đài địa phương chưa làm được…

Tác giả gặp gỡ Hội Nhà báo Điện Biên.

Tìm hiểu về việc chuẩn bị cho kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào năm sau là công việc lý thú và nhiều thời gian của anh em chúng tôi. Việc nâng cấp các tuyến đường vào khu di tích Mường Phăng, tuyến đường đi cửa khẩu và các công trình tại cửa khẩu Tây Trang đã cơ bản hoàn thành; Bảo tàng Điện Biên, các đền thờ và nghĩa trang liệt sỹ được tôn tạo, chỉnh trang. Sân bay Điện Biên bắt đầu dừng khai thác để nâng cấp. Sau 9 tháng, một sân bay rộng rãi, hiện đại, đủ điều kiện cho máy bay cỡ lớn cất và hạ cánh hoàn thành sẽ phục vụ tích cực cho dịp kỷ niệm.

Tỉnh Điện Biên đang tiến hành khâu rà soát cuối gửi Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Điện Biên: Đến nay (28-3-2023), báo cáo thuyết minh tổng hợp và 34 nội dung đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh (24 phương án tích hợp quy hoạch ngành, lĩnh vực, 10 phương án tích hợp quy hoạch các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) đã cơ bản được hoàn thiện. Các ngành tiếp tục tập trung phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức và nhận diện những vấn đề cần giải quyết trong nhiệm vụ quy hoạch. Đồng thời bổ sung phụ lục làm rõ nhu cầu đầu tư trong kỳ quy hoạch bao gồm dự án và thứ tự ưu tiên đầu tư; hoàn thiện bản đồ về phương án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải để thể hiện đầy đủ, chính xác về đường bộ, đường thủy nội địa phục vụ cho công tác quản lý; Thực hiện phương án phát triển giao thông cũng như thuận lợi cho công tác tích hợp các quy hoạch sử dụng đất. Trong quy hoạch, tỉnh cũng đã lưu ý đến phương hướng và giải pháp phát triển các ngành quan trọng và các chỉ tiêu chính về phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn; phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, phân bổ đất đai và bảo vệ môi trường. Trong định hướng phát triển công nghiệp và công nghiệp chế biến, tỉnh thêm nội dung công nghiệp chế biến gắn với các vùng sản xuất để tạo sự phát triển kinh tế và xã hội đồng đều…

Cửa khẩu quốc tế Tây Trang được xây mới.

Cánh đồng Mường Thanh- nơi chúng tôi từng tìm hiểu để làm phim ký sự Tứ quý vùng Tây Bắc (Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc) bây giờ lúa đang thì con gái mơn mởn một mầu xanh. Chính từ cánh đồng năm xưa là chiến trường ác liệt, bây giờ cả nước được thưởng thức vị dẻo thơm riêng có của bát cơm mới đầu mùa, làm từ hạt gạo mà người nông dân nơi đây biết chắt chiu những tinh túy của đất trời mà tạo nên. Cánh đồng Mường Thanh nằm ở độ cao hơn 400 m so với mặt nước biển, có diện tích 140km2, trải dài hơn 20km (qua các xã Thanh Minh, Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn, Noong Luống, Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Nưa…), với chiều rộng trung bình 6km. Cùng với diện tích rộng lớn, Mường Thanh có khí hậu chênh lệch nhiệt độ khá lớn trong ngày, cường độ chiếu sáng dài; dòng sông Nậm Rốm đầy ắp phù sa, bồi đắp… Những điều kiện thuận lợi đó đã làm nên thương hiệu gạo Điện Biên nổi tiếng. Không chỉ là một trong những “vựa lúa” lớn của cả nước, cánh đồng Mường Thanh còn mang vẻ đẹp vô cùng độc đáo, là một trong những địa điểm mang lại cho chúng tôi những trải nghiệm và ký ức khó quên.

Chúng tôi rời Điện Biên tiếp tục hành trình Tây Bắc trong niềm vui được sự giúp đỡ, chăm sóc của đồng nghiệp ở cơ quan đài, báo và Hội Nhà báo Điện Biên. Một dự định sản xuất chương trình, tác phẩm cho dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ dịp này năm sau đã có trong dự định của mỗi người…

Hữu Minh

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/duong-qua-tay-bac-duong-len-dien-bien-post242741.html


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

Chi cục Thuế quận Bình Tân tuyên dương người nộp thuế chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2023

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AQUA – Yến sào Nest100 được vinh danh trong hạng mục “Thương hiệu Vàng phát triển bền vững”

AQUA – Yến sào Nest100 được vinh danh trong hạng mục “Thương hiệu Vàng phát triển bền vững”

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám