Đó là thông tin trong dự thảo kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam mà ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ tại Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII diễn ra tại Thanh Hóa vào sáng ngày 6/4.
Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí
Theo đó, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), nhiều hội thảo, tọa đàm sẽ được tổ chức xoay quanh vấn đề kinh tế báo chí, chuyển đổi số báo chí, tự chủ báo chí để báo chí phát triển mạnh mẽ.
Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị.
Các hội thảo, tọa đàm sẽ tập trung làm rõ truyền thống vẻ vang, quá trình cống hiến, những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 100 năm qua.
Đây cũng là dịp các cấp quản lý đánh giá về thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu/hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí, vấn đề chuyển đổi số báo chí; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan tới cơ chế tài chính, tự chủ; chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta hiện nay.
Theo ông Trần Thanh Lâm, chuỗi hoạt động kỷ niệm sẽ xoay quanh các chủ đề: Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; Báo chí là vũ khí, công cụ sắc bén của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Xây dựng môi trường báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa.
“Chuỗi hoạt động kỷ niệm sẽ góp phần tuyên truyền sâu rộng về truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất, xây dựng và đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 100 năm qua; tôn vinh, biểu dương những người làm báo có nhiều thành tích, đóng góp trong công tác báo chí giai đoạn hiện nay. Đây là dịp cổ vũ, động viên báo chí và những người làm báo phát huy vai trò, trách nhiệm là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; góp phần quan trọng trong tiến trình đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận xã hội để thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành những kết quả to lớn trong thực tiễn xã hội” – Ông Trần Thanh Lâm phát biểu.
Cần xây dựng Đề án tổ chức kỷ niệm bài bản, trang trọng và giàu ý nghĩa
Nhiều hội thảo, tọa đàm sẽ được tổ chức xoay quanh vấn đề kinh tế báo chí, chuyển đổi số báo chí, tự chủ báo chí để báo chí phát triển mạnh mẽ.
Theo dự thảo kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, từ nay đến năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan sẽ tổ chức nhiều sự kiện hướng tới dịp kỷ niệm như: Tổng kết việc thi hành Luật Báo chí 2016, xây dựng kế hoạch sửa đổi bổ sung Luật Báo chí 2016; Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 25/12/2013 của Bộ Chính trị về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet.
Việc sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ sẽ được Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành.
Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam cũng sẽ phối hợp tổ chức về nguồn, giáo dục truyền thống báo chí cách mạng; tổ chức Lễ Kỷ niệm quốc gia kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tổ chức hội nghị “Gặp mặt, biểu dương, khen thưởng người làm báo tiêu biểu”…
Cũng tại Hội nghị, trong phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025) là sự kiện chính trị nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng của báo chí cách mạng nước ta, các đơn vị cần xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm một cách bài bản, trang trọng và giầu ý nghĩa. Thực hiện thật tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Báo chí cách mạng Việt Nam phải thực sự là “lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa,” “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Sông Mây
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/100-nam-ngay-bao-chi-cach-mang-viet-nam-se-ban-toi-cac-van-de-kinh-te-bao-chi-chuyen-doi-so-bao-chi-post242476.html