Hòn Trống Mái (Sầm Sơn, Thanh Hóa): 3 phiến đá, 1 câu chuyện

14:54 | 04/04/2023

Cách trung tâm TP Thanh Hoá khoảng 20km, Hòn Trống Mái là danh thắng nằm trong quần thể di tích núi Trường Lệ, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn. Di tích này được tạo nên bởi ba tảng đá, một tảng đá nằm phía dưới làm bệ đỡ cho hai tảng đá nằm chênh vênh, tất cả đều đã nhuốm màu thời gian.


Dãy Trường Lệ hùng vỹ
Núi Trường Lệ, còn được gọi là Núi Sầm hay Núi Gầm là một dãy núi nằm ven biển phía Nam TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Dãy núi này hiện được bao phủ bởi một diện tích rừng đặc dụng, được đánh giá là có cảnh quan thiên nhiên đẹp và là khu vực đa dạng về sinh học.

Núi Trường Lệ có hình dáng của một người đàn bà nằm chắn sóng biển

Trên núi có Hòn Trống Mái là một trong những thắng cảnh của tỉnh Thanh Hóa. Bên cạnh đó, nơi đây còn có một số ngôi đền cổ như Đền Độc Cước, Đền Cô Tiên và Đền Tô Hiến Thành.

Chuyện xưa kể rằng, năm ấy một cơn đại hồng thủy đã cuốn hết thảy mọi thứ ra biển Đông, một người phụ nữ mang thai gần tới ngày sinh hạ bị nước lũ cuốn trôi ra biển, khi nước rút sóng đẩy người phụ nữ vào bờ, thuộc làng Kẻ Trường (nay là Trường Sơn). Dân làng khóc thương người phụ nữ, lấy đất, đá đắp thành nấm mộ, tạo nên dãy núi Trường Lệ, có nghĩa là nước mắt dài.

Do vậy mà hình dáng của núi trông giống như một người đàn bà đang nằm. Một dị bản khác của truyền thuyết này là từ trong bụng người phụ nữ, một đứa trẻ to lớn kỳ lạ bước ra. Cậu bé vác đất đá đắp lên thi hài người mẹ, nấm mồ lớn dần thành núi Trường Lệ. Về sau cậu bé ra tay diệt trừ quỷ biển, bảo vệ dân làng và hóa thành thần Độc Cước.

Năm 1962, khu vực này đã được công nhận là di tích cấp quốc gia và đến năm 2019 được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt với tên gọi “Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn”.

Sự tích Hòn Trống Mái
Theo con đường lượn trên sườn núi Trường Lệ, du khách bắt gặp hai hòn đá nằm chênh vênh trên một phiến đá lớn từ bao đời nay, như thách thức với thời gian và sóng gió. Đó là hòn Trống Mái, biểu tượng thủy chung của tình yêu.

Di tích này được tạo nên bởi ba tảng đá, một tảng đá nằm phía dưới làm bệ đỡ cho hai tảng đá nằm chênh vênh

Chuyện rằng ở vùng Sầm Thôn có chàng trai tên Ngư Phủ, khỏe mạnh lại siêng năng. Vào một buổi chiều, khi thuyền đã cập bến trời bỗng nổi cơn giông dữ dội, giữa không trung một cánh cò trắng sức cùng lực kiệt lao xuống vũng Tiên ở khu du lịch Sầm Sơn thơ mộng.

Thấy vậy, chàng Ngư Phủ mang cò về chăm sóc, từ đó cò ở lại cùng chàng. Như mọi ngày, chàng Ngư Phủ ra biển quăng chài; cò ở nhà một mình trong lòng rất vui sướng bởi hôm nay là hết hạn đội lốt cò và được trở về tiên giới. Cò trở thành một người con gái nhan sắc tuyệt trần nhưng nàng không trở lại thiên đình làm tiên nữ mà nguyện ở lại trần gian.

Ngư Phủ trở về, ngạc nhiên khi thấy nhà cửa gọn gàng, cơm canh đã ở trên mâm mà vắng bóng cò như mọi khi. Chàng buồn rầu, bỗng từ trong liếp nàng bước ra e lệ cúi chào…, cuộc thiên duyên giữa chàng Ngư Phủ và một tiên nữ đã trở thành hiện thực. Chốn thiên đình, hết hạn phải làm kiếp cò mà vẫn chưa thấy con gái trở về, hay tin nàng kết hôn với người hạ giới, Ngọc Hoàng nổi trận lôi đình sai người xuống trừng phạt.

Chàng Ngư Phủ hết lời khuyên nhủ nàng trở về trời, nhưng nàng một mực ở lại cùng chàng. Nàng dùng phép biến vợ chồng thành đôi chim, khi sứ giả bước vào định bắt thì đôi chim non kia biến thành đá đứng trơ trơ. Phiến đá đó người dân gọi là hòn Trống Mái. Đó là biểu tượng của tình thủy chung, là khát khao hạnh phúc, được sống trong tình yêu mà người xưa đã khéo léo gửi gắm vào đất trời nơi đây.

Con đường lên Hòn Trống Mái

Câu chuyện truyền thuyết được lưu truyền hết đời này qua đời khác cùng với cái sự chênh vênh sừng sững của Hòn Trống Mái đứng giữa đất trời, gió biển, càng khiến cho nơi đây vừa linh thiêng, vừa chứa đựng ý nghĩa nhân sinh thật khó giải thích. Và cũng chính kiệt tác kiến tạo của thiên nhiên ấy và sự khó lý giải về sự trường tồn của hai tảng đá mà càng làm cho mỗi người đến nơi đây thêm tin hơn về câu chuyện huyền thoại thấm đẫm trữ tình và chất nhân văn ẩn chứa trong Hòn Trống Mái.

Điểm tham quan du lịch hấp dẫn
Hòn Trống Mái ở Sầm Sơn bao gồm 3 phiến đá được tạo hóa sắp đặt một cách độc đáo. Ở dưới là hòn đá lớn, bằng phẳng như chiếc bệ đỡ, một hòn có đầu nhọn, nằm chồng lên trông như một con gà trống. Một hòn khác ở phía đối diện, nhỏ hơn và mang dáng vẻ tựa như con gà mái.

Có lẽ thế, thành thông lệ từng đoàn du khách trong nước và cả những vị khác nước ngoài xem đây là một điểm đến để được hưởng những phút giây sống chậm, khép mình vào một không gian thanh thản đến vô cùng, mà còn để được hòa hình vào không gian tưởng chừng chỉ có ở trong huyền thoại… và nhất là để một lần nghe tiếng thủ thỉ trò chuyện tâm tình của những phiến đá vẫn đang bất chấp dòng chảy của thời gian.

UBND TP Sầm Sơn gấp rút tổ chức đường hoa Lễ hội tình yêu năm 2023

Sau bao thời gian sừng sững với đất, với trời, với sương gió và bão bùng, hiện nay, Hòn Trống Mái Thanh Hóa đang có dấu hiệu tách nhau ra. Do tác động của thiên nhiên và mưa bão nhiều năm thì phần tiếp giáp giữa 2 khối đá đang giãn ra tới hơn 2 mét. Là địa danh nổi tiếng được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh, Hòn Trống Mái ở Sầm Sơn cần được bảo vệ và giữ gìn.

Để nhắc nhớ truyền thuyết về Hòn Trống Mái, ngợi ca lòng thủy chung của tình yêu đôi lứa, hiện, UBND TP Sầm Sơn cũng đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị để tổ chức Lễ hội tình yêu Hòn Trống Mái – Sầm Sơn năm 2023.

Trong khuôn khổ sự kiện còn có các hoạt động: Triển lãm hoa, cây cảnh, chim cảnh; Ngày hội thanh niên với trò chơi dân gian – khiêu vũ; Liên hoan dân vũ thể thao; Hội thao gia đình năm 2023.

Lễ hội tình yêu – Hòn Trống Mái Sầm Sơn năm 2023 được chính quyền TP Sầm Sơn cùng các xã, phường chuẩn bị công phu, gây ấn tượng trong lòng du khách với đường hoa lộng lẫy và nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ du khách thập phương. Nhiều người tìm về đây thưởng thức cảnh đẹp của đường hoa đẹp mắt, để lại ấn tượng trong lòng du khách.

Hà Anh

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/hon-trong-mai-sam-son-thanh-hoa-3-phien-da-1-cau-chuyen-post241937.html


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc

Festival Ninh Bình lần thứ III – Tái hiện Dòng chảy Di sản lịch sử dân tộc

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế

Triển lãm Ảnh nghệ thuật quảng bá hình ảnh di sản văn hóa đất nước, con người Việt Nam tại TP. Huế