Tại xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm có một tấm bia cổ nằm trên gò đồi thuộc xóm Tổng Phườn.
Bia có hình trụ, chia làm ba phần, từ đế đến chóp bia cao 1,2 m. Phần đế hình chữ nhật có chiều dài 70 cm, rộng 35 cm, dày 35 cm. Thân bia cao 65 cm, rộng 35 cm, dày 25 cm. Chóp bia hình nón gắn liền với thân bia.
Cả bốn mặt của phần thân bia đều khắc chữ Hán. Mặt trước, phần khắc chữ có 4 hàng dọc, trên cùng chạm hình long (rồng), một số chữ mờ không đọc được, các chữ còn sót lại phiên âm được là: “Tuyên Quang xứ, Yên Bình phủ, Bảo Lạc châu”. Mặt phải còn một số chữ “Vận lục động thất nhật lục ân công lập” phần trên chạm hình phượng. Mặt trái khắc một dòng chữ ở giữa bia cũng đã mờ đi một số chữ, còn sót lại chữ “Phật ân quang quốc xã trưởng ngẫu”, phía trên chạm hình ly. Mặt sau của bia trên cùng chạm hình rùa, phần khắc chữ gồm 5 hàng dọc, các chữ còn đọc được là “Danh lam cổ tích viên hạo hương tọa lạc Quang tuyền tích thiện báo thiên chi hựu trung tự miêu hạ văn vi”.
Phía sau tấm bia, cách khoảng 2 m có một đoạn tường gạch dài gần 5 m, dày 40 cm bằng gạch cổ, bên cạnh có một hòn đá kên chân cột đục chạm có hình giống chiếc trống đồng. Bia có 4 mặt, trang trí đẹp có đủ bộ tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Song do bia nằm ngoài trời nên phần lớn các chữ Hán đã mờ, khó đọc.
Tuy chưa được nghiên cứu, khảo sát kỹ nhưng căn cứ vào nét chữ còn sót lại, Tiến sỹ khảo cổ học Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Đây là tấm bia cổ duy nhất đến nay được phát hiện tại Cao Bằng, có thể là bia thuộc thời nhà Lê. Ông Thân Trọng Nông, Bí thư Đảng ủy xã Nam Quang cho biết thêm: Ngoài bia này, còn có hai bia đá nữa, mỗi bia cách đây gần 1 km về hai phía, nằm ở hai lưng chừng đồi khác nhau.
Tấm bia cổ tại xóm Tổng Phườn, xã Nam Quang (Bảo Lâm) là căn cứ để nghiên cứu về địa danh châu Bảo Lạc xưa. Mong rằng, các cơ quan chuyên môn sẽ khảo sát, nghiên cứu để làm rõ nội dung tấm bia cổ này.
Mông Văn Bốn/báo Cao Bằng