Lionel Messi đang “làm mưa làm gió” tại Champions League với 5 bàn thắng sau 2 trận. Tuy nhiên, trong quá khứ, anh không ít lần trở thành nạn nhân bị khóa chặt suốt trận đấu.
Sau cú đúp vào lưới Tottenham Hotspur tại Wembley, Lionel Messi cho thấy tần suất ghi bàn hủy diệt với 1 bàn ở mỗi trận đấu vòng bảng Champions League. Anh đã có tổng cộng 22 bàn thắng vào lưới các đội bóng nước Anh, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác có CLB tham dự đấu trường châu Âu.
Chỉ cần hai trận đấu, “La Pulga” đã có trong tay 5 bàn thắng, khiến người ta phải lật lại câu hỏi từ nhiều năm nay: Làm thế nào để ngăn chặn được Lionel Messi?
Messi có cú đúp vào lưới Tottenham tại Champions League. Ảnh: Daily Mail.
Cần đến vũ khí?
Năm 2017, HLV Petar Vasiljevic của Osasuna nhún vai trên ghế. Một phóng viên Tây Ban Nha đặt câu hỏi liệu đội bóng của ông đang vật lộn như thế nào với tình cảnh đứng thứ 18 tại La Liga và sắp phải làm khách trên sân Nou Camp trước Barcelona vào cuối tuần này.
Osasuna rõ ràng thấy vực thẳm xuống hạng chờ sẵn ngay trước mắt. Vasiljevic phải chấp nhận thực tế cay đắng: “Chúng tôi cần một kế hoạch để chế ngự Lionel Messi, và các học trò nói với tôi rằng có lẽ cần cái còng tay và khẩu súng lục. Cậu ta như mất tín hiệu, thế rồi bỗng dưng bùng nổ trong 10 phút tiếp theo và cái gì đến vẫn cứ đến”.
“Phía sau một trò đùa là sự chế giễu của sự thật”, một ngạn ngữ của Tây Ban Nha nói thay cho tình cảnh khốn đốn của Vasiljevic.
Chiến lược gia người Serbia dự đoán không sai tí nào. Đội bóng của ông bị Barca xóa sổ khỏi La Liga với thất bại hủy diệt 1-7. “Gã khổng lồ xứ Catalan” như một cơn bão quét hết mọi chướng ngại trên đường, dù chỉ là Osasuna bé nhỏ đang đứng sát bờ vực. Messi ngày hôm ấy lập cú đúp.
Bosingwa luôn theo kèm Messi như hình với bóng năm 2009. Ảnh: AP.
Messi cũng có lúc câm nín ở đấu trường châu Âu
Messi ghi bàn đáng nể ở Champions League, nhưng cũng có lúc cũng bị khóa chặt đến mức trở thành vô hại. Năm 2009, Jose Bosingwa khoác áo Chelsea có nhiệm vụ phải theo kèm cầu thủ hay nhất thế giới: “Đó là một sự chuẩn bị về tinh thần nhiều hơn thể chất. Bạn phải chuẩn bị tâm lý kỹ càng rồi ngồi xuống hàng tiếng đồng hồ để đánh giá thói quen chơi bóng của cậu ta. Bạn phải tôn trọng đối thủ chứ không phải sợ hãi”.
“Nếu tôi để Messi thoải mái từ đầu, cậu ta sẽ càng thêm tự tin còn tôi thì thảm hại. Bạn phải đưa mọi thứ vào khuôn khổ ngay từ đầu để thiết lập vị thế bạn mong muốn. Đó là 90 phút chiến tranh tâm lý”, cựu hậu vệ người Bồ Đào Nha khẳng định. Kết quả là “The Blues” cầm hòa thành công Barca trên sân Nou Camp trong trận cầu không bàn thắng.
“Đội bóng đối đầu Messi phải thu hẹp không gian hoạt động của cậu ta”, Bosingwa phân tích. Nếu Messi nhận được bóng, các hậu vệ không tài nào thoải mái cho được. Khi ngăn chặn Leo, điều quan trọng nhất không phải khoảng cách như thế nào, mà là sự phối hợp với các đồng đội ra sao. Đây là phản xạ chiến thuật, nơi đội bóng cần biết cách lấp không gian một cách tốt nhất.
Cựu hậu vệ người Bồ Đào Nha đi đến kết luận: “Bóng đá luôn là như vậy, dù có Messi hay không có Messi. Quan trọng là các đồng đội phải kết nối được với nhau. Mỗi cá nhân tạo ra sự khác biệt, nhưng điều tiên quyết là cả tập thể phải di chuyển ăn ý cùng nhau”.
Dù rất nỗ lực, Messi vẫn chưa thể có một danh hiệu nào trong màu áo ĐTQG. Ảnh: Getty.
Messi bị khóa chặt tại World Cup
Tại vòng tứ kết World Cup 2010 trên đất Nam Phi, Messi và Argentina bị đội tuyển Đức vùi dập với tỷ số 0-4. Ngày hôm đó ở Cape Town, người có công lớn nhất loại bỏ tầm ảnh hưởng của Messi trong đội hình Argentina là Arne Friedrich.
“Chúng tôi cố gắng không để chừa một chỗ trống nào giữa hàng tiền vệ và hàng phòng ngự. Cả đội luôn cố gắng đẩy đội hình, thậm chí nếu phải lùi xuống cũng sẽ cắt giảm người từ hàng tiền vệ, vì vậy sẽ duy trì được khoảng cách tối đa là 6-7 m giữa hai tuyến. Điều này sẽ không cho Messi có không gian đi bóng. Argentina luôn luôn tìm cách để bóng đến chân Messi và điều này còn giúp chúng tôi phá lối chơi của họ dễ dàng hơn. Chúng tôi luôn bố trí ít nhất hai cầu thủ chăm sóc kỹ Messi”, Friedrich nói.
4 năm sau, tiền vệ Nigel de Jong của Hà Lan là người được kể lại chiến tích chế ngự ngôi sao Argentina. 10 phút đầu tiên là tất cả cho Messi biết vị trí của mình, và đây sẽ là một trận đấu đầy khó khăn, thách thức. Tiếp theo là đọc ngôn ngữ cơ thể và dự đoán chuyển động của Messi vì cậu ta sẽ luôn tìm cách ban bật từ ngoài vòng cấm địa.
De Jong nhấn mạnh: “Nó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nếu Messi đứng ở xa khung thành, bạn sẽ cần phải luôn đứng trước mặt cậu ta. Còn nếu không, sẽ có một khoảng trống ở ngay trước mặt hàng phòng ngự của bạn. Messi luôn nhìn sang bên trái để sử dụng chân trái đi bóng. Cậu ta giả vờ hướng bóng sang bên phải nhưng bất ngờ đẩy bóng sang trái ngay lập tức”.
“Do vậy, thay vì kèm quá chặt, hãy đợi Messi thực hiện động tác đầu tiên. Bởi nếu bạn đứng sau Messi, chỉ cần cậu ta quay người một cái là sẽ biến mất luôn”, De Jong kết luận.
Theo Tri thức Trực tuyến