Lễ hội truyền thống Nghinh Ông ở Vũng Tàu vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 15/2, tin từ UBND TP Vũng Tàu cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định 236/QĐ-BVHTTDL ngày 14/2/2023, công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội truyền thống Nghinh Ông ở Vũng Tàu.
Lễ hội truyền thống Nghinh Ông ở Vũng Tàu hay còn gọi là Lễ hội Nghinh Ông Đình Thắng Tam, lễ cầu ngư, lễ nghinh ông Thủy tướng, lễ tế Cá Ông, lễ rước cốt Ông, lễ nghinh Ông.
Đoàn rước kiệu Ông diễu hành qua các ngả đường và hướng về lăng Ông tại Đình Thắng Tam. Ảnh: Báo BRVT
Lễ cúng và rước Cá Ông trên biển
Các trò chơi dân gian tại Lễ hội
Đây là một trong những lễ hội lâu đời được tổ chức tại Vũng Tàu vào ngày 15/8 đến 18/8 âm lịch hằng năm. Vào năm 2000, Tổng cục Du lịch đã chọn lễ hội này là một trong 15 lễ hội lớn nhất cả nước.
Lễ hội truyền thống Nghinh Ông ở Vũng Tàu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa dân gian của nhân dân thành phố biển nhằm thể hiện tấm lòng tri ân, biết ơn đến Cá Ông – Vị thần hộ mệnh của ngư dân miền biển. Thông qua lễ hội, ngư dân còn cầu xin sự bình an mỗi chuyến ra khơi, thời tiết thuận lợi, mưa thuận gió hòa và một cuộc sống ấm no.
Lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ thường được bắt đầu bằng nghi thức khai nghinh Thủy tướng. Đoàn nghi lễ sẽ tiến hành rước linh vị Cá Ông từ mũi Nghinh Phong về đến khu vực Bãi Trước. Sau đó, cùng với các bậc bô lão dẫn đoàn tháp tùng tượng Cá Ông từ Bãi trước về đến Lăng Ông Nam Hải.
Sau đó sẽ là lễ cúng giỗ Tiên hiền và các anh hùng liệt sĩ, lễ thỉnh sắc thần, cúng tế Ông Nam Hải, lễ xây chầu đại bội…
Phần hội gồm các trò chơi dân gian tái hiện các hoạt động của ngư dân: Câu cá, kéo co nam nữ, đẩy cây, cờ ca rô trên cát, đan lưới, nhảy sạp; các tiết mục văn nghệ thú vị như múa lân sư rồng, hát bả trạo, hát bội…
Thế Vũ
Nguồn Báo Công luận
https://www.congluan.vn/le-hoi-nghinh-ong-o-vung-tau-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post235415.html#p-0