Nguyễn Đình Nghi : “ Điều đáng sợ là anh chỉ biết yêu mỗi mình anh”

15:34 | 17/01/2023

Đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi (1928-2001) là một  tài năng lớn, nhân cách lớn có ảnh hưởng rất lớn của sân khấu VN. Tôi may mắn đã có cuộc trao đổi không thể quên với ông về nghề đạo diễn vào những năm 1996-1997 của thế kỷ 20 thời kỳ mà sân khấu nước nhà đang có khuynh hướng chạy theo thương mại hóa. Trong cuộc trò chuyện thú vị và ấn tượng đó, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã bộc lộ nhiều suy nghĩ tâm huyết, chân thành với nghề đạo diễn cao quý mà ông trọn đời theo đuổi. Nhân kỷ niệm 95 năm ngày sinh của ông, tôi xin giới thiệu bài viết về cuộc trò chuyện này


-Ba mươi năm, với hơn 40 vở, số lượng chưa nhiều, nhưng có không ít vở diễn của anh được coi là đã ghi dấu trong chặng đường phát triển nghề đạo diễn ở nước ta. Qua những vở diễn ấy, dễ nhận thấy một đặc điểm: Anh hay dựng những vở quy mô lớn, hoành tráng, huy động nhiều diễn viên: Tiếng sấm Tây Nguyên – 60 diễn viên, Âm mưu và hậu quả – 70 diễn viên, Nguyễn Trãi ở Đông Quan – 80 diễn viên … cũng có những vở tuy không đông người diễn nhưng vẫn tạo cảm giác đồ sộ, bề thế như: Hình và bóng, Con cáo và chùm nho, Đỉnh cao phía trước, Âm mưu và tình yên. Lôi Vũ … và gần đây là Vua Lia. Người ta có cảm giác anh có một sự “thiên ái” với tính hoàng tráng. Anh nghĩ sao về ý kiến này?

– Tôi luôn cố gắng chỉ dựng những kịch bản mà tôi yêu thích. Tôi thường chọn kịch bản theo những tiêu chuẩn sau: Chất lượng nghệ thuật của tác phẩm và ý nghĩa vấn đề mà tác phẩm đặt ra. Sau đó mới tính đến những điều kiện để dựng vở kịch: Đoàn kịch có đủ số lượng diễn viên theo yêu cầu của kịch bản không và chất lượng diễn viên có đáp ứng đòi hỏi thể hiện nhân vật của kịch bản không? Chỉ sau khi những câu hỏi trên được trả lời, mới có thể bắt tay vào dựng vở.

Như vậy không có chuyện từ đầu đã cố tình chọn loại vở hoành tráng, bề thế. Nhưng có thể ở tôi có một xu hướng, thậm chí một thích thú xử lý hoành tráng mà tôi không bỏ qua khi kịch bản cung cấp khả năng xử lý ấy, để cho người đạo diễn tạo ra những miếng trò “đại cảnh”.

Cũng có thể cắt nghĩa điều nhận xét rất thú vị của bạn như thế này: Tôi bước vào nghề đạo diễn khi sân khấu ta thiên về tính chất anh hùng ca, và tôi đã cố gắng tạo cho mình khả năng ấy.

Tôi cũng có thể dẫn ra đây những vở diễn khác như Nguồn sống trong đời, Cô gái độ mũ nồi, Hoa cúc xanh trong đầm lầy… được thể hiện với một cách nói nhỏ nhẹ, thân mật, khiêm nhường mà tôi vô cùng yêu thích. Song bạn có thể nhận thấy loại vở này xuất hiện vào giai đoạn sân khấu nước ta không còn mặn mà với xu hướng anh hùng ca nữa.

Như vậy, dẫu muốn hay không tôi cũng không thể thoát ly khỏi xu thế chung của những giai đoạn sân khấu nước ta.

– Với anh vở diễn nào quan trọng nhất? Anh thích thú vở nào nhất?

– Như tôi đã trả lời: Tôi luôn tìm cách dựng những vở kịch mà tôi yêu thích. Nếu có trường hợp nào phải dựng một kịch bản còn nhược điểm, thì phải cố gắng biên tập lại (tốt nhất là cùng với tác giả) cho đến kịch bản phù hợp với mình, để có thể yêu nó được. (một đạo diễn tiền bối từng khuyên tôi: “Người đạo diễn bao giờ cũng phải là luật sư bảo vệ tác phẩm. Phải yêu kịch bản đến mức ngay cả sự vụng về của kịch bản cũng trở thành đáng yêu”).

Vì vậy, tôi đã dàn dựng mỗi vở diễn với tất cả năng lực, lòng say mê, và khi bắt đầu dựng không vở nào quan trọng hơn vở nào.

Tất nhiên kết quả những vở diễn thường không giống nhau, và đem tới cho mình những niềm vui nỗi buồn khác nhau. Có khi tôi sung sướng vì vở diễn thành công, có khi tôi rất yêu mến một vở diễn khác – mặc dù một bộ phận dư luận chống lại nó kịch liệt – chính vì những nỗi băn khoăn, những dằn vặt cay đắng và công phu mồ hôi nước mắt mình đã đổ ra cho nó. Vở diễn gây ra tranh luận dữ dội, thậm chí bị “đổ” có khi đem lại cho mình niềm vui và lòng tự tin hơn cả một vở diễn được khẳng định nhất trí ngay từ đầu.

Tôi đã có lần tâm sự: Vở diễn giống như cuộc tình duyên lớn giữa sân khấu và khán giả. Trong cuộc tình này, với người đạo diễn, khả năng yêu được còn quan trọng hơn khả năng được yêu trở lại. Anh cứ yêu hết mình đi. Còn anh được yêu lại hay không, hoặc anh có bị phụ tình đi chăng nữa, không đáng sợ. Điều đáng sợ là anh chỉ biết yêu một mình anh.

Có lẽ do đặc điểm này mà tôi không bao giờ dám cầm chắc thành công khi vở diễn chưa hoàn thành, chưa ra mắt khán giả. Dàn tập trên sàn gỗ là một công việc lôi cuốn say mê. Nhưng chờ đợi kết quả vở đã dàn dựng thật là đầy bắt trắc lo âu.

– Tôi biết anh là người rất tự tin! Phải chăng vì thế, có dư luận cho rằng anh bất cần khán giả. Điều đó có đúng không?

– Có người đạo diễn nào dám coi thường khán giả. Bởi vì khán giả là lý do tồn tại của sân khấu (mặc dù cần phân biệt khán giả nào và sân khấu nào). Bất cần khán giả thì đâu còn phải chờ đợi, hồi hộp?

Nhưng có thể hiểu thêm một khía cạnh khác của tâm trạng này qua câu nói nổi tiếng của Lu-y Giu-vê, một đạo diễn lớn người Pháp. “Đặc điểm của nghề đạo diễn chúng ta là sự bất an. Khi nào anh hết băn khoăn, anh yên trí không lo gì nữa, đó là điềm báo rằng anh nên bỏ nghề đi thôi!”.

– Qua hàng loạt vở diễn của anh, có thể nhận rõ một phong cách đạo diễn khó lẫn, nhưng đồng thời cũng thấy các vở ấy không lặp lại nhau. Anh đã làm thế nào để tránh sự lặp lại sự đơn điệu, tìm ra cái mới, anh không đi trở lại một lối mòn dù là lối mòn của chính mình?

– Kịch bản văn học bao giờ cũng là cơ sở là tiền để của vở diễn, người đạo diễn không thể tồn tại độc lập với khán giả. Và theo tôi cách tốt nhất để tránh sự lặp của mình, và luôn luôn tôn trọng kịch bản – mặc dù điều này mới nghe có vẻ như một nghịch lý. Đừng bao giờ áp đặt một tính cách riêng, kiểu cách riêng của mình vào tác phẩm mà mình dựng. Hãy tôn trọng những đặc điểm khác nhau, hãy tìm cách đến với tác phẩm theo con đường riêng phù hợp nhất. Mỗi tác phẩm đòi hỏi một cahs tiếp cận khác nhau, điều đó tạo ra sự đa dạng của công việc đạo diễn.

Trong khi nói về đạo diễn, người ta thường hay nhắc đến khái niệm “chìa khóa”. Tôi xin nói thêm cho rõ: Có thể ví mỗi tác phẩm là một ngôi nhà. Cần tìm ra những chìa khóa khác nhau để mở cửa những ngôi nhà khác nhau. Anh sẽ đơn điệu biết bao nhiêu nếu anh vào tất cả mọi ngôi nhà chỉ bằng một chìa khóa!

Sau nhiều năm làm nghề đạo diễn, tôi mới hiểu câu nói sâu sắc của Lu-y Giu-vê: “Thái độ khiêm nhường trước tác phẩm tạo nên sự cao quý của nghề đạo diễn”.

– Anh đã hoàn thành vở diễn Vua Lia ở nhà hát kịch Trung ương. Vì sao đúng vào thời điểm rất khó khăn này – Khi mà sân khấu là chạy theo những gì ăn khách “dễ tiêu”, dễ làm, ít tốn công để tồn tại – anh lại chọn dựng một vở cổ điển, lại là vở lớn nhất và khó nhất của Shakespeare.

– Tôi cho rằng bây giờ mới dựng Vua Lia là quá muộn. tại sao mãi tới gần đây sân khấu ta mới dựng Shakespeare, hầu như sau tất cả mọi nước khác trên thế giới? Thí dụ nhiều nước Châu Phi đã dựng Shakespeare trước chúng ta lâu rồi.

Theo tôi, dựng Vua Lia bao giờ cũng là đúng lúc. Vì tác phẩm của Shakespeare không bao giờ quá thời, dù ở đâu và vào thời điểm nào cũng vẫn khiến cho người xem suy nghĩ về những vấn đề lâu dài và trước mắt. Nhiều nhà hoạt động sân khấu thế kỷ 20 này đã gọi Shakespeare là người “cùng với thời chúng ta”. Ở Việt Nam, nói chung khán giả sau khi xem vở diễn Vua Lia, cũng thừa nhận kịch bản này đã được viết cách đây ngót 400 năm mà tính đương thời còn nguyên vẹn… và mỗi người có thể rút ra cho mình, cho thời đại mình những bài học bổ ích.

Người đạo diễn nào cũng muốn được dàn dựng Shakespeare. Đụng đến những thiên tài bao giờ cũng là đối đầu với những thách thức. Dựng Shakespeare là một cuộc thử thách gắt gao, chính vì thế mà hấp dẫn. Qua tác phẩm của ông, người đạo diễn có thể “nói ra” biết bao điều tâm huyết.

Người diễn viên nào cũng mong được sống trên sân khấu với những nhân vật phong phú, sâu sắc phức tạp của Shakespeare. Mặc dù đã có biết bao vai diễn khác nhau suốt mấy thế kỷ, những nhân vật ấy bao giờ cũng có sức mới lạ, đầy khám phá bất ngờ đối với những diễn viên có tâm hồn nồng nhiệt tinh tế, có nghề nghiệp vững vàng. Đó là nguồn sáng tạo vô tận, vừa là trường đào tạo tuyệt vời. Giống như những người nhạc công chỉ thực sự được tôi luyện qua biểu diễn với giàn nhạc giao hưởng chính quy, người diễn viên chỉ thực sự đo tầm của mình bằng thử sức ở các tác phẩm cổ điển, mà đứng hàng đầu là các tác phẩm của Shakespeare.

Đúng như bạn nói, sân khấu ta đang vào thời điểm rất khó khăn. Sự thiếu vắng kịch bản hay chính là một khó khăn lớn nhất, đó là mối đe dọa ghê gớm với nghệ thuật, diễn viên. Phải diễn mãi những vai kịch nhạt nhẽo tầm thường, vô hồn, thậm chí rẻ tiền, người diễn tài năng đến mấy cũng sa sút, thui chột dần. Vì vậy, tôi cho rằng chính trong thời điểm này lại càng cần dựng Shakespeare hơn bao giờ hết.

Trước tình hình rất khó khăn, để đáp ứng yêu cầu “tồn tại”, những năm gần đây sân khấu đã sản xuất ra hàng loạt vở diễn loại “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”, và nhiều người đã lớn tiếng cổ vũ cho một kiểu làm ăn lấy tốc độ làm thước đo giá trị tài năng. Sự làm ẩu đã trở thành nguy cơ khó khắc phục, bởi vì sự làm ẩu đã trở thành quen tay mất rồi. Các tác phẩm cổ điển sẽ cứu chúng ta khỏi nguy cơ ấy. Vì không thể làm ẩu khi đụng đến thiên tài. Chính qua dàn dựng các tác phẩm cổ điển , ta có thể xác định lại những yêu cầu của một nền sân khấu chân chính, một nền sân khấu chuyên nghiệp. Ta có thể lại cố gắng tạo ra tính hoàn chỉnh, đồng bộ vở diễn, một tiêu chuẩn cực kì quan trọng, lâu nay đã bị quên mất.

Dựng kịch cổ điển – và dựng Shakespeare – lúc này theo tôi là rất cần thiết.

– Trong tình hình khán giả hiện nay, anh nghĩ thế nào về tính hấp dẫn và tính giải trí của vở diễn?

– Kịch Shakespeare rất hấp dẫn, nếu không đã chẳng tồn tại hơn bốn thế kỷ. Còn giải trí ư? Giải trí là thuộc tính của sân khấu. Thừa nhận bi kịch của Shakespeare là phần tinh hoa nhất của di sản sân khấu loài người, tức là phải thừa nhận nó chứa đựng cả giá trị giải trí.

Tuy nhiên, câu hỏi của bạn không thể trả lời như vậy. Ta thử đi sâu thêm. Nếu giải trí như sân khấu ta đang hiểu và đang gắng sức chiều theo lâu nay, thì toàn bộ bi kịch từ cổ Hy Lạp tới nay cần phải gạt bỏ. Bởi vì giải trí mà đi xem Vua Oedipe tự móc mắt để trừng phạt lỗi lầm của mình? Giải trí mà đi xem Mesdee giết con, và Othello bóp cổ vợ? Và cả Vua Lia nữa? ta tìm thấy câu trả lời: Giải trí cũng như hấp dẫn, có nhiều cấp độ. Bi kịch lớn thuộc một loại giải trí ở cấp độ khác với loại kịch chiều theo một thích thú hể hả bình thường.

Vich-to Huy-gô đã so sánh: “Bi kịch lớn giống như biển lớn sóng cao. Không phải ai cũng chịu nổi. Mà đã không chịu nổi thì chóng mặt, nôn mửa”.

Hoàng Kim Dung (VHVN)

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.