Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023, người dân làng Đắc Sở (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) lại tất bật trong việc thu hoạch cây Phật thủ ở vụ mùa lớn nhất trong năm.
Vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, cây phật thủ là loại quả được người dân ưa chuộng để bày bán cũng ban thờ trong gia đình. Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, cây phật thủ với hình dáng như những ngón tay chụm lại giống bàn tay Phật, mang lại may mắn trong năm mới, tài lộc, ấm no, khỏe mạnh. Ngoài ra, cây Phật thủ còn có ý nghĩa đón khách quý, rước tâm an, quả phật thủ rất quan trọng trong mâm ngũ quả ngày tết của người Việt – Ảnh: Đình Trung
Phật thủ có mùi thơm thanh, nhẹ. Theo quan niệm dân gian có thể trừ tà khí, mang lại sự tốt lành cho gia chủ – Ảnh: Đình Trung
Phật thủ có tên khoa học là Citrusmedica var. sarcodactylis; là giống cây ăn quả thuộc chi Cam chanh. Tên gọi của loài cây này xuất phát từ hình dáng của quả giống bàn tay Phật – Ảnh: Đình Trung
Theo ông Nguyễn Tài Sinh – chủ vườn cây Phật thủ (xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) cho biết: “Mỗi cây Phật thủ từ khi trồng cho tới khi thu hoạch thì khoảng 1 năm. Vòng đời cây Phật thủ từ 5-6 năm, vậy nên mỗi khi hết một lứa, đất sẽ được cải tạo lại vài năm trước khi đưa vào trồng lứa mới” – Ảnh: Đình Trung
“Thông thường, cây Phật thủ cho ra hoa kết quả quanh năm, nối tiếp nhau nhưng chủ yếu thu hoạch vụ chính vào thời điểm tháng 6, tháng 7 và Tết Âm lịch. Trung bình mỗi cây cho khoảng 50-60 quả, thu hoạch trong 3 năm” – chủ vườn Phật Thủ Nguyễn Tài Sinh cho biết thêm – Ảnh: Đình Trung
Chủ vườn Phật thủ cho biết, vào dịp cuối năm thì lượng thu hoạch tương đối nhiều nên phải huy động thêm nhiều nhân lực (từ 5-10 người) hỗ trợ để kịp tiến độ phân phối cây Phật thủ ra thị trường. Trung bình một ngày thu hoạch khoảng gần 1.000 quả, những ngày cận Tết thì một ngày thu hoạch khoảng 5.000 – 7.000 quả, thậm chí có những năm thu hoạch hàng vạn quả – Ảnh: Đình Trung
Những chiếc xe rùa chật ních những quả Phật thủ trong mỗi vụ thu hoạch – Ảnh: Đình Trung
Những nhân công tất bật thu hoạch Phật thủ trong vụ mùa lớn nhất trong năm – Ảnh: Đình Trung
Theo chủ vườn Phật thủ cho biết, tùy kích cỡ từng quả Phật thủ mà có giá thành khác nhau giao động từ 20.000 đến vài trăm nghìn đồng (do nhu cầu của người tiêu dùng). Thậm chí có những quả mang hình dáng đẹp, độc, lạ mà giá thành lên đến hàng triệu đồng/quả vẫn được các thương lái và khách hàng săn đón, đặt mua từ rất sớm – Ảnh: Đình Trung
“Những quả Phật thủ sau khi thu hoạch được phân phối theo đơn đặt của khách hàng, những đơn hàng sang Campuchia, Lào hay Indoneisa… thì có thể gửi xe ôtô trong nội địa. Còn đối những đơn bên Nhật Bản hay Hàn Quốc thì phải ship bằng đường hàng không máy bay” – chủ vườn Phật thủ cho biết.
Theo tìm hiểu thì Phật thủ là một loài cây rất khó tính, nên việc chăm sóc cần đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kì và chủ vườn cũng cần theo dõi sát sao thời tiết – Ảnh: Đình Trung
Cũng theo chú Nguyễn Tài Sinh, chủ vườn Phật thủ rộng hơn 4 mẫu tại Đắc Sở chia sẻ: “Thời tiết mỗi năm một khác. Nên việc chăm sóc, theo dõi loài cây này phải thực hiện ngay từ lúc đầu. Nhất là lúc cây bắt đầu ra quả là thời điểm quan trọng nhất nên phải theo dõi thường xuyên, như thời gian giáp Tết Nguyên đán này, cả đêm và ngày đều nhiều sương, lạnh khiến cho phật thủ không được to và nhiều “ngón tay” – Ảnh: Đình Trung
Ngoài ra trong những năm gần đây, nhiều khách hàng chuyển sang mua những quả Phật thủ có màu xanh nhiều hơn nhằm đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng, thậm chí, nhiều chủ vườn cũng đầu tư phát triển và chăm sóc các cây Phật thủ bonsai – Ảnh: Đình Trung
Trung Nguyễn
Nguồn Báo Công luận
https://www.congluan.vn/lang-trong-phat-thu-tat-bat-trong-dip-can-tet-nguyen-dan-2023-post227539.html