Hướng đến giai đoạn 2023 -2027 với mục tiêu là giảm nhanh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong đó, hoạt động trồng cây là giải pháp để trung hòa carbon, hướng đến Net Zero.
Mới đây, tại buổi lễ trao giải cuộc thi viết “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ nhất, đồng thời phát động cuộc thi viết lần thứ 2 mới đây do Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cùng với Báo Tài Nguyên và Môi trường tổ chức, ông Hoàng Mạnh Hà, Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường đã cho biết, nhiều quốc gia và tổ chức môi trường đã xác định trồng rừng, trồng thêm cây xanh là giải pháp hiệu quả và cấp thiết để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.
Tại Việt Nam, trồng thêm cây xanh, trồng rừng cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu để chống lại tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời, cải thiện cảnh quan, nâng cao chất lượng sống cho người dân và hướng đến phát triển bền vững.
Hoạt động trồng cây để trung hòa Carbon hướng đến Net Zero giai đoạn 2023 – 2027 nhằm giảm nhanh khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong đó, có khí carbon dioxide (CO2). Đây là giải pháp cấp thiết được nhiều quốc gia triển khai. (ảnh minh họa)
Với đặc tính sinh trưởng tự nhiên, cây xanh có khả năng hấp thụ lượng lớn khí CO2 qua quá trình quang hợp. Ngoài CO2, cây xanh còn có khả năng hấp thụ các chất độc hại khác từ không khí như SO2, Clo, NH3, HCL,… Bên cạnh đó, cây xanh còn có thể hấp thụ, chuyển hóa nhiều chất độc hại trong đất và nguồn nước.
Theo đó, dự án được quản lý, giám sát một cách hệ thống, bài bản và chuyên nghiệp từ khâu khảo sát, đánh giá tiền khả thi đến khâu lập kế hoạch trồng chi tiết, lên phương án chăm sóc và bảo vệ cây, lập báo cáo phân tích và đo đạc số liệu về lượng khí CO2 được hấp thụ, kiểm kê khí nhà kính…
Được biết hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang đề xuất với Chính phủ sớm ban hành một loạt các văn bản pháp lý quan trọng, làm cơ sở triển khai như: Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon.
Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia để triển khai thực hiện; Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam… Đây là những văn bản pháp lý, công cụ để thực hiện các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.
Hà Thành
Nguồn Báo Tin tức
https://www.congluan.vn/tang-cuong-hoat-dong-trong-cay-nham-giam-khi-thai-gay-hieu-ung-nha-kinh-post224749.html