NTK La Sen Vũ mới đây đã giới thiệu BST “Hoa Cúc Và Mặt Trời Đại Việt” trong khuôn khổ chương trình Aquafina Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam Thu Đông 2022 – Aquafina Vietnam International Fashion Week F/W 2022, vào ngày 26/11/2022 tại Cung thể thao Quần Ngựa (30 Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội).
NTK Vũ Lan Anh, một nữ kiến trúc sư có niềm đam mê nghệ thuật và thời trang mãnh liệt, đã dày công nghiên cứu về tà áo dài Việt truyền thống với mong ước đem lại sức sống mời cho tà áo dài của phụ nữ Việt Nam. Sự thành công của chị đã tạo nên các sản phẩm mang nét đẹp rất riêng, rất cá tính, tạo nên dấu ấn khác biệt cho thương hiệu “Áo dài La Sen Vũ”, một thương hiệu áo dài mang đậm nét đẹp văn hoá của người Việt. Mỗi sản phẩm của thương hiệu áo dài La Sen Vũ là một tác phẩm nghệ thuật, khai thác những hình ảnh văn hóa Việt, đặc biệt là những nét đẹp di sản văn hóa truyền thống có nguy cơ dần bị lãng quên để thêu dệt nên những họa tiết trên tà áo dài, những câu chuyện kì diệu về văn hóa Việt Nam.
Nổi tiếng với những dấu ấn thiết kế từ những hình ảnh đặc trưng của tranh dân gian Việt Nam, của các lễ hội, địa danh nổi tiếng và các vùng miền dân tộc, thương hiệu La Sen Vũ nỗ lực khai thác chất liệu truyền thống thủ công như lụa, thổ cẩm,… trong các BST đã ra mắt cũng như BST mới này. Tất cả sẽ được thêu dệt trên tà áo dài đậm chất truyền thống nhưng vẫn mang nét đương đại dễ cảm, dễ sử dụng trong đời sống thường nhật. Những tà áo dài của NTK La Sen Vũ đậm nét đẹp truyền thống mà vẫn mang màu sắc mới mẻ rất riêng được thể hiện qua nhiều BST đầy nghệ thuật như BST “Champa Fashitecture” tại Chung kết Hoa hậu thế giới Việt Nam 2022, BST “Tinh hoa đờn ca Việt” trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam (HHVN) 2020…
Sự kiện năm nay, lấy cảm hứng từ những hình ảnh đặc trưng đậm chất văn hóa Bắc Bộ như hoa cúc, hoa sen, chim hạc, chim phượng hoàng quyền quý,… NTK La Sen Vũ sẽ đem đến sàn diễn thời trang Thu Đông năm nay những thiết kế từ trang phục hàng ngày tới áo dài trình diễn trong các sự kiện. BST không chỉ tập trung vào những kĩ thuật thiết kế mà còn chăm chút cho cả trang sức, tạo ra điểm nhấn tinh tế như bức họa nghệ thuật cho tổng thể trang phục. Thông qua BST này, NTK mong muốn thể hiện sự khát khao vươn lên và sự thịnh vượng phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam.
BST “Hoa Cúc Và Mặt Trời Đại Việt” không chỉ là sự sáng tạo riêng của NTK La Sen Vũ mà được dựa trên những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu như: TS. Trần Hậu Yên Thế, Nghệ nhân Vũ Kim Lộc, NNC Hiếu Trần,… những người có những đóng góp to lớn trong việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc. Kế thừa và phát huy những nghiên cứu đó, NTK La Sen Vũ chắt lọc tinh hoa trong các nghiên cứu ấy vào thời trang, cùng chung tay bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.
NTK La Sen Vũ muốn tôn vinh giá trị di sản văn hóa dân tộc qua BST “Hoa Cúc Và Mặt Trời Đại Việt” với hình ảnh Mặt trời và hoa cúc. Bởi Hoa cúc, ở góc độ ứng dụng trong lĩnh vực thời trang thì ở nước ta đã có lịch sử lâu đời và có lẽ bắt đầu từ thời Lý (1010 – 1225). Nó được xuất phát từ ý niệm tượng trưng cho khát vọng, trường tồn và viên mãn. Vì vậy có thể nói: Cúc Đại Việt, một nét riêng không lẫn với bất kỳ quốc gia nào, nhất là với Nhật Bản và Trung Quốc.
Kể từ khi Mặt Trời – Hoa Cúc được phát hiện trang trí trong toàn bộ hệ thống mũ miện của nhà Nguyễn. Từ đây đã mở ra một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, và đã cho thấy không chỉ ở nhà Nguyễn mà các triều đại trước đó cũng đã sử dụng hình tượng Mặt Trời – Hoa Cúc làm biểu tượng của vương quyền, đặc biệt là còn phát hiện ngay ở thời kỳ dựng nước là nhà nước sơ khai Văn Lang – Âu Lạc cũng đã sử dụng Mặt Trời – Hoa Cúc trên trống đồng Đông Sơn làm biểu tượng cho quyền lực. Có thể nói đây là sự tiếp nối giống như một sợi dây xuyên suốt chiều dài lịch sử, một quá trình kế thừa bền vững của dân tộc. Bên cạnh Hoa sen – một trong những loài hoa tiêu biểu có thể coi là đại diện của Việt Nam của văn hóa Á Đông thì Hoa cúc với ý niệm tốt đẹp như, ví với người quân tử, là sự trường thọ, trường tồn, viên mãn, thậm chí là bất tử vv…hoa cúc là một phần của lịch sử văn hóa Việt Nam.
Còn về hình ảnh mặt trời được thể hiện trên các hiện vật và di tích thì ngay ở giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (niên đại khoảng trên dưới 4000 năm cách ngày nay), tại di chỉ Nghĩa Lập, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hoa văn hình mặt trời trên một dọi se chỉ bằng đất nung, trên chân đế của một chiếc bát bồng bằng gốm thuộc văn hoa Gò Mun cũng có hình ngôi sao 6 cánh mà các nhà nghiên cứu cho rằng đó là tiền thân của mặt trời. Tiếp đến nền văn hóa ĐôngSơn (niên đại trên dưới 2500 năm cách ngày nay) thì hình tượng mặt trời được thể hiện vô cùng phổ biến, nhất là trên trống đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là mặt trời ở thời kỳ này lại còn được lồng ghép vào một hình hoa và từ đây đã mở ra hướng nghiên cứu mới.
Cùng đón chờ vẻ đẹp di sản văn hóa miền Bắc giữa dòng chảy đương đại sẽ được tái hiện qua BST “Hoa Cúc Và Mặt Trời Đại Việt” của thương hiệu La Sen Vũ trong Aquafina Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam Thu Đông 2022 – Aquafina Vietnam International Fashion Week F/W 2022, vào ngày 26/11/2022 tại Cung thể thao Quần Ngựa (30 Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội).
(Bài viết được lấy nguồn tài liệu từ nhà nghiên cứu, nghệ nhân Vũ Kim Lộc)
Hồng Mai