Cá dài khoảng 60cm, nặng 3,5kg, toàn thân ánh lên màu vàng óng, được câu ở khu vực cầu Thuận Phước.
Ngày 29/9, nhiều người kéo nhau lên tàu cá của anh Võ Thanh Sơn (34 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) để xem con cá nghi là sủ vàng.
Cá nghi sủ vàng do anh Sơn câu được ở khu vực cầu Thuận Phước. Ảnh: Ngọc Trường.
Anh Sơn cho biết câu được cá ở khu vực cửa sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng vào khuya ngày 27/9. Khi nhìn rõ dưới ánh điện, anh phát hiện cá có vảy và vây màu vàng óng ánh.
Con cá đang còn sống, dài khoảng 60 cm, nặng 3,5 kg. Đặt nằm trong chậu ở bóng râm nhìn cá không có gì đặc biệt, nhưng khi đưa ra ánh nắng toàn thân ánh lên màu vàng óng. Con cá hiện được chăm sóc, để chờ giám định có phải là sủ vàng hay không.
Toàn thân cá vàng óng khi có ánh sáng chiếu vào. Ảnh: Ngọc Trường.
Cá sủ vàng tên khoa học là Otolithoides biauritus, phân bố chủ yếu ở vùng biển Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Sri Lanka, Trung Quốc và có giá trị kinh tế rất cao do bong bóng cá được dùng làm chỉ khâu hữu cơ dễ tan trong y học. Ngoài ra, món ăn chế biến từ cá sủ vàng được giới giàu có ưa thích.
Ở Việt Nam, ngư dân ở các địa phương như Nghệ An, Quảng Bình, Bến Tre,… từng bắt được cá nghi sủ vàng và bán với giá hàng trăm triệu đồng tuỳ theo cân nặng.
Mùa sinh sản vào tháng 1- 4 và 9-10 âm lịch, loài cá này thường vào các vùng cửa sông nước lợ để tìm cặp đôi, đẻ con. Cá con ngược lên vùng nước ngọt sâu trong đất liền sống, sau khoảng 1-2 năm khi đạt trọng lượng khoảng 10 kg sẽ tìm ra biển.
Theo VnExpress