Lễ hội đua ghe Ngo không chỉ là hoạt động thể thao, thể hiện tính cộng đồng, mà còn có ý nghĩa văn hóa, tâm linh đặc biệt với đồng bào Khmer.
Các đội ghe Ngo tập kết chuẩn bị thi đấu tại giải đua ghe Ngo Sóc Trăng. Ảnh tư liệu: Trung Hiếu/TTXVN
Lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tin vui đối với đồng bào Khmer, tạo động lực để bà con tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị lễ hội truyền thống đặc sắc.
Đua ghe Ngo là phần hấp dẫn nhất trong lễ hội Ok Om Bok – một trong 3 lễ hội lớn của người Khmer, bên cạnh Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay và lễ cúng ông bà Sene Dolta. Đây được coi là hoạt động rước đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước, thể hiện sự biết ơn đối với thần nước đã phù hộ cho người dân một mùa màng bội thu. Tuy nhiên, không đơn giản là vậy, phong tục đua ghe Ngo chứa nhiều ý nghĩa thiêng liêng đối với đồng bào Khmer đang sinh sống tại vùng đất trù phú Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm nay, lễ hội đua ghe Ngo là một trong những những hoạt động chính của Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ. Chính vì vậy, từ đầu tháng 10 đến nay, các đội ghe Ngo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tích cực tập luyện để chuẩn bị cho giải đấu lớn.
Dù không còn phong độ như những năm đầu của thế kỷ XXI, với hơn 10 chức vô địch trong, ngoài tỉnh từ năm 2002 đến năm 2008, nhưng năm nào cũng vậy, cứ sau lễ cúng ông bà Sene Dolta là Ban Quản trị, Ban Tổ chức Đội ghe Ngo chùa Bốn Mặt, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, lại rộn ràng chuẩn bị cho Ok Om Bok. Công việc đầu tiên là chỉnh sửa lại phương tiện thi đấu – chiếc ghe Ngo vốn được cất giữ thật cẩn thận. Nếu như ở phía sau chùa, Ban Quản trị, các vị cao niên lo tu sửa lại ghe thì ngay cạnh đó là tiếng còi, tiếng dầm khuấy nước của các tay bơi.
Ông Lâm Ken, Ban Tổ chức Đội ghe Ngo chùa Bốn Mặt cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên những năm gần đây không diễn ra các giải đua ghe Ngo. Năm nay, giải đua ghe Ngo được tổ chức là một trong những hoạt động chính của Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ, với nhiều đội ghe Ngo đến từ 12 tỉnh, thành phố tham dự, do đó Đội phải chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng. Các thành viên trong đội chỉnh trang, sửa chữa lại ghe Ngo, mỗi người một việc và không thuê thợ bên ngoài.
Cũng trên tuyến đường hướng về Vũng Thơm – nơi nổi tiếng với làng nghề bánh Pía, cách chùa Bốn Mặt không xa là chùa Cham Pa (cùng thuộc xã Phú Tân). Nếu xét về thành tích trong hơn 2 thập kỷ qua, đội chùa Cham Pa không nhiều như đội chùa Bốn Mặt, nhưng cùng với các đội Phnôrôca (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành), Săng Ke (Trường Khánh, huyện Long Phú), Pô Thi ThLâng (huyện Kế Sách), Prêk Om Pu (huyện Trần Đề)… Cham Pa là đội ghe có một bề dày lịch sử, từng nổi danh từ thế kỷ trước. Tuy nhiên, với ghe Ngo, môn thể thao cổ truyền thành tích chỉ là một phần nhỏ. Điều quan trọng là niềm vui của làng xã, phum sóc, sự nối tiếp truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc.
Theo Trưởng ban Quản Trị chùa Cham Pa Lâm Bình Minh, năm nay, lễ hội đua ghe Ngo diễn ra trong không khí vui tươi, rộn ràng. Bà con tham dự và cổ vũ nhiệt tình cho các thành viên trong đội.
Cùng với đội chùa Bốn Mặt, Cham Pa, hầu hết các đội ghe Ngo hiện có ở Sóc Trăng đã bước vào tập luyện. Tum Núp 2 (huyện Châu Thành), Om Pu Year (huyện Mỹ Xuyên), Wath Pich (thị xã Vĩnh Châu), Bâng Ton Sa (huyện Trần Đề) là 4 đội xếp Nhất, Nhì, Ba, Tư ở hội đua gần nhất – Ok Om Bok Sóc Trăng 2020. Đặc biệt, những đội từng dành những thứ hạng cao những năm gần đây như Pong Tuk Chắs, Ông Kho (huyện Thạnh Trị), Trà Cuông, Đay Om Pu (huyện Mỹ Xuyên), Trà Tim Cũ, Pô Thi Sa Tha Ram (thành phố Sóc Trăng)… đều đã “vào guồng” luyện tập.
Anh Lý Sà Mây, Đội trưởng Đội ghe Ngo chùa Om Pu Year (huyện Mỹ Xuyên) cho biết, năm nay, Đội đua của chùa có hai đội ghe với khoảng 150 người. Do trong thời gian dịch bệnh nên các đội không tham dự ở bất kỳ giải nào, năm nay tham dự giải đua, tinh thần các thành viên rất cao.
Ánh trăng rằm tháng 9 đã sáng tròn trên bầu trời đêm, chưa đầy một tháng nữa là đến hội đua. Từ nay, nhịp dầm của các tay bơi sẽ càng thêm hối hả. Đặc biệt, Lễ hội đua ghe Ngo năm nay sẽ trở lại sau một thời gian dài gián đoạn vì COVID-19. Cùng với đó là Ngày hội lớn của toàn vùng – Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ – 5 năm mới diễn ra một lần tại Sóc Trăng đúng vào dịp Ok Om Bok cổ truyền của đồng bào Khmer địa phương. Tất cả sẽ cùng tưng bừng rộn rã với ánh trăng rằm tháng 10 – Ok Om Bok Sóc Trăng 2022.
Nhật Bình (TTXVN)
Nguồn Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/van-hoa/tich-cuc-chuan-bi-cho-mua-dua-ghe-ngo-20221015080951581.htm