Ngày 7/10, tại thành phố Huế, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Đại học Huế tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới”.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo là diễn đàn khoa học để các trường đại học trao đổi kinh nghiệm cũng như cùng đưa ra giải pháp thực tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, chất lượng giáo dục đại học là quan niệm đa chiều liên quan đến các vấn đề giảng dạy, chương trình học, nghiên cứu, việc cung ứng về nhân sự, sinh viên, cơ sở hạ tầng và môi trường đại học. Mọi cơ sở giáo dục đại học cần ý thức rõ, có sự đánh giá từ trong nội bộ và từ bên ngoài được tiến hành bởi các chuyên gia độc lập. Tuy nhiên cần chú ý đến tính đặc thù của trường, vùng và quốc gia để tính đến sự đa dạng, tránh đơn điệu. Để đạt mục tiêu đó, việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới là hoạt động quan trọng, cấp thiết.
Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, giáo dục đại học ngày nay trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi của mỗi quốc gia, không những cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Định hướng phát triển của giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian tới, không chỉ mở rộng quy mô mà còn tập trung nâng cao chất lượng. Thứ trưởng mong muốn, qua Hội thảo lần này các đại biểu làm rõ những yếu tố thể hiện chất lượng giáo dục; cơ hội, thách thức, khó khăn đặt ra để đưa ra giải pháp thiết thực. Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thay đổi, điều chỉnh những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ thời gian tới, đồng thời kiến nghị cơ quan cấp trên, với Đảng và Nhà nước để có giải pháp đột phá trước mắt cũng như lâu dài nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Hội thảo đã nhận được 120 bài tham luận khoa học của cán bộ quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục, giảng viên ở các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Các báo cáo tập trung vào một số vấn đề cấp bách và thiết thực như: Định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học; nhận dạng các rào cản trong phát huy quyền tự chủ đại học để nâng cao chất lượng giáo dục đại học; nâng cao năng lực của các hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học và bên trong tổ chức kiểm định chất lượng; triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học; xây dựng hệ sinh thái giáo dục đại học mở, số, linh hoạt và liên thông; xây dựng đội ngũ giảng viên và trọng dụng nhân tài trong giáo dục đại học.
Quang cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, sau gần 35 năm thực hiện đổi mới giáo dục, giáo dục đại học Việt Nam đã phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng hóa về loại hình và các hình thức đào tạo, bước đầu điều chỉnh cơ cấu hệ thống, cải tiến chương trình, quy trình đào tạo, huy động được nhiều nguồn lực xã hội. Dù đã có những chuyển biến tích cực, song chất lượng giáo dục đại học còn nhiều vấn đề đặt ra. Điều này càng trở thành bức thiết khi giáo dục đại học đang thoát dần khỏi mô hình truyền thống để có thể đáp ứng đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là thách thức và cơ hội sau đại dịch COVID-19.
Theo Tiến sỹ Phạm Đỗ Nhật Tiến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, giáo dục đại học Việt Nam đã có hệ thống giải pháp đầy đủ trong việc nâng cao chất lượng, vấn đề là ở những điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện. Thời gian tới, Quốc hội cần rà soát hệ hống văn bản pháp luật để đảm bảo có khung pháp lý nhất quán cho việc phát huy quyền tự chủ đại học. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần xây dựng cơ chế tài chính, cơ chế giám sát và đánh giá cùng trách nhiệm của các Bộ, ngành để bảo đảm các văn bản pháp quy được tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục đại học để bảo đảm cung cấp cho các bên có liên quan thông tin tin cậy, khách quan, minh bạch về chất lượng giáo dục đại học.
Bài và ảnh: Tường Vi (TTXVN)