Thời xưa, khi vua chúa, quý tộc có việc đi ra ngoài thường ngồi kiệu được nhiều người khiêng, còn quan lại cấp thấp thì dùng võng.
Qua các câu chuyện lịch sử, chúng ta được biết thời xưa khi vua chúa, quý tộc có việc đi ra ngoài thường ngồi kiệu được nhiều người khiêng, còn quan lại cấp thấp thì dùng võng.
Như trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, phần về vua Trần Anh Tông lúc thiếu thời, có viết: “Vua thích vi hành, cứ đêm đến, lại lên kiệu, cùng với hơn chục thị vệ đi khắp trong kinh kỳ, gà gáy mới trở về cung. Có đêm, ra đến quân phường, bị bọn vô lại ném gạch trúng vào đầu vua. Người theo hầu thét lên: “Kiệu vua đấy”. Bọn chúng biết nhà vua, mới tan chạy cả. Chuyện này xảy ra năm 1298.
Còn từ năm 1254, đời vua Trần đầu tiên là Trần Thái Tông, nhà Trần đã bắt đầu lập quy chế dùng kiệu, võng, ngựa và số lượng quân hầu cho họ tôn thất và các quan văn, quan võ.
“Toàn thư” cho biết: Từ tôn thất cho đến quan ngũ phẩm đều được đi kiệu, ngựa và võng. Tôn thất thì kiệu đầu đòn chạm phượng sơn son, tướng quốc thì kiệu đầu đòn chạm vẹt sơn đen, lọng tía; từ tam phẩm trở lên thì kiệu đầu đòn chạm mây, lọng xanh; từ tứ phẩm đến lục phẩm thì kiệu đầu đòn bằng dầu; ngũ phẩm trở lên thì lọng xanh; lục thất phẩm thì lọng giấy đen. Người theo hầu nhiều thì 1.000 người, ít thì 100 người.
“Toàn thư” không nói rõ, nhưng khi biên soạn bộ sử triều Nguyễn là “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, các sử quan triều đại này bổ sung thêm câu: “Phép nhà Trần, từ họ tôn thất đến quan ngũ phẩm đều được dùng kiệu, ngựa và võng (chỉ nha)”.
Đồng thời các nhà chép sử thời Nguyễn giải thích rõ về cái võng (chỉ nha), mà sách “An Nam chí nguyên” của Cao Hùng Trưng thời nhà Minh chép là “để nha” (cái võng): “Cách thức chế cái võng này như sau: Dùng một bức vải dài treo lên hai đầu cái đòn gỗ cong, nhưng treo cho bức vải và đòn gỗ hơi gần với nhau, trên đòn che một cái chiếu lớn; người sang trọng ngồi bên trong, hai người khiêng hai đầu võng mà đi”.
Mô tả về cái võng ở An Nam còn xuất hiện sớm hơn trong các sách vở Trung Quốc, như “Lĩnh ngoại đại đáp” của Chu Khứ Phi đời Tống viết: “Kiệu theo tục nước ấy như cái túi vải, còn sứ giả đến Khâm Châu thì ngồi kiệu mát, nắng mưa đều dùng“.
Còn sách “An Nam tức sự” của sứ thần thời Nguyên (khoảng năm 1293) mô tả rất chi tiết: “Người khiêng dùng một vuông vải dài hơn một trượng (khoảng 3 m), lấy hai vòng gỗ, mỗi vòng dài năm tấc (tầm 15 cm), thắt vải lại ở hai đầu, lại dùng dây thừng thắt vào vòng gỗ, lấy thanh tre lớn xuyên qua dây thừng, hai người khiêng… gọi là để nha. Người cao sang thì dùng lụa, gấm để khiêng, dùng sơn đen quết lên giấy dầu đen, nóc cao hơn bốn thước (tầm 1,2 m), sống lưng nhọn mà diềm che rộng. Diềm rộng khoảng bốn thước (1,2 m). Mưa thì căng ra, nắng thì bỏ nóc mà dùng ô”.
Một học giả khác thời Nguyên là Mã Đoan Lâm, trong bộ “Văn hiến thông khảo” (năm 1307) cũng cho biết về cái “để nha” ở nước ta: “Quan sang thì ngồi lên vuông vải, phía trên mắc vào thanh tre lớn, hai người khiêng, gọi là để nha”.
Hình dáng chiếc võng này được thể hiện rõ trong bức tranh dài “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ”, được các nhà nghiên cứu xác định có niên đại vào thời nhà Nguyên, có thể do họa sĩ Đại Việt vẽ, thể hiện cảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, rời khỏi động Vũ Lâm trở về. Trong tranh, vua Trần Anh Tông cùng triều thần nghênh đón Phật Hoàng, với rất nhiều phương tiện giao thông, từ kiệu, ngựa, voi, bò… Nhưng Phật Hoàng đang ngồi trên võng có 2 người khiêng, xung quanh là đoàn tùy tùng với người che lọng, người gánh bộ đồ trà… Đòn khiêng võng bằng tre hoặc trúc, được vẽ rõ từng mắt tre.
Sứ thần nhà Thanh là Lý Tiên Căn, sau khi đến kinh thành Thăng Long của các vua thời Lê trung hưng trở về, cũng mô tả lại trong cuốn “An Nam tạp ký”, về chuyện đi kiệu, đi võng của người nước ta thời đó như sau: “Người sang thì dùng lưới làm võng, hai người khiêng. Bậc đại tôn quý thì ngồi kiệu giống cái xe, lên kiệu thì khoanh chân ngồi, hoặc tám người khiêng, hoặc bốn người khiêng. Buồn cười nhất là phu kiệu, phu cầm lọng cầm quạt của vua đều cởi trần cả, chỉ dùng một khổ vải xanh quấn quanh eo, từ bẹn bó lên đến rốn, dù trời lạnh cũng không mặc áo, ai nấy hình dung đều béo chắc”.
Để che mưa nắng trên những quãng đường xa, người ta dùng võng có mui đan bằng tre rồi sơn, còn để che chắn nắng gió từ hai bên, hoặc để kín đáo, thì dùng mành hoặc sáo bằng vóc. Người dân thường còn lấy rơm rạ bệnh lại thành mui võng. Nếu đi gần và trời tạnh ráo, không nắng thì đi võng trần. Để trang trọng hoặc cũng để che nắng cho người ngồi võng, người ta dùng lọng che và nhìn vào số lọng, màu lọng có thể biết cấp bậc của người ngồi võng.
Một số ảnh tư liệu do người Pháp chụp quan lại nước ta thời Nguyễn cho thấy khi ở trên võng, người ta có thể ngồi xếp bằng, hoặc ngồi thả hai chân một bên. Đi xa, có thể nằm ngủ trong võng. Mỗi bộ võng còn có hai cái giá để gác võng khi người khiêng võng muốn nghỉ, gọi là cái chấu. Với những người quyền thế, võng sơn màu gì thì cái chấu cũng sơn màu đó.
Trong bộ tranh “An Nam quốc giang phiêu lưu phong tục tả sinh đồ” do người Nhật Bản đến Đàng Trong thế kỷ 18 vẽ, để lại đến ngày nay cũng cho thấy những người quyền quý ngồi võng, đòn khiêng vòng lên trên, còn phần để ngồi là tấm vải hình chữ nhật, hai đầu vải lồng vào thanh gỗ, rồi từ thanh gỗ mới xỏ dây nối lên đòn khiêng.
Một số bức bưu ảnh mô tả cảnh các vị quan thời Nguyễn ở Hà Nội khoảng cuối thể kỷ 19 được lính hầu võng lên công đường cho thấy, đòn khiêng võng hình cong lên như cánh cung, và được chạm trổ rất tinh xảo.
Quốc sử quán triều Nguyễn cũng mô tả cái cáng về sau là hình dáng cái võng ngày trước còn sót lại.
Theo GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-ve-cai-vong-cua-quan-thoi-xua-post609386.html