(NLĐO)- Lễ hội Lam Kinh 2022 nhằm kỷ niệm 604 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê đăng quang, 589 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi đã thu hút hàng ngàn người tham dự.
Sáng ngày 17-9, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), UBND tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2022, kỷ niệm 604 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê đăng quang, 589 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, kỷ niệm 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (2012-2022).
Theo Ban tổ chức, Lễ hội Lam Kinh 2022 nhằm tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sĩ và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước; đồng thời giới thiệu, quảng bá nét đẹp về vùng đất, con người xứ Thanh, giá trị của di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, các tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Thanh Hóa tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Lễ hội Lam Kinh được tổ chức trong 3 ngày, từ 16-9 đến 18-9 (tức ngày 21, 22, 23-8 âm lịch). Trong đó, lễ dâng hương và tế lễ tại đền thờ vua Lê Thái Tổ, khu lăng mộ, các tòa thái miếu (huyện Thọ Xuân), đền thờ Lê Lai (huyện Ngọc Lặc), thái miếu Nhà hậu Lê và tượng đài Lê Lợi (TP Thanh Hóa) sẽ diễn ra trong 2 ngày 16 và 17-9 (tức ngày 21, 22-8 âm lịch); lễ dâng hương làm giỗ Bà hàng dầu trên đỉnh núi Lam Sơn (núi Dầu) vào ngày 18-9 (tức ngày 23-8 âm lịch) theo nghi thức truyền thống.
Trong khuôn khổ Lễ hội Lam Kinh 2022 và Kỷ niệm 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt sẽ có các sự kiện như trưng bày tư liệu, hình ảnh kỷ niệm 10 năm (từ ngày 10-9 đến 20-9, tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh và khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội).
Ban tổ chức lễ hội cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, tổ chức dịch vụ lữ hành, quảng bá du lịch Thanh Hóa gắn với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Khu di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bà Triệu, Sầm Sơn, suối cá thần…
Cuối thu năm 1406, giặc Minh đưa 80 vạn quân chia làm 2 mũi vượt qua biên giới phía Bắc vào xâm lược nước ta, lập nên chế độ cai trị ngoại bang tàn bạo, hà khắc. Với tinh thần yêu nước, Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chống quân xâm lược, bảo vệ giang sơn. Trải qua 10 năm chiến đấu gian khổ, khởi nghĩa Lam Sơn đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô toàn quốc và giành thắng lợi hoàn toàn vào cuối năm 1427.
Sau khi đất nước thanh bình, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là “Thuận Thiên thừa vận, Duệ Vân Anh Vũ đại vương”, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Đông Đô (Hà Nội), mở ra một vương triều thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, kéo dài tới 360 năm.
Sau 6 năm lên ngôi, ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (tức ngày 5-9-1433) Lê Lợi băng hà khi mới 49 tuổi. Thi hài ông được đưa về an táng tại Vĩnh Lăng đất Lam Sơn.
Sinh thời, năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh. Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu… cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính là điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thường trực trông coi Lam Kinh và khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.
Trải qua hàng trăm năm, những công trình kiến trúc Hậu Lê ở Lam Kinh gần như bị tàn phá chỉ còn lại phế tích là những nền móng, lăng mộ. Nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều hạng mục di tích đã được nghiên cứu, bảo tồn nguyên trạng, chống xuống cấp, nhiều hạng mục di tích đã được phục dựng, phục hồi, tu bổ, dần dần tái hiện phần nào diện mạo trước đây của Lam Kinh. Trong số đó có Chính điện Lam Kinh, công trình kỳ vĩ bằng gỗ lim, với nhiều hạng mục bên trong được làm bằng vàng thật.
Theo NLD
https://nld.com.vn/thoi-su/bi-thu-thanh-hoa-danh-trong-khai-hoi-le-hoi-lam-kinh-2022-20220916221936339.htm