Tiếp nhận viện trợ tu bổ mái Khải Tường Lâu tại Cung An Định

10:35 | 26/08/2022

Chiều 25/8, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh vừa phê duyệt quyết định tiếp nhận hơn 840 triệu đồng thực hiện dự án “Tu bổ mái Khải Tường Lâu tại Cung An Định” do Bộ Văn hóa, Chính phủ Pháp thông qua Văn phòng UNESCO tại Hà Nội viện trợ không hoàn lại.


Mặt trước Cung An Định, nhìn từ đình Trung Lập. Ảnh tư liệu: Quốc Việt/TTXVN

Dự án sẽ xử lý triệt để thấm dột mái xuống công trình và hạn chế nguy cơ gây hư hỏng các bộ phận khác của công trình. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế là đơn vị tiếp nhận khoản viện trợ và tổ chức triển khai thực hiện dự án.

Dự án góp phần đem lại diện mạo khang trang, sạch đẹp, trả lại vẻ đẹp vốn có của tòa lâu đài và phát huy giá trị tổng thể di tích Cung An Định, tạo điểm nhấn tham quan du lịch kết nối với các điểm tham quan khác thuộc Quần thể Di tích Huế; đồng thời phục vụ rộng rãi cho cộng đồng địa phương, khách tham quan quốc tế, nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh đến tham quan, nghiên cứu, học tập.

Cung An Định tọa lạc tại địa chỉ 179 B, đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế, trước đây là nơi ở của gia đình cựu hoàng Bảo Đại từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau năm 1975, bà Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) đã hiến Cung An Định cho chính quyền cách mạng. Hiện nay, di tích này được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp quản và phát huy giá trị.

Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn, mang phong cách châu Âu kết hợp trang trí truyền thống cung đình được xây dựng vào năm 1917. Ban đầu, trong Cung An Định có 10 công trình. Tuy nhiên, hiện chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là cổng chính, đình Trung Lập và Khải Tường Lâu.
Khải Tường Lâu tại Cung An Định là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa Festival Huế, giao lưu văn hóa nghệ thuật hàng năm của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây là một công trình đồ sộ với dáng vẻ một lâu đài châu Âu thời trung cổ. Tòa lầu có diện tích nền 745 m2, gồm ba tầng, 22 phòng, đủ cả phòng khách, phòng ở và khu vực thờ phụng.

Giá trị nổi bật của Khải Tường Lâu là nghệ thuật trang trí vẽ trực tiếp lên tường ở nội thất và nghệ thuật đắp nổi các phù điêu ở ngoại thất; trong đó, tiêu biểu là 6 bức tranh tường vẽ cảnh của các khu lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và 2 bức vẽ lăng vua Đồng Khánh, phụ hoàng của vua Khải Định. Những bức tranh này được hỗ trợ phục hồi bởi các chuyên gia bảo tồn di sản của Đức.

Tường Vi (TTXVN)

Nguồn Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/van-hoa/tiep-nhan-vien-tro-tu-bo-mai-khai-tuong-lau-tai-cung-an-dinh-20220825231654310.htm


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth